Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con cái, vì thế cách cha mẹ dạy con đối nhân xử thế ra sao quyết định sự thành công của đứa trẻ.
- 8 cách dạy con của người Do Thái: Vì sao không nên khoe con giỏi?
- Dạy con cái không nghe lời: Hạ sách nhất là đánh, vậy thượng sách là gì?
Ngày nay cha mẹ thường dạy con từ khi còn nhỏ “Người không vì mình trời tru đất diệt”. Ý là nếu con không biết sống vì mình thì không thể tồn tại được trong xã hội. Khi con bị đánh, con phải đánh lại. Khi nhặt được của người khác đánh rơi con phải biết đem bỏ vào túi của mình. Một đứa trẻ nếu làm ngược lại những điều trên sẽ được coi là đứa trẻ không biết nghe lời người lớn, hoặc đứa trẻ ít khôn ngoan.
Dưới đây là hai câu chuyện cổ nhân dạy con. Cha mẹ có thể tham khảo để nhận thức lại về ý nghĩa thực sự của việc dạy con đối nhân xử thế.
Nội dung chính
Cha mẹ dạy con đối nhân xử thế: Lấy người khác làm trọng
Mẹ của Đào Khản dạy con cung kính thiện đãi người
Đào Khản là một vị tướng lừng danh thời Đông Tấn. Mẹ của ông, bà Trạm Thị, là một trong những lương mẫu nổi tiếng nhất trong lịch sử cổ đại.
Có câu chuyện rằng khi Đào Khản còn trẻ, có một hôm ông mời bạn đến chơi nhà. Nhưng vì nhà Đào Khản quá nghèo túng, cái ăn cái mặc cũng còn khó khăn. Vì thế ông không có gì tiếp đãi bạn nên tỏ ra vô cùng lo lắng. Mẹ Đào Khản thấy vậy liền an ủi con trai: “Con đừng quá lo âu, mẹ sẽ nghĩ cách để tiếp đãi bạn con”.
Sau đó, bà Trạm Thị cắt tóc đem đổi lấy đồ ăn. Rồi bà lại lấy cỏ khô lót trên giường để làm thức ăn cho ngựa của khách. Sau khi bạn của Đào Khản vô tình biết được việc này. Ông đã xúc động nói: “Chỉ người mẹ như vậy mới có thể giáo dục ra một người con nhân tài!”.
Mặc dù cảnh nhà nghèo khó, bà Trạm Thị đã dùng cách hành xử cao đẹp của mình để dạy con một bài học đối nhân xử thế. Vì thế sau này, khi đã làm quan lớn, Đào Khản luôn dùng lòng cung kính và khiêm nhường để đối đãi với người khác.
Luôn lấy thiện đãi người
Cổ nhân có dạy “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, câu này có nghĩa: những gì mình không muốn thì cũng đừng làm với người khác. Tuy nhiên, có một nghịch lí là chúng ta luôn muốn người khác đối xử tốt với mình nhưng lại không đối xử tốt với người khác. Cuộc sống từ nhỏ tới lớn sẽ là một vòng danh lợi luẩn quẩn, lúc nào cũng lo lắng lợi ích của mình sẽ bị người khác lấy đi mất.
Chính vì vậy cha mẹ thường dạy con từ tấm bé phải biết sống cho mình. Những đứa trẻ luôn sống cho người khác sẽ bị đánh giá là những đứa trẻ ít khôn ngoan. Dự đoán tương lai sẽ là những đứa trẻ nghèo khó và luôn bị kẻ khác lợi dụng.
