Có người cho rằng, mục đích của đọc sách là kích thích trí tưởng tượng và khơi dậy cảm hứng của con người chứ không phải để ghi nhớ được nhiều kiến thức.
Giáo dục “học thuộc lòng” hủy hoại tư duy độc lập của con người
Thạc sĩ giáo dục của Đại học Sheffield ở Anh, ông Fan Yafei đã phát biểu trong một bài viết, ông cho rằng “giáo dục học thuộc lòng” là một trong những nguyên nhân sâu xa của việc thiếu trí tưởng tượng ở giới trẻ, mà đặc biệt là những quốc gia ở Châu Á, mà điển hình là Trung Quốc.
Mục đích của việc đọc sách không phải là để ghi nhớ được bao nhiêu kiến thức, mà là tự suy xét để biến những kiến thức đó trở thành kiến thức của chính mình.
Trong môi trường giáo dục hiện nay, những đứa trẻ thích đặt câu hỏi và nhìn thế giới bằng con mắt đầy thắc mắc, thường bị phê phán là cá tính và nổi loạn. Thực ra đây là tư duy phản biện, loại tư duy này thúc đẩy sự sáng tạo và khả năng suy nghĩ độc lập. Các bậc cha mẹ không nên vội phê bình con, lại càng không nên tìm cách đồng hóa tư tưởng của con sao cho giống với lý thuyết chung nào đó.
Fan Yafei nói rằng: “Nhiều người ở Trung Quốc biết tôi đọc nhanh nên họ hay hỏi về con đường đi đến tri thức. Họ hỏi rằng ‘đọc nhanh vậy bạn có ghi nhớ hết được không?’ Lúc đầu tôi khá ngạc nhiên. Mục đích của đọc sách lẽ nào là để ghi nhớ? Ở một đất nước mà học vẹt là khái niệm giáo dục và phương pháp giảng dạy cơ bản, việc đặt những câu hỏi như vậy là do di truyền. Ý tôi là gen học vẹt chạy một cách vô thức trong tư duy của họ.
Ở các nước Tây Phương, bất luận là đọc sách nhanh thế nào, cũng không có mấy ai hỏi câu đó. Những lời này nói ra quả thực buồn cười. Thông thường họ sẽ hỏi: ‘Bạn suy nghĩ gì về cuốn sách đó?’. Họ mong chờ quan điểm của bạn, chứ không hỏi bạn nhớ được bao nhiêu nội dung”.
Có một nhà giáo dục nổi tiếng ở phương Tây từng nói rằng: “There is no more Learning: Education is now a Strictly ‘MEMORIZATION’ System.” Nghĩa là “Không còn là học nữa. Giáo dục bây giờ hoàn toàn là một hệ thống ghi nhớ”.
Giáo dục từ lâu đã trở thành một dây chuyền sản xuất tiêu chuẩn hóa để tạo ra những kẻ ngốc chỉ biết học thuộc lòng. Ngay cả các nước Phương Tây cũng phàn nàn về nền giáo dục, những đất nước được cho là giáo dục tiên tiến cũng đang dần bị thoái hóa trở thành một hệ thống ghi nhớ rỗng tuếch.
Mục đích của đọc sách không phải là để ghi nhớ kiến thức
Khả năng tự đặt câu hỏi và thắc mắc quan trọng hơn kỹ năng ghi nhớ tri thức rất nhiều.
Tất cả chúng ta đều có khởi đầu chẳng khác nào một nhà khoa học. Khi còn nhỏ, chúng ta đã thắc mắc mọi thứ! Chúng ta đã đặt câu hỏi để có thể học hỏi! Chúng ta tự hỏi vì sao bầu trời lại xanh, tại sao con chó lại sủa, tại sao trời lại có mưa có nắng, v.v. Trong đầu trẻ thơ luôn có rất nhiều những câu hỏi tại sao, bởi vì chúng luôn tò mò và học được rất nhiều điều từ đó!
Nhưng khi bước vào trường học, sự tò mò đó dần bị dập tắt. Hầu hết giáo viên dạy chúng ta ngừng đặt câu hỏi và thay vào đó hãy bắt đầu ghi nhớ các câu trả lời! Bây giờ, tất cả những gì bọn trẻ làm ở trường là ghi nhớ đáp án bài kiểm tra hôm nay, sau đó quên ngay để nhường chỗ cho bài kiểm tra tiếp theo.
Trước khi vào trường là dấu chấm hỏi, nhưng sau khi vào trường thì nó dần dần biến thành dấu chấm. Đánh mất tinh thần đặt câu hỏi là tác hại lớn nhất của việc “giáo dục trí nhớ”, nó giết chết bản tính tò mò và sáng tạo của con người.
Từng có một phóng viên sốt ruột hỏi Einstein rằng: “Tốc độ giọng nói của ông là bao nhiêu?”
Einstein trả lời: “Tôi không biết”.
