Nhân sinh cảm ngộ

Hiệu ứng Dunning–Kruger: Nhận thức càng thấp càng tự cho là mình đúng

20/04/23, 07:52
Hiệu ứng Dunning–Kruger: Nhận thức càng thấp càng tự cho là mình đúng
Nhận thức càng thấp càng tự cho là mình đúng (ảnh minh họa Psychologytoday)

Nhận thức càng thấp càng dễ cho là mình đúng mà phản đối ý kiến của người khác, trong tâm lý học gọi đây là “Hiệu ứng Dunning–Kruger”.

Có một câu chuyện như sau: Đã từng có một tên cướp tên là Wheeler. Anh ta đã cướp 2 ngân hàng ở Pittsburgh giữa ban ngày và không đeo mặt nạ hay có bất kỳ sự cải trang nào. Không mất nhiều thời gian để cảnh sát bắt giữ anh ta.

Khi bị bắt, anh ta vẫn còn bối rối hỏi cảnh sát: “Làm thế nào các anh tìm thấy tôi? Tôi rõ ràng đã bôi chất lỏng tàng hình lên mặt rồi mà!” Cảnh sát hỏi: “Chất lỏng tàng hình nào?” Tên cướp vô cùng nghiêm túc trả lời: “Nước chanh”. Hóa ra sau khi hắn biết dùng nước chanh để viết chữ trên giấy thì có thể làm cho chữ viết trở nên vô hình, anh ta ngu ngốc tin rằng nước chanh thoa lên mặt cũng có thể khiến mình tàng hình. 

Tên cướp ngu ngốc này đã thu hút sự chú ý của giáo sư tâm lý học tại Đại học Cornell là David Dunning. Ông đã làm việc với nhóm của mình để tiến hành nghiên cứu thực nghiệm và phát hiện ra rằng: Trình độ nhận thức của một người càng thấp thì họ lại càng ít có khả năng nhận ra chính xác những khuyết điểm của mình và phân biệt rõ hành vi sai trái của bản thân. Đây chính là “Hiệu ứng Dunning–Kruger” nổi tiếng.

Trình độ nhận thức càng thấp càng tự cho mình là đúng 

“Hiệu ứng Dunning–Kruger” giải thích rất rõ 4 giai đoạn nhận thức của con người: 

Giai đoạn đầu tiên: Đỉnh cao sự ngu ngốc—không biết rằng mình không biết; 

Giai đoạn thứ 2: Thung lũng tuyệt vọng — biết rằng mình không biết;  

Giai đoạn thứ 3: Sườn dốc giác ngộ — biết rằng mình biết; 

Giai đoạn thứ 4: Cao nguyên của sự bền vững — không biết rằng mình biết. 

Hiệu ứng Dunning–Kruger: Nhận thức càng thấp càng tự cho là mình đúng
Những người có trình độ nhận thức càng thấp càng tự cho là mình đúng (ảnh minh hoạ livescience)

Trong cuộc sống, hầu hết mọi người đều ở giai đoạn đầu tiên của trạng thái nhận thức, nhưng những người như vậy thường nghĩ rằng họ biết tất cả mọi thứ và tự cho mình là đúng. 

Trong “Tống nhân dật sự hồi biên” có một câu chuyện như vậy: Kể rằng thời Nam Tống, có một quan huyện tên là Chung Nhược Ông, ông tự cho rằng chữ viết của mình rất đẹp, nên rất coi thường chữ viết của người khác và luôn muốn thay thế nó.  

Đi đến đâu ông cũng thích châm chọc mỉa mai những chữ trên bức hoành, cố hết sức xóa bỏ những chữ gốc và viết lại dưới tên của chính mình. Tuy nhiên, chữ viết của ông thực sự rất xấu và mọi người xung quanh ông ấy đều gặp rắc rối vì điều đó. 

Ông từng đi ngang qua một ngôi chùa trên núi ở Lư Lăng, nơi có một lầu gác cao rất nguy nga. Chung Nhược Ông và các quan viên cấp dưới cùng đi đến đó và đứng xung quanh phía dưới, nhìn bức hoành trên chùa có ghi “Định huệ chi các”, nhưng tên tác giả trên bức hoành rất mờ. Ông liền phê bình theo ý mình, còn nhờ một nhà sư dùng thang để gỡ bức hoành xuống.

Sau khi nhà sư lau sạch sẽ bức hoành, Chung Nhược Ông bước lại gần và thấy rằng nó thực sự được viết bởi Nhan Lỗ Công Nhan Chân Khanh, là người rất nổi tiếng về thư pháp.

Lúc này, ông xấu hổ quay đầu lại nói với quan viên cấp dưới: “Tại sao các ngươi không khắc những chữ đẹp như vậy lên bia đá?”. Thế là, sau khi trở về, ông lập tức sai người khắc chữ trên bức hoành vào một phiến đá. Nghe nói rằng sự việc này được người đời sau coi là một chuyện cười.

