Nhân sinh cảm ngộ

Đường dù gần, nhưng không đi thì không tới

11/03/24, 16:08
Đường dù gần, nhưng không đi thì không tới
Đường dù gần, nhưng không đi thì không tới (ảnh: Pinterest)

Tuân Tử từng nói: “Đường dù gần, nhưng không đi thì không thể tới, việc tuy nhỏ, không làm thì không thể thành công.” 

Đường dù gần, nhưng không đi thì không thể tới đích

Để thành công, hoặc đạt được mục tiêu nào đó, chúng ta cần có những hành động cụ thể và dựa vào thực tế mà làm. Nếu chỉ ngồi nói lý thuyết suông thì dù là việc nhỏ đến mấy cũng chẳng thể hoàn thành.

Cổ ngữ có câu: “Cây cao bóng cả khởi sinh từ một hạt giống, chín tầng tháp khởi đầu từ một thố đất, hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân”.

Đường dù gần; Đường dù gần không đi không đến
Cây cao bóng cả cũng khởi sinh từ một mầm cây nhỏ bé (ảnh: Watv)

Đạo đức truyền thống rất coi trọng sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn. Tuân Tử nói: “Học chí vu hành chi nhi chỉ hĩ”. Nghĩa là học cho tới khi thực hành, áp dụng được vào thực tế mới thôi. Chỉ có thể tận lực tuân theo các quy phạm đạo đức thì mới có thể đạt tới các tiêu chuẩn đạo đức. Trong thực tế, có nhiều người nuôi những mục tiêu rất to lớn, cao xa, nhưng lại không có kế hoạch thực hiện tốt, kết quả làm không tới nơi tới chốn, rốt cục không đạt được điều gì.

Cũng có người trí tuệ không nhất định là cao, không quá thông minh, nhưng một khi có ý tưởng tốt họ liền bắt tay vào viết kế hoạch, thiết lập từng bước đi thật cẩn thận, dựa vào sự kiên trì bền bỉ mà thành công, khiến cho những người được cho là thông minh cũng phải thán phục.

Để thành công cần phải “dám nghĩ, dám làm”

Nhà văn Bành Đoan Thục thời nhà Thanh đã từng nói trong “Vi học nhất thủ kì tử chất” rằng: “Mọi việc trên đời khó hay dễ? Chịu làm thì khó cũng thành dễ, không làm thì dễ cũng thành khó. Học hành khó hay dễ? Chịu học thì khó cũng thành dễ, không học thì dễ cũng thành khó”. Đoạn văn cũng ghi lại câu chuyện cổ về hai vị sư. 

Chuyện kể rằng, ở nước Thục có hai vị sư, một vị sư giàu và một vị sư nghèo. Vị sư nghèo nói với vị sư giàu rằng: 

“Tôi muốn đi Nam Hải một chuyến, ông thấy sao?”

Vị sư giàu hỏi: “Ông lấy gì mà đi?”

Một bình một bát là được rồi” Vị sư nghèo bình thản đáp.

Vị sư giàu lại nói: “Mấy năm nay tôi cũng muốn đi Nam Hải, nhưng tìm mua thuyền mãi mà chưa mua được. Ông làm sao mà có thể đi được cơ chứ?”

Qua năm sau, vị sư nghèo đã tự mình đi tới Nam Hải, nhờ người báo tin lại cho vị sư giàu kia, khiến ông ta cảm thấy có chút hổ thẹn. 

Từ Tây Thục đi Nam Hải, không biết là mấy ngàn dặm, người giàu không thể tới, nhưng người nghèo lại tới được. Con người khi lập chí, lẽ nào lại không thể như vị sư nghèo kia?

Đường dù gần, nhưng không đi thì không tới
Vị sư tuy nghèo nhưng “dám nghĩ, dám làm”, không sợ gian khổ, cuối cùng đã đạt được nguyện vọng tới Nam Hải (ảnh minh họa: Youtube)

Vậy nên thông minh, nhạy bén mà không thực hành thì cũng vô dụng. Những người được coi là khờ khạo, chậm chạp có thể có hạn chế, nhưng nếu họ nỗ lực không ngừng, thì thành công sẽ không giới hạn họ.

