Cleanliness is next to godliness – sạch sẽ gần với sự ngoan đạo, là một câu ngạn ngữ đầy thú vị. Sạch sẽ ở đây là ám chỉ sự sạch sẽ về thể chất hay tinh thần? Và trong bối cảnh nào câu nói này xuất hiện?
Nội dung chính
Nguồn gốc của câu ngạn ngữ
“Cleanliness Is Next to Godliness”, nghĩa là sự sạch sẽ gần với sự ngoan đạo, là một câu ngạn ngữ Anh cổ xưa. Câu nói này được cho là bắt nguồn từ năm 1605, khi nhà khoa học và triết gia người Anh là Francis Bacon, viết trong cuốn sách “Advancement of Learning” rằng: “Sự sạch sẽ của cơ thể luôn được coi là xuất phát từ lòng tôn kính đúng đắn đối với Chúa, xã hội, và chính bản thân mình.”
Trong thời kỳ này, khái niệm sạch sẽ không chỉ ám chỉ sự thuần khiết về mặt đạo đức mà còn bao gồm cả vấn đề vệ sinh cá nhân.
Khái niệm mà Bacon đề xuất dường như đã khơi nguồn cho những suy ngẫm tương tự theo thời gian. Trong cuốn History of the Worthies of England (1662) của Thomas Fuller, ngài Edward Coke được miêu tả là tin rằng “vẻ sạch sẽ bên ngoài của cơ thể có thể là lời nhắc nhở về sự thanh khiết của tâm hồn”. Đến cuối thế kỷ 18, trong một bài giảng của John Wesley, ông đã nói: “Hãy lưu ý rằng sự luộm thuộm không phải là một phần của bất kỳ tôn giáo nào. Sạch sẽ – thực sự gần với sự thần thánh và thánh khiết”.
Một sự thật nhiều tầng ý nghĩa
Nhìn vào những tiền đề dẫn đến câu ngạn ngữ này, dường như Bacon đã tổng kết ý tưởng này một cách tốt nhất khi ông nói rằng sự sạch sẽ phản ánh “lòng tôn kính đúng đắn đối với Chúa, xã hội và bản thân mình.” Đây là một khái niệm đa chiều, về bản chất, là một định hướng tuyệt vời cho cuộc sống.
Nói đơn giản, giữ cho cơ thể (và cả môi trường xung quanh) sạch sẽ, cả bề ngoài lẫn nội tâm là cách tự chiêm nghiệm và thực hành lòng tôn kính. Nếu một người tôn trọng sự sáng tạo của Chúa, họ sẽ chăm sóc nó, bao gồm cả bản thân và người khác. Cần tôn trọng người khác, vì họ cũng được Chúa tạo ra theo hình tượng của Ngài. Sự tôn trọng ấy thể hiện qua việc chăm sóc họ, không làm họ khó chịu bằng cách giữ gìn sạch sẽ cả về vệ sinh cá nhân lẫn hành vi đạo đức.
Hãy tưởng tượng thế giới sẽ như thế nào nếu mọi người đều nhớ những điều này và không sa ngã vào những hành vi làm hoen ố cơ thể hoặc tâm hồn?
Tuy nhiên, đối với những người đã kiểm soát tốt phần lớn những hành vi như vậy, theo ý kiến cá nhân, tôi tin rằng vẫn còn một bài học cần rút ra từ câu ‘Sạch sẽ gần với sự ngoan đạo’: Sự sạch sẽ và gọn gàng trong cuộc sống, dù là ở nhà, nơi làm việc, hay thậm chí là trong máy tính hoặc các tập tin của mình, đều phản ánh tính kỷ luật tự giác.
Tính kỷ luật tự giác giúp chúng ta đến gần hơn với những giá trị cao quý và thiêng liêng bên trong mỗi người, trong khi sự nuông chiều bản thân lại khiến chúng ta xa rời những điều đó.
Khi nhìn lại cuộc sống của mình, có thể chúng ta nhận ra những khía cạnh cần cải thiện. Ví dụ, các tập tin trong máy tính cần được sắp xếp gọn gàng hơn, và hộp thư đến cũng cần được dọn dẹp sạch sẽ hơn.
