Lục tổ Huệ Năng chỉ nhờ 4 câu kệ mà ‘minh tâm kiến tính’ (tâm sáng thấy bản tính), ngũ tổ Hoằng Nhẫn quyết định truyền y bát Thiền tông lại cho ông.
Nội dung chính
Huệ Minh muốn cướp áo cà sa
Vào lúc đó ngũ tổ Hoằng Nhẫn lấy áo cà sa ra, trịnh trọng nói với Huệ Năng: “Chiếc áo cà sa này là bảo vật mà Đạt Ma Sư Tổ mang từ nước Thiên Trúc đến đây. Áo cà sa không phải là Phật Pháp, nhưng nó và Phật Pháp có quan hệ mật thiết không thể tách rời. Áo cà sa là tín vật của Phật Pháp. Y phục thuận theo Pháp mà đi, truyền Pháp tất phải truyền y phục; y phục ở đây thì cũng như Pháp ở đây. Hôm nay ta đem y phục này trao cho con. Con coi như là đại tổ sư thứ sáu của Thiền tông rồi”.
Huệ năng cung kính nhận lấy áo cà sa, cẩn thận nhìn một chút, quả nhiên là bảo vật hiếm thấy. Chiếc áo cà sa này được làm rất tinh tế, màu sắc rực rỡ. Cầm ở trên tay thấy mềm mại, nhẹ như không có vật gì. Đây là dùng vải từ cây bông gòn ở Thiên Trúc để may thành. Huệ Năng lường trước rằng bản thân kế thừa y bát của ngũ tổ, tất nhiên sẽ dẫn khởi sự ghen ghét của những sư huynh khác. Vì vậy sau canh tư, ông liền lên đường, lặng lẽ ra khỏi núi, đi về hướng Lĩnh Nam.
Pháp khí triển hiện uy lực của Phật Pháp
Huệ Năng tranh thủ đi cả ngày lẫn đêm, và khi đến Đại Dữu Lĩnh, đột nhiên nhìn thấy mấy trăm người reo hò đuổi theo. Một vị tăng nhân chạy ở phía trước tên là Huệ Minh; ông là người đầu tiên muốn cướp áo cà sa; dọc theo đường đi, trong lòng ông ta vui vẻ, tựa như cảm thấy chiếc áo cà sa độc nhất vô nhị kia đã khoác ở trên người mình rồi vậy.
Huệ Năng lúc này vừa đói vừa mệt, quả thực là chạy hết nổi rồi; trong tâm ông biết rằng hôm nay thế nào cũng không thoát khỏi bàn tay của những người này. Vì vậy ông đành phải đem bọc áo cà sa đặt trên một tảng đá ở bên đường. Sau đó hướng về đám người đó nói lớn: “Cà sa là tín vật truyền Pháp, làm sao có thể dùng vũ lực để cướp đoạt được? Có áo mà không có Pháp, thì cũng như là tìm hoa trong gương!” Nói xong thì quay người lại chui vào một đám cỏ ven đường.
Huệ Minh chạy tới, thấy áo cà sa để trên tảng đá, đưa tay định lấy, nhưng mà kỳ tích đã xuất hiện. Cái bọc áo cà sa cứ như mọc rễ, mặc cho ông dùng hết sức mình, cũng không thể nào lay động dù chỉ một chút. Huệ Minh cả kinh thất sắc, trong nháy mắt ông thể ngộ được uy lực vô cùng của Phật Pháp; vì vậy tiến đến thi lễ hết sức cung kính đối với Huệ Năng, mời Huệ Năng thuyết pháp cho ông.
Cà sa bảo vệ Huệ Năng thoát nạn
Sau khi chia tay Huệ Minh, Huệ Năng đi đến vùng đất Lĩnh Nam, đi tới chùa Bảo Lâm. Mấy tháng sau, vào một buổi tối nọ, từ sau núi bỗng xuất hiện một nhóm hòa thượng. Người nào cũng mặc áo ngắn, tay cầm đuốc; đi tới phía sau cửa chùa dùng sức đập cửa. Huệ Năng vội vàng thức dậy, cẩn thận nghe ngóng, một giọng xa lạ cất lên: “Huệ Năng mau giao áo cà sa ra đây. Nếu không bọn ta sẽ không khách khí đâu!”