Câu chuyện đã thể hiện một cách sinh động về sự khó và dễ khi làm bất cứ việc gì; cũng như mối quan hệ biện chứng giữa tính chủ quan và tính khách quan. Khó hay dễ chỉ là sự tương đối, hơn nữa nó có tính chuyển hóa. Điều kiện chuyển hóa chính là sự sẵn sàng chịu khổ, tinh thần bền bỉ phấn đấu và nỗ lực. 

Như trong câu chuyện, vị sư nghèo chỉ với một bình, một bát mà bôn ba mấy vạn dặm, có thể thấy rất nhiều khó khăn. Nhưng bằng chí hướng rộng lớn, sự tự tin và kiên định đầy đủ, không chút dao động, rốt cục có thể vượt qua được hết thẩy gian nan hiểm trở, thành công tới được Nam Hải.

Điều tạo nên thành công ở đây là sự “dám nghĩ” và “dám làm” của vị sư nghèo. Đây là một loại dũng khí, nó đại biểu cho tinh thần không sợ hãi, kiên định không chút dao động. Đem những ý tưởng và nguyện vọng biến thành hành động, trong suốt hành trình không hề buông lung, lười nhác.

Còn vị tăng giàu kia, kế hoạch đã ấp ủ mấy năm, lại còn đợi cho đủ điều kiện thuận lợi mới sẵn sàng lên đường. Nhưng vì mãi chưa đủ điều kiện nên mãi chưa thể xuất phát, bởi do dự và chùn bước nên rốt cục không thể đạt được nguyện vọng và thành công. 

Kỳ thực, mọi việc trên đời, nếu cứ ở đó chờ đợi, dẫu tới khi thực sự đủ điều kiện thuận lợi thì có khi đã vật đổi sao dời. Vậy nên, hãy học tập theo vị sư nghèo kia, dũng cảm vượt qua khó khăn mới có thể thành công được.

Chia nhỏ mục tiêu để thành công

Ngoài ra chia nhỏ mục tiêu cũng là một trong những phương pháp tốt để hoàn thành mục tiêu. 

Năm 1984, tại Giải Marathon Quốc tế Tokyo, Yamada Motochi, một vận động viên Nhật Bản thấp bé vô danh bất ngờ giành chức vô địch thế giới.

Hai năm sau, tại Giải Marathon quốc tế Ý, vận động viên này lại giành chức vô địch, khi được phóng viên yêu cầu kể về kinh nghiệm chiến thắng của mình,

​Ông không giỏi ăn nói, chỉ nói đơn giản rằng: “Hãy dùng trí tuệ để đánh bại đối thủ.”

Mười năm sau, Yamada Motochi viết trong cuốn tự truyện của mình: “Trước mỗi cuộc thi, tôi đều đi xe buýt, quan sát kỹ đường đua và ghi lại những mốc nổi bật trên đường đi. Ví dụ mốc đầu tiên là ngân hàng, mốc thứ hai là cái cây lớn, tiếp theo là ngôi nhà màu đỏ, v.v. cho đến khi hết đường đua. Khi bắt đầu cuộc thi, tôi dùng tốc độ chạy nước rút 100m để hướng về mục tiêu thứ nhất, khi đến mục tiêu đầu tiên, tôi lao về mục tiêu thứ hai với tốc độ tương tự. Chặng đua hơn 40km được chia thành nhiều mục tiêu nhỏ và tôi đã hoàn thành dễ dàng”.

Trong cuộc sống, lý do khiến nhiều người bỏ cuộc giữa chừng không phải vì không đủ năng lực mà họ thất bại vì không có mục tiêu rõ ràng và cụ thể trong đầu.

Nếu chúng ta biết chia nhỏ mục tiêu và tiến lên từng bước một thì thành công có thể không còn xa vời hay khó khăn. 

Đường tuy gần, nhưng nếu chỉ ngồi một chỗ và tưởng tượng thì vĩnh viễn không thể đi tới đích. Thành công là sự kết hợp hoàn hảo giữa lý thuyết và thực hành. 

Theo Vision Times

x