Nhân sinh cảm ngộ

Giữ chừng mực: Nói không gay gắt, làm không tuyệt tình, lợi không chiếm hết

01/01/21, 11:18
giữ chừng mực
Làm việc gì cũng chừa lại cho người khác một ít khoảng trống, cũng chính là chừa lại cho bản thân một con đường (ảnh 3g.163)

Thường nói ‘hăng quá hóa dở’, việc gì mà làm quá đi cũng đều không tốt, làm gì cũng nên giữ chừng mực. Việc có lợi mà thấy quá phận cũng không nên làm; việc thuộc bổn phận của mình, tuy không có lợi nhưng vẫn nên làm.

1. Không nói gay gắt

Trên mạng từng có một câu chuyện ngắn khiến mọi người không khỏi buồn cười: 

Một người tên Thành nhặt được một chiếc điện thoại di động. Anh đang định tìm cách để trả lại cho người bị mất thì bỗng chủ của chiếc thoại này tên là Tùng gọi điện tới, đùng đùng nổi giận mà trách mắng: 

“Tôi cảnh cáo anh, anh đừng có giở trò với tôi. Tốt nhất là mau mang điện thoại di động đến trả lại cho tôi. Điện thoại này có định vị vệ tinh; anh có trốn ở đâu thì tôi cũng tìm đến được”.

Gọi điện nói có mấy câu mà toàn là lời khó nghe; nào là “cảnh cáo”, “giở trò”, rồi lại “trốn”. Làm như anh Thành là một kẻ tham lam, một tên trộm cắp.

Anh Thành vốn là một người nóng nảy, anh liền lập tức cúp máy; sau đó đi mua mấy chục quả bóng bay cột vào chiếc điện thoại kia và thả cho bay lên trời. Chiếc điện thoại cứ thế mà bay xa dần…

Có người bình luận dưới câu chuyện này là “ha ha ha, cho đáng đời!”

Vốn dĩ anh Thành không có muốn lấy chiếc điện thoại này mà còn muốn mang trả lại. Nhưng không ngờ anh Tùng quá gay gắt, chưa hỏi đầu đuôi ra sao đã đe dọa người ta. Không những thế còn đánh giá nhân phẩm của anh Thành quá thấp. Thực sự là anh Tùng đã làm quá phận. 

Bất kể là việc gì thì khi nói cũng đừng quá tuyệt đối. Chừa lại cho người khác một khoảng trống chính là chừa lại cho bản thân một cơ hội. 

Lời nói đừng quá gay gắt, nên giữ chừng mực
Lời nói đừng quá gay gắt (ảnh Sina)

2. Làm việc nên giữ chừng mực, đừng quá tuyệt tình

Thường nghe câu “làm người đừng quá cứng nhắc, làm việc đừng quá tuyệt tình”. Lưu lại con đường cho người khác, cũng chính là tích lại phúc lành cho bản thân. Hơn nữa, con người khi bị dồn vào đường cùng thì sẽ rất khó đoán được chuyện gì sẽ xảy ra. 

Sở Trang Vương vào thời kỳ Xuân Thu cũng là một người rất hiểu được cách đối nhân xử thế. Vào một ngày nọ, trong lúc Sở Trang Vương mở tiệc chiêu đãi quần thần, có người lợi dụng lúc đèn bị tắt mà mạo phạm đến phi tần của ông. Người phi tần đã nhanh trí xé rách một góc quai mũ để làm bằng chứng. Nàng thỉnh cầu Sở Trang Vương bắt “kẻ gây chuyện”.

Nhưng Sở Trang Vương nghĩ đến danh tiết của bề tôi mà không đồng ý. Ông nói tất cả mọi người phải bỏ mũ xuống và tiếp tục ăn uống.

Về sau nước Sở và nước Tấn giao chiến. Có một vị tướng quân hào khí ngút trời; anh dũng giết địch, lập được nhiều chiến tích. Vị tướng quân này chính là người đã mạo phạm năm đó.

Tục ngữ nói, “tìm chỗ khoan dung mà độ lượng”. Khi bạn đang chiếm thế thượng phong mà đối phương lại đang sa cơ, nếu có thể được thì hãy giữ tâm từ bi. Khi bạn đang nắm cái lý mà đối phương lại vô tình mắc sai lầm, nếu được thì hãy hạ thủ lưu tình.

Không cực đoan, không quá phận, làm việc không quá tuyệt tình. Nhường người một bước, chừa cho người một con đường sống. Tâm từ bi sẽ khiến lòng người cảm kích, vào một lúc nào đó sẽ âm thầm báo ân cho bạn.

3. Lợi không chiếm hết

Lợi ích không nên chiếm hết, việc gì cũng nên có chừng mực
Lợi ích không nên chiếm hết, việc gì cũng nên có chừng mực (ảnh Kuaibao)

Cách đây mấy năm tôi có đọc được một bài viết với tiêu đề là “Hãy để cho người khác lời ít tiền”. Tác giả của bài viết nói rằng, nhờ sự giúp đỡ của một người bạn mà mua được một chiếc bồn rửa rất rẻ. 

Không ngờ trong quá trình lắp đặt, người nhân viên đã lật lại thỏa thuận trước đó là “lắp đặt trọn gói, không tính thêm phí”. Anh ta tính thêm 50 nhân dân tệ (NDT) với lý do là “chậu rửa cũ dùng vít nở, tháo lắp rất tốn công”.

Tác giả đương nhiên không hài lòng, gọi điện cho ông chủ phàn nàn. Nhưng ông chủ và người nhân viên đều nói giống nhau; thậm chí lý lẽ lại còn hùng hồn hơn nữa. Không còn cách nào khác, tác giả đành phải trả thêm 50 NDT.

Sau đó người bạn của tác giả đã biết được việc này và giải thích cho tác giả:

“Tôi giúp anh tìm được giá thấp như vậy, kỳ thực cửa hàng cũng không có lời được bao nhiêu; lúc đó có thể là ông chủ nghĩ bán được một cái thì cũng là một cái, còn hơn là không; cho nên ông chủ mới chấp nhận cái giá đó. Về sau nghĩ lại, ông ta tự nhiên mà muốn tăng thêm tiền. Nhưng dù cho có tăng thêm tiền thì anh thực ra cũng không có thiệt hại gì nhiều”.

Việc gì cũng nên giữ chừng mực, không nên quá tham lam

Tác giả kết luận rằng, 50 NDT này đối với ông chủ mà nói, kỳ thực là “một ranh giới tâm lý nhỏ; nó có thể khiến ông chủ lời thêm một chút; nếu không ông sẽ cảm thấy rất vô nghĩa”.

“Hãy để cho người khác lời ít tiền”, nói cho đúng ra là “lợi không chiếm hết”. Đối với lợi ích trước mặt cũng không nên quá ích kỷ; không quá tham lam; không nên chỉ biết hưởng thụ một mình mà phải biết chia sẻ cho người khác.

Nói không gay gắt, làm không tuyệt tình, lợi không chiếm hết. Dù là việc gì cũng phải biết giữ chừng mực. Chừa lại khoảng trống cho người khác cũng là chừa lại đường lui cho bản thân sau này. 

Theo Aboluowang

x