Người xưa có câu “Luận bàn cần có trí tuệ”, con người cần cân nhắc điều gì nên nói, điều gì không nên nói; không nói a dua theo người khác về những điều bạn không biết bởi hậu quả của những tin đồn là hoàn toàn không thể lường trước được.
- Hai vợ chồng bác sĩ trả lời một số thắc mắc về Pháp Luân Công
- Nôn nóng thì khó nghe được lời khuyên tốt
- Những câu trả lời hay nhất cho câu hỏi “vì sao nên đọc sách?”
Người xưa cũng dạy rằng “Lời thị phi dừng nơi người trí”, không thổi phồng hay bóp méo sự việc, không nói lời đồn ác, không lấy chuyện làm quà. Những gì không thuộc về bạn, những gì chỉ là tin đồn, nếu bạn có nghe thấy thì hãy để chúng dừng lại nơi bạn. Người có trí tuệ luôn biết chủ động phân loại thông tin nghe được và cân nhắc từng lời nói ra. Và họ luôn biết rằng đưa chuyện là một thói quen xấu phải tránh.
Dưới đây là một câu chuyện kể về tác hại của những lời thị phi, những lời đồn ác ý đã gây ra cái chết của một sinh mệnh như thế nào.
Chuyện kể rằng, một hôm bò từ cánh đồng trở về, mệt quá nằm lăn ra đất nghỉ, thở phì phò. Chó đi ngang qua, thấy vậy bèn dừng lại hỏi han. Bò thở dài đáp:
“Anh bạn à, tôi thực sự mệt quá rồi! Ngày mai tôi không muốn ra đồng nữa, ở nhà nghỉ cho lại sức.”
Hai con vật nói chuyện thêm một lúc rồi tạm biệt nhau. Trên đường, chó gặp mèo đang nằm vắt vẻo trên bờ tường. Chó nói:
“Này anh bạn, tôi vừa mới đi thăm bò. Anh ta than mệt, còn nói muốn nghỉ làm một ngày. Kể ra cũng tội, chủ nhân đúng là đã bắt anh ấy làm việc nhiều quá rồi!”
Mèo quay người, nói với dê đang ăn cỏ gần đó rằng:
“Anh biết tin gì chưa? Bò trách chủ nhân bắt mình làm nhiều việc nên muốn nghỉ một ngày, mai không ra đồng nữa đấy!”
Một lúc sau, dê gặp gà, liền nói:
“Bò không muốn làm việc cho chủ nhân nữa, chị gà mái ạ. Anh ta than là công việc nhiều quá, mệt quá! Hầy, cũng không biết những chủ trang trại khác đối xử với bò của mình có tốt hơn chủ nhân chúng ta không nữa.”
Gà gặp lợn lại kể:
“Anh bò sắp nghỉ làm ở đây rồi. Anh ta muốn đi tìm chủ nhân khác. Ai bảo chủ nhân đối xử với anh ấy tệ quá, bắt làm bao nhiêu là việc, lại còn dùng roi đánh anh ta nữa.”
Gà cảm thán vài câu rồi đi về chuồng. Một lúc sau, vợ ông chủ đi chuẩn bị cho các con vật ăn tối. Lợn liền lại gần nói:
“Tôi muốn báo lại với bà một chuyện. Dạo gần đây, bò hay có những suy nghĩ nổi loạn, rất cần phải được dạy bảo lại. Anh ta không muốn làm cho chủ nhân nữa, chê công việc ở đây nhiều quá, nặng quá, khiến anh ta mệt mỏi. Bò còn nói muốn bỏ đi, tìm một chủ nhân khác nữa đấy.”
Nhận được phản ánh của lợn, trong bữa tối, bà chủ lập tức đem chuyện nói lại với chồng:
“Mình ơi, bò đang muốn tạo phản. Nó muốn đổi chủ, không làm cho mình nữa. Tội tạo phản không thể tha, mình định xử lý thế nào?”
“Kẻ phản bội đều đáng tội không tha!” ông chủ nghiến răng, tức giận nói.
Thế là con bò đáng thương suốt ngày chỉ biết làm việc quần quật cuối cùng bị giết lấy thịt chỉ vì những lời truyền miệng sai sự thật. Vậy nên hãy ý thức về những gì bạn định nói. Trước một sự việc, một hiện tượng, bạn hãy suy nghĩ thật kĩ xem liệu những lời bạn nói ra có đem lại sự tốt lành không, hay ngược lại, lại làm cho một sự tình nào đó trở nên tệ hại hơn.
Hãy là một người có trí tuệ, phân biệt rõ đâu là điều tốt, đâu là điều xấu, điều nào nên nói, điều nào không nên nói. Hãy luôn nhớ rằng “Lời thị phi dừng nơi người trí”.