Trong cuộc sống, có rất nhiều người giống như Chung Nhược Ông, những người rõ ràng có nhận thức hạn chế nhưng lại cảm thấy tự mãn về bản thân. Người xưa có câu: “Núi cao còn có núi cao hơn, người giỏi ắt có người giỏi hơn”.

Trình độ nhận thức càng thấp càng cố chấp 

Trang Tử nói: “Hạ trùng bất khả ngữ băng. Tỉnh để oa bất khả dĩ đàm thiên“. Có nghĩa: Trùng mùa hạ sao nói được băng tuyết, ếch đáy giếng sao bàn trời nổi. Đừng nói chuyện biển với ếch ngồi đáy giếng, nhận thức của nó chỉ lớn bằng đáy giếng, mà biển là điểm mù trong nhận thức của nó. Đừng nói về chuyện băng tuyết với trùng mùa hạ, vì trùng mùa hạ chưa bao giờ trải qua băng tuyết, và băng tuyết là điểm mù trong nhận thức của nó.

Những người có trình độ nhận thức thấp hơn có nhiều điểm mù nhận thức hơn. Ngược lại, họ ít có khả năng lắng nghe ý kiến ​​​​của người khác và mù quáng bám lấy nhận thức ​​​​của chính mình. 

Một cư dân mạng đã chia sẻ câu chuyện như vậy: Trong một lần đi làm, một đồng nghiệp ở bộ phận kỹ thuật gọi điện cho anh nói rằng máy không hoạt động, chắc là máy bị hỏng, cần báo cáo. Anh nói với các đồng nghiệp của mình rằng việc máy không chạy không nhất thiết là do máy trục trặc và yêu cầu bên kia coi xem mã hóa của chương trình có vấn đề gì không. Sau đó, anh đã gọi cho cơ sở dữ liệu nền để xem và thấy rằng một dòng mã đã bị xóa.

Hiệu ứng Dunning–Kruger: Nhận thức càng thấp càng tự cho là mình đúng
Một người có trình độ nhận thức càng thấp thì càng cố chấp (ảnh minh họa Alodokter)

Sau khi tìm ra nguyên nhân, anh nhanh chóng nói với người đồng nghiệp của mình rằng đó là sự cố lập trình chứ không phải lỗi máy móc. Thật không ngờ, người đồng nghiệp hoàn toàn không nghe, gọi anh ta nửa tiếng, nhưng người đồng nghiệp này chỉ cho rằng máy hỏng.

Không tranh cãi thêm, anh gọi cho sếp của mình, người đã kiểm tra và xác nhận rằng đó là sự cố lập trình. Sự cố này cũng khiến anh hiểu rằng người đồng nghiệp kia bởi vì anh ta hoàn toàn không hiểu mã hóa máy là gì, mà chỉ hiểu sự cố máy móc nên mới cố chấp với suy nghĩ của mình. 

Chúng ta thấy rằng, trình độ nhận thức của một người càng thấp thì cách nghĩ lại càng phiến diện, càng thiếu sức phán đoán và sẽ biểu hiện càng ngoan cố. Điều đáng buồn nhất là những người cứng đầu này không biết điểm hạn chế trong nhận thức của mình, họ chỉ bám lấy cách nghĩ ​​của riêng mình, dương dương tự đắc giống như ếch ngồi đáy giếng.

Kiên trì giữ chính kiến của bản thân tuy là đúng, nhưng nếu bạn không chịu lắng nghe và học hỏi, điều đó ngược lại sẽ cản trở sự tiến bộ và trưởng thành của chính bạn. 

Phá vỡ “nhà tù tư duy” và đạt được sự phát triển bản thân 

Triết gia Schopenhauer nói rằng: “Nhà tù lớn nhất trên thế giới là tâm trí con người“. Nếu một người không thể thoát ra khỏi quan niệm của chính mình thì người đó sẽ là “tù nhân” của suy nghĩ đó dù họ ở bất cứ đâu. Vì vậy, làm thế nào để phá giới hạn về nhận thức và thoát khỏi “nhà tù” của tư duy? Hãy xem xét ba điểm sau: 

1. Học cách suy ngẫm

Nhiều người trong cuộc sống, bất cứ khi nào gặp phải vấn đề, họ thường thích phàn nàn hoặc đổ lỗi cho hoàn cảnh bên ngoài. Như mọi người đều biết, tự xét lại chính mình là bước đầu tiên để phát triển bản thân. Tăng Quốc Phiên lập chí muốn trở thành Thánh nhân, ông đã thông qua việc viết nhật ký để tự xét lại bản thân mỗi ngày.  