Lại có người đến cướp áo cà sa! Huệ Năng không suy nghĩ nhiều, vội vàng cầm bọc áo cà sa chạy ra cửa trước. Ông chạy như bay vào trong ngọn núi nhỏ phía trước chùa Bảo Lâm. Đến khi ông chạy lên sườn núi, quay đầu nhìn lại, chỉ thấy mười mấy cây đuốc cứ như một con rắn dài, đang hướng về phía ông nhanh chóng đi đến. Huệ Năng mệt rã rời cũng không chạy nổi nữa, chui vào trong một cái khe đá lớn.
Không biết bao lâu sau, Huệ Năng đột nhiên ngửi thấy mùi khói cay mũi. Ông quay đầu nhìn một cái, toàn bộ ngọn núi đã trở thành biển lửa. Thì ra những tăng nhân kia tìm khắp cả quả núi mà không thấy Huệ Năng, trong cơn tức giận mà phóng hỏa đốt núi. Cho rằng làm như thế thì Huệ Năng sẽ ngoan ngoãn đi ra.
Kỳ tích xuất hiện
Trong lúc nguy cấp, Huệ Năng trước tiên nghĩ đến áo cà sa trong tay. Tính mệnh của bản thân không có gì đáng tiếc, bảo vật quan trọng này của Phật môn quyết không thể có chút hư hại nào. Vậy phải làm như thế nào? Trong tình thế cấp bách, ông nhớ đến việc lúc Huệ Minh cướp áo cà sa, có làm thế nào cũng không nhấc nổi cái áo lên. Ông nghĩ rằng, chiếc áo cà sa trên tay này là bảo y, là pháp khí, lửa sẽ không thể thiêu đốt được.
Nghĩ tới đây, Huệ Năng nhìn ngọn lửa đang tới gần, ông không hấp tấp mà từ từ mặc chiếc áo cà sa vào người và ngồi trên một tảng đá, nhắm mắt nhập định. Lập tức ông cảm thấy toàn bộ thân thể chìm xuống; hết thảy mọi thứ xung quanh đều cách xa ông, ánh lửa cũng không thấy, khói dày đặc tản đi; một thế giới yên tĩnh khác thường…
Ước chừng khoảng 2 giờ đồng hồ sau, Huệ Năng bị một ánh sáng làm chói mắt. Ông mở mắt ra nhìn thì thấy mặt trời đỏ dâng lên. Hôm qua còn là cỏ cây tươi tốt, vậy mà bây giờ toàn bộ đã bị thiêu cháy thành tro. Nhìn lại trên người, mặc dù một lớp tro tàn rơi xuống trên chiếc áo cà sa, nhưng lại không bị hư hại chút nào.
Y bát chỉ truyền đến lục tổ
Huệ Năng quay người định đi, thì đột nhiên thấy khối đá dưới chân mà giật mình. Chỉ thấy trên khối đã xuất hiện vết lõm do hai cái đầu gối gây ra. Cẩn thận nhìn một chút, thì thấy hoa văn trên áo cà sa cũng in trên đá, Huệ Năng một lần nữa cảm thấy uy lực của Phật Pháp. Về sau Huệ Năng trở lại Tào Khê, các đệ tử mang khối đá này về, cúng bái quỳ lạy, gọi là “Đá tị nạn”.
Huệ Năng trước khi viên tịch, nói với các đệ tử: “Ban đầu Đạt Ma Sư Tổ có một câu kệ: ‘Ta đến đây với nguyện, truyền pháp cứu người mê, một hoa nở năm cánh, nụ trái trổ ê hề’”. Từ Đạt Ma Sư Tổ đến Huệ Năng, vừa vặn là truyền qua 5 đời. Ngũ tổ Hoằng Nhẫn cũng dặn dò Huệ Năng: “Y bát vì tranh chấp, chỉ dừng ở con chứ đừng truyền”.
Cho nên áo cà sa của Thiền tông chỉ truyền đến Huệ Năng là ngừng, không truyền thừa. “Y phục theo Pháp mà đi, truyền Pháp tất phải truyền y phục, y phục ở đây thì cũng như Pháp ở đây”, y bát không truyền, Thiền tông tự nhiên cũng chỉ đi đến đây là cuối cùng.
Lục tổ Huệ Năng được truyền thừa y bát và đã triển hiện ra uy lực vô biên của Phật Pháp, trở thành một vị cao tăng huyền thoại trong lịch sử.
Theo Vision Times