Nhân sinh cảm ngộ

Hãy học cách chấp nhận những điều bất như ý trong cuộc sống

16/05/24, 15:54
Hãy học cách chấp nhận những điều bất như ý trong cuộc sống
Hãy học cách chấp nhận những điều bất như ý trong cuộc sống (ảnh: Pinterest)

Khi đối mặt với những chuyện bất như ý, bạn sẽ trốn tránh hay ép bản thân phải cố gắng chịu đựng? Đừng làm vậy nữa, hãy học cách chấp nhận nó như một phần của cuộc sống.

Lại Di Trăn, nhà tâm lý học lâm sàng tại Trung tâm Trị liệu Tâm lý Cuộc sống hạnh phúc, đã đưa ra các chiến lược để đối mặt với những điều bất như ý trong cuộc sống như sau: 

  • Hãy suy nghĩ về những việc chính mà mình cần làm.
  • Mở lòng để chấp nhận, đừng cố chống lại cảm xúc của mình.
  • Thực hiện những hành động phù hợp và mang lại kết quả tối ưu. 

Học cách chung sống với những trải nghiệm không thoải mái, thay vì chịu đựng chúng thì hãy chấp nhận chúng. 

Câu chuyện về cậu bé ăn cà rốt

“Liberty Times” dẫn bài đăng của Lại Di Trăn trên Facebook, viết rằng: 

“Gần đây, trong một bữa tiệc cùng bạn bè, có một cậu bé khoảng 7- 8 tuổi ngồi cạnh tôi. Khi nhìn đĩa mì ống có rất nhiều củ cà rốt hình hoa mai, sắc mặt cậu thay đổi rõ rệt và than thở: ‘Sao cà rốt của Thỏ Trắng lại tới đây thế này?’ 

chấp nhận cuộc sống; học cách thích nghi; thích nghi cuộc sống
Cậu bé nhìn những miếng cà rốt và than thở: “Sao cà rốt của Thỏ Trắng lại tới đây thế này?” (ảnh minh họa: WordPress)

Nhưng ngay sau đó cậu lại gắp miếng cà rốt lên, đưa vào miệng rồi nhai một cách ngon lành. 

Hầu hết trẻ em đều tỏ thái độ khó chịu và từ chối những món mà chúng không thích, và việc một đứa trẻ miễn cưỡng ăn một món ăn không thích là cực kỳ hiếm thấy. 

Lại Di Trăn tò mò hỏi cậu bé: ‘Con không thích cà rốt sao vẫn ăn nó thế?’

Cậu bé đáp: ‘Dạ. Bởi vì chúng ta không thể lãng phí thức ăn ạ. Giờ con không ăn, lát nữa nó nguội nó cũng chẳng ngon hơn được. Vậy thì thà con ăn nó lúc còn nóng có lẽ sẽ ngon hơn chút ạ’.” 

Nói rồi cậu bé tiếp tục gắp cà rốt và ăn tiếp. Lúc  đó Lại Di Trăn thực sự bị ấn tượng trước lối suy nghĩ của cậu bé.

Lãng phí thời gian để trốn tránh chỉ gia tăng cảm giác thống khổ

Con người thường có xu hướng trốn tránh những người hoặc đồ vật, sự việc mà mình không thích, đây cũng là một phản ứng rất đỗi bình thường. 

Nhưng nếu cứ cố dành thời gian và năng lượng để trốn tránh hoặc loại bỏ nó, có thể bạn sẽ càng chịu cảm giác thống khổ nhiều hơn.

Rối loạn lo âu là một ví dụ điển hình, Lại Di Trăn đưa ra một ví dụ, giả sử đó là một người cảm thấy luôn lo lắng trước các giao tiếp và hoàn cảnh xã hội. Để tránh cảm giác lo lắng, họ lựa chọn việc ngừng tham gia các hoạt động xã hội. Điều này có lẽ sẽ mang lại những lợi ích ngắn hạn, và khiến họ nhất thời không phải trải qua chứng lo âu xã hội.

chấp nhận cuộc sống; học cách thích nghi; thích nghi cuộc sống
Trốn tránh chỉ làm sự cô đơn, cô lập ngày càng lớn, khiến bệnh tình càng trở nên trầm trọng (ảnh minh họa: Shutterstock)

Nhưng về lâu dài, họ lại phải trả một cái giá rất lớn, đó là họ phải đối mặt với vấn đề thu hẹp vòng tròn sống của mình và trở nên cô lập với những người khác. Mà đây mới là nguyên nhân cốt lõi khiến những người mắc chứng lo âu xã hội phải chịu thống khổ, khiến bệnh tình của họ ngày càng nặng hơn.

Hãy học cách chấp nhận thay vì cố gắng chịu đựng 

Lại Di Trăn nhấn mạnh rằng, còn có một loại phương thức phản ứng khác cũng không khác gì một loại trốn tránh lo âu. Đó là cố gắng đè nén sự khó chịu, cắn răng chịu đựng và ép buộc  bản thân tiếp tục hòa nhập với xã hội, cố tỏ ra ổn.

Tuy nhiên, điều này thực sự có ổn không? Lại di Trăn nói rằng, dưới góc độ trị liệu thì phương pháp cố gắng đối phó này vẫn chỉ là một hình thức trốn tránh. Dù không thể thoát khỏi tình trạng lo lắng nhưng vẫn cố chiến đấu chống lại sự lo lắng và hy vọng một cách tuyệt vọng rằng cảm giác lo lắng sẽ qua đi.

Đây chỉ là “chịu đựng”,  chứ không phải là “chấp nhận”! Sự chấp nhận thực sự, là dẫu lo lắng, khó chịu đến mấy cũng sẽ không đau khổ vì sự tồn tại của nó. 

Vậy làm thế nào để đạt được trạng thái “chấp nhận” thay vì “chịu đựng”? Từ câu chuyện cậu bé ăn cà rốt, chuyên gia chỉ ra rằng cậu bé biết mình không thể lãng phí thức ăn và phải ăn hết chúng (biết điều gì là quan trọng và điều gì mình cần làm).

Cậu bé cũng biết rõ mình không thích cà rốt (chấp nhận cảm xúc của chính mình mà không chống cự).

Nếu một người không thích ăn cà rốt, họ sẽ thường không muốn ăn nó trước, có thể để sau mới ăn. Nhưng điều này cũng không thay đổi được việc bản thân không hề thích cà rốt, và sự thật là cà rốt để lâu cũng không hề ngon hơn. Vậy nên nhân lúc còn nóng, mùi vị có lẽ còn tốt thì cậu bé ăn nó luôn (đây là hành động phù hợp và mang tính hiệu quả tối ưu).

Hy vọng rằng, sau này khi đối mặt với những trải nghiệm mà bạn không thích, bạn có thể sử dụng các chiến lược trên, học cách chấp nhận và chung sống với nó như một phần tất yếu của cuộc sống.

Theo Soundofhope

x