Nhân sinh cảm ngộ

Câu chuyện bán canh đậu khuôn: Kinh doanh cần phải có sở trường riêng

12/04/24, 15:01
Cả đời chỉ làm 1 việc thì có đáng hay không?
Kinh doanh cần có sở trường riêng (ảnh minh họa Pinterest)

“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, làm việc gì cũng phải đạt đến trình độ tinh thông thì mới thành công được; trong kinh doanh thì không phải lúc nào cũng đi bắt chước người khác mà cần phải có sở trường riêng của mình. 

Cửa hàng vắng khách nhưng ông chủ vẫn điềm nhiên

Trước nhà tôi có hai cửa hàng nhỏ bán canh đậu khuôn. Một cửa hàng tên là “Phan Ký”, còn cửa hàng kia là “Trương Ký”, 2 cửa hàng mở cùng một lúc. 

Thời gian đầu, “Phan Ký” làm ăn vô cùng phát đạt, người muốn ăn canh đậu khuôn phải xếp hàng chờ đợi, nếu đến muộn sẽ không được ăn. Đặc điểm của Phan Ký là: Đậu khuôn rất chắc và có vị ngon, khẩu phần ăn đặc biệt lớn. 

Đậu khuôn của Trương Ký thì không như vậy, đầu tiên là đậu khuôn mềm, mềm như canh và không có hình dáng, thứ hai là đậu khuôn ít, một bát đậu khuôn thì hơn nửa bát là nước canh… Vì vậy, có một thời gian, cửa hàng Trương Ký vắng tanh. 

Sở trường riêng; Sở trường riêng là gì
Cửa hàng Trương Ký vắng khách nhưng ông chủ không lấy gì làm buồn phiền (ảnh minh họa Pinterest)

Có một buổi sáng, vì dậy muộn nên tôi đành phải đến cửa hàng đậu khuôn Trương Ký. Ăn xong bát đậu khuôn, ông chủ mỉm cười bước tới hỏi tôi món đậu khuôn thế nào. 

Tôi nói thật: “Vị thì cũng được, nhưng đậu khuôn hơi mềm”. 

Ông chủ mỉm cười, có vẻ hài lòng. 

Tôi nói: “Sao anh không học hỏi từ Phan Ký?” 

Ông chủ nhìn tôi nói: “Học hỏi anh ấy, tại sao chứ?”

Tôi nói: “Để làm cho đậu khuôn chắc hơn!” 

Ông chủ lại hỏi tôi: “Tại sao tôi phải học từ anh ấy?”

Suy nghĩ một lúc, ông chủ tự giải thích: “Tôi hiểu rồi, ý anh là người đến ăn đậu khuôn chỗ của tôi rất ít, phải không?” 

Tôi gật đầu. Ông chủ đề nghị tôi quay lại sau 2 tháng để xem có thay đổi gì không. 

Kinh doanh cần có sở trường riêng

Khoảng 1 tháng sau, trước cửa của tiệm Trương Ký quả thực có một hàng dài đứng chờ. Tôi rất tò mò nên xếp hàng mua một bát, nhìn đậu khuôn trong bát, vẫn là nước canh loãng, không khác gì so với trước kia, mùi vị cũng như trước.

Ông chủ vẫn nở nụ cười giản dị và chân thành, tôi mỉm cười hỏi: “Có thể kể cho tôi bí quyết bên trong được không?”

Câu chuyện bán canh đậu khuôn: Kinh doanh cần phải có sở trường riêng
Bát canh đậu khuôn (ảnh minh họa Pinterest)

Ông chủ nói: “Thật ra tôi và ông chủ Phan Ký là huynh đệ đồng môn.” 

Tôi hơi ngạc nhiên: “Vậy đậu khuôn các anh làm không giống nhau à?” 

Ông chủ nói: “Không giống nhau. Đậu khuôn do sư huynh Phan Ký làm thực sự rất ngon, tôi thực sự không thể so sánh được. Nhưng món canh đậu khuôn của tôi được làm bằng cách thêm nhiều loại xương, gia vị và được đun sôi trong 12 giờ, về phương diện này thì sư huynh không bằng tôi được”.

Thấy tôi còn có chút bối rối, ông chủ tiếp tục giải thích: “Đây là điều mà thầy đặc biệt truyền dạy cho chúng tôi. Thầy nói muốn kinh doanh lâu dài thì phải có sở trường riêng của mình. Thầy còn nói với chúng tôi rằng, việc kinh doanh ‘ăn uống’ là khó làm nhất, bởi vì chín người mười ý, khẩu vị của con người thì liên tục thay đổi, ngay cả sơn hào hải vị thì ăn nhiều cũng sẽ trở nên nhàm chán.

Bởi vậy, thầy đã dạy chúng tôi nhiều kỹ thuật khác nhau. Như vậy, những người chán ăn đậu khuôn của sư huynh tôi sẽ đến chỗ tôi ăn canh. Thời gian trôi qua, mọi người sẽ quay lại chỗ của sư huynh tôi. Sau đó một thời gian nữa mọi người sẽ lại đến chỗ tôi. Như vậy, việc kinh doanh của huynh đệ chúng tôi có thể tiếp tục lâu dài mà không ảnh hưởng lẫn nhau”. 

Tôi ngập ngừng hỏi: “Anh lẽ nào không muốn học cách làm đậu khuôn từ sư huynh của mình sao?” 

Nhưng ông chủ lại nói: “Thầy nói với chúng tôi, muốn giỏi một việc không phải là điều dễ dàng. Đôi khi, bạn muốn giỏi mọi thứ, nhưng cuối cùng cái gì cũng dở”.

Tôi nghĩ những gì ông chủ Trương Ký nói không chỉ liên quan đến chuyện làm đậu khuôn, mà dường như còn liên quan đến sự lựa chọn nghề nghiệp và sự kiên trì trong suốt cuộc đời của một người.

Theo Vision Times

x