Khi đến thăm nhà bạn bè, người thân, kiêng kỵ nhất là điều gì? Theo các chuyên gia, bất luận là mối quan hệ thân thiết như thế nào, khi đến làm khách, bạn vẫn cần chú ý những lễ nghi cơ bản.
Nội dung chính
1. Trễ hẹn
“Đúng giờ” là phép lịch sự cơ bản. Nếu bạn thậm chí không thể làm được điều đơn giản nhất này, mọi người sẽ cảm thấy rằng bạn không coi trọng cuộc gặp gỡ này.
Nhắc nhở: Nếu bạn đang trên đường và cảm thấy mình không thể tới đúng giờ, nhất định phải nhắn trước cho đối phương, như vậy sẽ khiến họ cảm thấy dễ chịu hơn.
2. Không mời mà đến
Có những mối quan hệ rất thân thiết, và bạn thường cho rằng có thể coi nhà của đối phương như nhà của mình; muốn đến thì đến, vừa điện thoại đã tới cửa; khiến cho gia chủ trở tay không kịp, xáo trộn lịch trình, kế hoạch của đối phương.
Nhắc nhở: Dù mối quan hệ có thân thiết đến mức nào, cũng nên báo trước để đối phương có sự chuẩn bị. Tránh đến nhà người khác một cách đường đột.
3. Đến quá sớm hoặc quá trễ
Hãy chú ý đến thời gian ghé thăm. Nếu trong nhà họ còn có người khác, bạn không nên đến thăm vào sáng sớm hoặc tối muộn, vì điều này sẽ quấy rầy sự nghỉ ngơi của họ. Có thể bề ngoài người nhà của họ ngại không nói ra, nhưng trong tâm đã liệt bạn vào danh sách những người không được hoan nghênh.
Nhắc nhở: Tránh đến vào giấc nghỉ ngơi hoặc lúc người ta bận rộn.
4. Đi tay không là thiếu lễ
Mang theo “quà biếu” không phải là quy định cứng nhắc, nhưng nếu người bạn tới thăm là người thân trong gia đình, vậy thì tốt nhất là bạn nên mang theo chút quà, để cảm ơn đối phương đã mời bạn tới làm khách.
Nhắc nhở: Không nhất định phải mua quà đắt, chỉ cần thể hiện tâm ý là được rồi.
5. Không coi ai ra gì
Khi làm khách ở nhà người khác, bạn cũng nên tôn trọng gia đình đối phương và nhiệt tình chào hỏi họ.
Nếu bạn tỏ ra phớt lờ, điều đó ám chỉ bạn đang “bỏ qua sự tồn tại của họ”, đây là một hành vi rất mất lịch sự.
Nhắc nhở: Tùy vào tuổi tác của từng người mà chào hỏi. Tươi cười, hỏi han với người trẻ, lễ phép chào hỏi với người lớn tuổi.
6. Tùy tiện xông vào phòng, lục lọi đồ đạc
Quan hệ dù thân đến mấy, nhưng nếu bạn tùy tiện vào phòng riêng của gia chủ, lục lọi đồ đạc mà không có sự cho phép, thậm chí làm hỏng đồ trong nhà họ, có thể khiến họ liệt bạn vào danh sách từ chối qua lại, không bao giờ muốn bạn tới nhà nữa.
Nhắc nhở: Nếu muốn làm gì ở nhà đối phương, bạn nên hỏi ý kiến họ trước, nếu họ đồng ý hãy làm.
7. Tùy tiện lấy đồ
Đến nhà bạn bè làm khách, thấy thứ mình thích liền bỏ túi mang về, điều này không chỉ khiến mọi người phản cảm mà còn là hành vi phạm pháp.
Nhắc nhở: Nếu thấy thích thứ gì đó, có thể nhờ bạn bè mua giúp hoặc tự mình mua.
8. Mải mê lướt điện thoại
Nếu bạn đã cất công đến thăm nhà người ta, thì nên tận hưởng thời gian cùng họ nói chuyện vui vẻ. Nếu như bạn vừa nói chuyện vừa lướt điện thoại, đối phương sẽ cảm thấy không được tôn trọng. Đặc biệt là lúc ăn cơm bạn càng nên đặt điện thoại xuống, vừa ăn vừa vui vẻ nói chuyện với mọi người.
Nhắc nhở: Chỉ dùng điện thoại khi thực sự có việc cần dùng, và nên giải quyết nhanh chóng để quay lại với mọi người.
9. Không phụ giúp dọn dẹp
Sau khi ăn xong liền đi xem phim, lướt điện thoại, điều này khiến người khác nhìn nhận về bạn không tốt. Nếu có thể thì sau khi cơm nước xong, hãy chủ động cùng dọn dẹp với đối phương, hoặc ít nhất cũng nên nói: “Để mình phụ bạn nhé!” Điều này sẽ để lại ấn tượng tốt về bạn.
Nhắc nhở: Có thể phụ cất bát đĩa giúp chủ nhà, vì thường họ sẽ không để khách phải rửa bát chén.
10. Không biết cảm ơn
Khi bạn nói lời tạm biệt và về nhà, bạn nên cảm ơn vì lòng hiếu khách của họ. Tuy nhiên, có thể vì quá thân thiết nên bạn thường quên nói cảm ơn, trực tiếp bỏ về, coi sự hiếu khách của đối phương như một điều tất nhiên, điều này rất mất lịch sự.
Nhắc nhở: Khi đến làm khách, dù thân đến mấy cũng đừng bỏ quên những điều nhỏ nhặt, dù chỉ là lời cảm ơn nhưng sẽ khiến đôi bên đều cảm thấy vui vẻ, mối quan hệ cũng sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.
Theo Vision Times