Phóng viên tỏ vẻ khinh thường: “Một nhà vật lý nổi tiếng lại không biết tốc độ âm thanh của chính mình?”
Einstein đã trả lời: “Tôi không bao giờ ghi nhớ những thứ có thể tìm thấy trong sách. Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức”.
Khi mọi người đều học thuộc lòng các kiến thức và áp dụng nó, dường như tư duy của mọi người sẽ dễ bị đồng nhất và đồng hóa. Vậy nên kết quả là ở những nước áp dụng phương pháp giáo dục này, người ta sẽ cảm thấy tự hào khi giống ai đó-một nhân vật hình mẫu nào đó được xây dựng thông qua sách vở hoặc truyền hình. Còn ở những nước Phương tây, người ta cảm thấy hãnh diện khi là chính mình, tự hào vì sự độc đáo khác biệt của mình.
Điều này có thể thấy trong các cuộc thi như “The Voice”. Mà điển hình của loại hình giáo dục này là Trung Quốc, các ca sĩ Trung Quốc thường rất tự hào khi nói rằng giọng hát của họ đặc biệt giống ai đó. Còn các ca sĩ phương Tây nói rằng lý do giọng hát của họ hay là vì họ độc đáo và khác biệt.
Giáo dục trở thành các “bộ nhớ” gây ra tình trạng thiểu năng não ở trẻ
Có rất nhiều giáo sư vĩ đại có nghĩa vụ sửa chữa những đứa trẻ khác biệt, cho đến khi tất cả bọn trẻ đều có suy nghĩ giống nhau. Việc dạy học sinh trở thành các bộ nhớ là một trong những yếu tố gây ra tình trạng thiểu năng não ở trẻ. Vậy nên đọc sách như thế nào?
Một tài xế lâu năm, không nhất định là phải ghi nhớ cụ thể từng con đường, nhưng họ nắm rất rõ các phương hướng chung, vì nắm được các phương hướng nên đi đường nào cũng không quan trọng. Đọc sách cũng vậy, trước tiên phải nhìn thấy “rừng cây”, rồi sau mới lại nhìn từng cây. Đừng vì ghi nhớ từng cây mà quên cả cánh rừng.
Quan trọng nhất là phải vừa đọc vừa suy ngẫm, khi đọc thì không ngừng tự đặt câu hỏi và nêu ra những thắc mắc. Lợi ích lớn nhất của việc đọc sách chính là kích phát trí tưởng tượng cùng cảm hứng của con người chứ không phải xem ai ghi nhớ được nhiều tri thức trong đó.
Khổng Tử từng nói: “Học mà không suy nghĩ thì uổng công, suy nghĩ mà không học thì nguy hiểm. Đọc sách chính là để vừa học vừa suy nghĩ”.
Người đọc trình độ thấp thường tập trung chủ yếu vào “nhận biết và ghi nhớ”; người đọc ở trình độ cao hơn thì tập trung vào “phê bình, phân tích và giải quyết vấn đề”.
Một trong những căn nguyên của việc chúng ta thiếu trí tưởng tượng là chủ nghĩa độc đoán về mặt trí tuệ, mà bắt nguồn từ việc giáo dục “lưu trữ bộ nhớ”. Chủ nghĩa độc tài trí tuệ coi tất cả thông tin khác với việc lưu trữ bộ nhớ là kẻ thù và tai họa.
Trẻ em được đào tạo bằng phương pháp giáo dục này thì tư duy chỉ có hai màu đen và trắng. Trong đầu chúng chỉ có hai tiêu chuẩn phán đoán nhị phân đen – trắng. Nó có khớp với một “bộ nhớ” hay không? Trên thực tế, thế giới rất đa dạng và đầy rẫy những nghịch lý, chứ không đơn thuần là một thế giới đen trắng như vậy.
Nền giáo dục dựa trên trí nhớ không thể nuôi dưỡng những cá nhân có tinh thần phê phán. Bởi vì những cá nhân có tư duy phê phán chắc chắn sẽ khinh thường nền giáo dục dựa trên trí nhớ này.
Có người có thể phản biện rằng người xưa thường đọc thuộc rất nhiều thơ, văn, sách vở. Nhưng cần lưu ý rằng, điều cổ nhân nói chính là “đọc thuộc”, chứ không phải tìm cách ghi nhớ. Hai khái niệm này có sự khác biệt. Thực ra có thể đọc thuộc là kết quả tự nhiên của sự quen thuộc, chứ không nên là mục tiêu ngay từ đầu. Ghi nhớ là mục tiêu ngay từ đầu, chính là thuộc loại văn hóa rỗng tuếch, không có nội hàm.
Còn “đọc thuộc” theo đúng hàm nghĩa của cổ nhân, có nghĩa là đọc nhiều, học nhiều thấm vào trong tâm mà tự thuộc, và học thuộc không phải là mục đích của đọc sách.
Theo Soundofhope