Đạo Đức Kinh là tác phẩm kinh điển chứa đựng trí tuệ sâu sắc của Lão Tử về cách làm người, làm việc và đức tính của người làm được việc lớn.
“Đạo Đức Kinh” là tác phẩm kinh điển chứa đựng trí tuệ sâu sắc của Lão Tử. Qua đó, hậu thế có thể thấm nhuần nhiều bài học quý báu về cách làm người và làm việc. Trong số đó, bốn đức tính sau đây được xem là cốt lõi cho những ai muốn thành tựu việc lớn.
Nội dung chính
4 đức tính của người làm được việc lớn
1. Muốn thành sự nghiệp phải bắt đầu từ việc nhỏ
Chương 63 của “Đạo Đức Kinh” Lão Tử giảng: “Làm việc khó từ việc dễ, làm việc lớn từ việc nhỏ. Các việc khó khăn trong thiên hạ, đều từ việc dễ mà thành. Các việc lớn trong thiên hạ, đều từ việc nhỏ mà nên”.
Chương 64 cũng nhấn mạnh: “Cây đại thụ bắt đầu từ mầm non nhỏ bé, đình cao chín tầng khởi dựng từ mô đất, hành trình ngàn dặm mở đầu từ bước chân đầu tiên”.
Tất cả những điều lớn lao trong vũ trụ đều khởi nguồn từ những điều nhỏ bé. Người muốn làm việc lớn phải bắt đầu bằng việc nhỏ. Nhiều học giả thời xưa tuy có tài năng xuất chúng, nhưng thành quả của họ không đến từ may mắn hay thiên phú, mà từ sự rèn luyện bền bỉ, “ngồi rách đệm cối, mài mòn nghiên mực”.
Bắt đầu từ việc nhỏ không chỉ thể hiện hoài bão mà còn chứng minh sự thực tế và ý chí kiên định. Chỉ có từng bước vượt qua gian khó, mới có thể biến giấc mơ thành hiện thực.
2. Kiên trì mục tiêu, từ đầu đến cuối đều không lơi lỏng
Chương 64 viết: “Thận trọng từ đầu đến cuối, việc nào cũng thành”. Nghĩa là, muốn đạt thành công, cần duy trì sự cẩn thận và nhiệt tâm từ đầu đến cuối, không bỏ dở giữa chừng.
Trong xã hội hiện đại đầy cám dỗ và xáo trộn, giữ được sự tập trung, khiêm nhường; như “đi trên băng mỏng, đứng bên mép vực” là điều vô cùng đáng quý. Người kiên trì và không quên mục tiêu ban đầu chính là người có thể làm nên chuyện lớn.
Điển hình là danh y Lý Thời Trân, người đã mất 27 năm để hoàn thiện kiệt tác “Bản thảo cương mục” sau ba lần chỉnh sửa. Cuốn sách này không chỉ được tôn sùng trong y học cổ truyền mà còn được dịch ra nhiều ngôn ngữ; trở thành di sản y học toàn cầu.
3. Không phô trương, không tự cho mình là đúng
Chương 22 của “Đạo Đức Kinh” viết: “Không phô trương, nên sáng; không tự cho mình đúng, nên được tôn trọng; không kể công, nên có công; không kiêu căng, nên trường tồn. Vì không tranh với ai, nên không ai tranh với mình”.
Người muốn thành công cần tránh kiêu ngạo, tự cao. Sự khiêm nhường giúp họ nhìn thấu bản chất sự việc, đánh giá đúng sai, và hành động sáng suốt. Cổ ngữ có câu: “Đào lý bất ngôn, hạ tự thành khê” – cây đào, cây mận không khoe sắc nhưng vẫn thu hút người qua đường, tự nhiên tạo thành lối nhỏ dưới gốc.
Người biết giữ thái độ khiêm tốn, thận trọng thường dễ đạt được thành tựu lớn. Ngược lại, kiêu ngạo dễ dẫn đến thất bại. Như chương 73 viết: “Đạo của trời không tranh nhưng luôn thắng, không nói nhưng tự ứng; không gọi nhưng tự đến, thản nhiên mà thành công”.
4. Coi mạng sống cao hơn hết thảy
Chương 13 của “Đạo Đức Kinh” viết: “Người quý trọng sinh mệnh của mình thì có thể gánh vác thiên hạ. Người bảo toàn thân thể mình thì có thể được giao trọng trách lớn”.
Người biết coi trọng sinh mệnh thường không bị danh lợi làm mờ mắt. Ngược lại, kẻ xem nhẹ mạng sống dễ đánh đổi tất cả vì lợi ích; cuối cùng tự rước lấy thất bại.
Nếu ngay cả bản thân mình cũng không bảo vệ được, làm sao có thể làm nên sự nghiệp lớn hay gánh vác thiên hạ? Sự thận trọng đối với sinh mệnh chính là nền tảng để xây dựng thành công bền vững.
Bốn đức tính trên không chỉ là kim chỉ nam cho người làm việc lớn mà còn là bài học sâu sắc cho bất kỳ ai muốn sống và cống hiến ý nghĩa.