Mặc dù chắc chắn có thể quy sự thiếu gọn gàng cho sự bận rộn, nhưng đôi khi sự bận rộn đó một phần có thể bắt nguồn từ sự thiếu tự chủ, chẳng hạn như để thời gian bị cuốn đi bởi những ý thích bất chợt hoặc bị chi phối bởi cảm xúc, dẫn đến tham gia vào các hoạt động không được lên kế hoạch hoặc không cần thiết. (Tất nhiên, ai cũng cần thời gian thư giãn, nhưng sẽ tốt hơn nếu cả điều đó cũng được sắp xếp hợp lý.)
Mối liên hệ giữa sạch sẽ và lòng kính Chúa
Ẩn sau câu nói “Sạch sẽ gần với sự ngoan đạo’ là quan niệm lâu đời cho rằng sự trong sạch và đạo đức giúp con người gần gũi hơn với Chúa. Quan niệm này, dĩ nhiên, có thể nó đã tồn tại từ rất lâu trước khi Bacon nhắc đến vào năm 1605. Sự trong sạch, cả về đạo đức lẫn thể xác, là yếu tố không thể thiếu trong đời sống của các tu sĩ hoặc nữ tu.
Điều này cũng nhắc đến sự ngây thơ, thuần khiết của trẻ em, phù hợp với câu nói nổi tiếng trong sách Mathêu của Kinh Thánh: “Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không hối cải và trở nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Thiên Đàng” (Mathêu 18:3).
Ngoài ra, trong sách Talmud cổ đại có viết: “Sự cẩn trọng dẫn đến sạch sẽ; sạch sẽ dẫn đến thuần khiết; thuần khiết dẫn đến khiêm nhường; khiêm nhường dẫn đến sự thánh thiện; sự thánh thiện dẫn đến nỗi sợ tội lỗi; nỗi sợ tội lỗi dẫn đến sự thánh hóa; và sự thánh hóa dẫn đến bất tử.”
Sự thuần khiết trong suy nghĩ, không chỉ đơn thuần là tránh ham muốn, mà còn là suy nghĩ tích cực và tử tế, là điều mà nhiều người trong chúng ta sẽ được hưởng lợi nếu cố gắng đạt được.
Sự gọn gàng, ngăn nắp nuôi dưỡng sự ngoan đạo
Những người thực hành các tín ngưỡng và tâm linh trên khắp thế giới thường rất coi trọng sự ngăn nắp trong không gian thiêng liêng của họ.
Hãy thử tưởng tượng một nhóm học Kinh Thánh ngồi trong một căn phòng bừa bộn, bẩn thỉu, hoặc một nhóm thiền định trong ngôi đền được thiết kế mang phong cách thiền, nhưng sàn nhà lại vương vãi đầy đồ đạc. Điều đó rõ ràng không phù hợp và chẳng mang lại cảm giác ‘thiền’ chút nào—cũng chính vì lý do đó, ‘thiền’ thường được gắn liền với những không gian tối giản và yên bình.
Một không gian ngăn nắp giúp giảm căng thẳng và tăng cường sự tập trung, điều này đặc biệt quan trọng cho các hoạt động tâm linh hoặc tín ngưỡng. Nếu bạn cần hỗ trợ để ngăn nắp hơn, hãy bắt đầu với phương pháp của Marie Kondo, chuyên gia nổi tiếng thế giới và tác giả cuốn sách bán chạy ‘The Life-changing Magic of Tidying Up’ (Phép thuật thay đổi cuộc sống của việc dọn dẹp). Phương pháp của cô đã giúp hàng triệu người, và bạn có thể tìm hiểu về cô ấy qua chính cuốn sách này.
Khi bạn đã hiểu đôi chút về câu ngạn ngữ “sạch sẽ gần với sự ngoan đạo”, hãy cố gắng giữ một tâm trí trong sạch, những ý nghĩ tốt đẹp và một không gian sạch sẽ, để gột bỏ những lớp bụi mờ che khuất ánh sáng rực rỡ bên trong mỗi chúng ta.
Theo Theepochtimes