Hiệu ứng Dunning–Kruger: Nhận thức càng thấp càng tự cho là mình đúng
Học cách tự xét lại chính mình là bước đầu tiên để phát triển bản thân (ảnh minh họa Danviet)

Từ khi còn trẻ cho đến lúc về già, ông đều sống trong sự soi xét bản thân, không ngừng tu chỉnh hành vi và hoàn thiện những khuyết điểm trong tính cách, ví như sự nóng nảy, giả dối và khoa trương… Cuối cùng, nhờ nỗ lực không ngừng, ông đã hoàn toàn “thoát thai hoán cốt” và đạt đến cảnh giới cao nhất trong cuộc sống.

Như người ta vẫn nói, thuộc tính hướng nội sẽ phát triển hướng lên. Chỉ khi một người học cách hướng nội và từ bỏ những suy nghĩ tự cho mình là đúng, anh ta mới có thể nhận thức rõ chính mình và hoàn thiện bản thân mình tốt hơn. 

2. Nâng cao nhận thức

Một mặt, nếu bạn muốn cải thiện nhận thức của mình, bạn phải duy trì “tâm thái chiếc cốc rỗng” và liên tục đặt lại bản thân về vị trí thấp nhất. Trong cuộc sống thực tế, có những người đã đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng họ nghĩ rằng họ có trình độ rất cao, họ kiêu ngạo tự mãn và không muốn tiến lên.

Người xưa có câu: “Mãn chiêu tổn khiêm thụ ích”, có nghĩa là khiêm nhường sẽ nhận được lợi ích, được cho thêm, tự mãn thì bị mất đi, chuốc lấy tổn hại. Chỉ khi từng thời khắc giữ được tấm lòng khiêm tốn, tích cực đón nhận những kiến thức mới mẻ, tiếp xúc với tri thức mới, lĩnh hội những điều mới, chúng ta mới có thể đề cao bản thân. 

Khi nghe chia sẻ kinh nghiệm, bạn cần biến nó thành tri thức của riêng mình để liên tục ứng dụng trong cuộc sống (ảnh minh họa Idntimes)

Mặt khác, bạn cần bồi dưỡng khả năng tư duy độc lập trong quá trình học tập. Sau khi có “đầu vào” của việc học, chúng ta cũng nên thử tìm “đầu ra” cho nó. Ví dụ, khi bạn đọc xong một cuốn sách hoặc nghe chia sẻ kinh nghiệm của người khác, bạn cần tiếp thu nó và biến nó thành tri thức của riêng mình để liên tục ứng dụng trong cuộc sống. Chỉ khi chúng ta không ngừng nâng cao tri thức, chúng ta mới có thể đột phá giới hạn của bản thân.

3. Học tập suốt đời 

Có người hỏi rằng: “Tại sao lại nói rằng những sinh viên tốt nghiệp cùng một trường đại học có thể nới rộng khoảng cách rất lớn chỉ trong vài năm?” Có người cho rằng đó là do hoàn cảnh gia cảnh, và cũng có người cho rằng đó là do may mắn. 

Trong số đó lại có người nói rằng: “Bởi vì tuy rằng học ở trường giống nhau, nhưng một số người đến lớp và sau giờ học, họ chơi game, xem phim truyền hình và đi mua sắm; Nhưng một số khác thì từ năm nhất đại học đã có kế hoạch trong cuộc sống của riêng họ. Chẳng hạn như học trong thư viện trong vài năm, sau đó tập trung vào thực hành vào xã hội, v.v. 

Sau khi tốt nghiệp đại học, những người này cũng từng bước đi làm, nhóm đầu tiên vẫn chơi game, đi mua sắm và xem những đoạn video ngắn sau giờ làm việc. Trong khi những bạn học khác bắt đầu làm việc chăm chỉ ngay từ năm nhất, sau khi tốt nghiệp vài tháng họ đã có vốn đầu tư riêng và bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình….”

Những người có vẻ lợi hại này thực sự có một đặc điểm chung: Họ từng thời từng khắc đều chuẩn bị cho tương lai và họ luôn là người thực hành “học tập suốt đời”. Nhờ có tư duy cầu tiến này mà họ sẽ không bị thời đại đào thải. 

Con người có hai lần tái sinh, một khi sinh ra và một khi thức tỉnh. Và sự thức tỉnh bắt đầu từ nhận thức của chính bạn. Phạm vi nhận thức của bạn xác định bạn có thể đi được bao xa.

Hy vọng rằng mọi người có thể thanh tỉnh nhận thức, phát hiện ra những khiếm khuyết của bản thân, thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của “Hiệu ứng Dunning–Kruger”, làm giàu nội hàm bản thân, nhận ra sự trưởng thành của mình và trở thành một con người luôn tràn đầy năng lượng. 

Theo 360doc

x