Thế nhưng, một đứa trẻ có trái tim thiện lương ấm áp được giáo dục từ chính cha mẹ, chúng lớn lên sẽ là những đứa trẻ hạnh phúc. Đi đường gặp người bị nạn chúng sẽ biết giúp đỡ, nhặt được của rơi biết trả lại người đánh mất…
Lớn lên, những đứa trẻ thiện lương sẽ trở thành những người tốt trong xã hội. Nếu chúng làm bác sĩ sẽ là những bác sĩ y đức. Nếu trở thành một doanh nhân thành đạt nhất định chúng sẽ không sản xuất, buôn bán hàng giả…
Khi cha mẹ dạy trẻ thiện lương, nhất định đứa trẻ sẽ đối xử tốt đẹp trước tiên với cha mẹ mình.
Cha mẹ dạy con đối nhân xử thế: Không tham của người
Mẹ Điền Tắc từ chối nhận vàng
Điền Tắc là vị Tể tướng của nước Tề. Ông nổi danh trong lịch sử vì sự công chính, liêm minh và cần cù, cẩn thận. Những đức tính quý giá này của ông đều do mẹ giáo dục mà thành.
Có một lần, Điền Tắc được thuộc hạ biếu trăm lạng vàng ròng. Ban đầu, Tể tướng từ chối không nhận. Thế nhưng sau đó, ông ngại làm tổn hại đến tình cảm và thể diện của thuộc hạ nên lại tặc lưỡi nhận.
Số vàng ròng đó ông mang biếu hết cho mẹ. Mẹ Điền Tắc đã nổi giận: “Dù con làm Tể tướng 3 năm nhưng bổng lộc không thể nào nhiều thế này. Đây là con lấy bớt của dân hay nhận hối lộ?“.
Điền Tắc lúc ấy đành phải kể câu chuyện cho mẹ. Sau khi nghe xong, mẹ Điền Tắc nghiêm khắc dạy con trai:
“Người trí thức luôn nghiêm khắc tu thân dưỡng tính, tự trọng và giữ mình trong sạch. Họ không tùy tiện lấy của cải của người khác, cũng như không bao giờ làm chuyện lừa dối. Trong nhà họ cũng không bao giờ có của cải bất nghĩa.
Con gánh trên vai trọng trách quốc gia thì cần phải sống trong sáng. Con phải là tấm gương cho thiên hạ noi theo. Ấy vậy mà con lại đi nhận vàng hối lộ của kẻ dưới. Như thế là mắc trọng tội, là dối lừa nhà vua, phụ lòng trăm họ. Mẹ thật sự đau lòng về hành động của con. Thôi con hãy mau trả lại vàng và xin triều đình xử lý đi!”.
Không lấy những gì không thuộc về mình
Những lời giáo huấn nghiêm khắc của mẹ đã khiến Điền Tắc vô cùng hổ thẹn. Ông đã lập tức đem trả lại số vàng theo lời mẹ.
Chuyện này đến tai Tề Tuyên Vương. Ông tỏ ra khâm phục và hết sức tán thưởng khí phách và đạo đức của mẹ Điền Tắc. Ông còn hạ chiếu ra lệnh cả nước phải học tập đức hạnh, liêm chính và cách dạy con của mẹ Điền Tắc.
Cũng nhờ bài học của mẹ mà Điền Tắc sau đó nghiêm chỉnh tu dưỡng bản thân. Ông trở thành một vị Tể tướng lưu danh sử sách.
Dạy trẻ không lam lam của người khác không có nghĩa là cha mẹ cho trẻ nhũng thứ mình thích để thỏa mãn. Không tham của người là dạy trẻ biết đủ, biết hài lòng với những gì mình có.
Trong xã hội kim tiền làm chủ, trước sức mạnh “đại náo” của đồng tiền quả thực rất ghế ghớm. Có rất nhiều trẻ em đã bị cuốn vào vòng xoáy mà hủy hoại nhân cách, hủy hoại tương lai. Cách hữu hiệu nhất là cha mẹ luôn để trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền khi chúng ta bỏ công sức ra mà có được.
Như vậy, cha mẹ không chỉ có công sinh thành mà còn có trách nhiệm dạy con cách đối nhân xử thế để con trở thành đứa trẻ có đức trong tương lai.