Nhân sinh cảm ngộ

3 điều nên làm để tu dưỡng đức hạnh và rời xa tai họa

04/10/24, 07:45

Không trách móc lỗi lầm nhỏ của người, không vạch trần chuyện riêng của người, không nhớ tội lỗi của người thì có thể tu dưỡng đức hạnh và rời xa tai họa.

Trương Cửu Linh, nhà thơ thời Đường, từng nói: “Con người trở nên tôn quý là nhờ có danh dự và lễ độ.” Rèn luyện bản thân là phẩm chất đáng trân trọng nhất của một người. Vậy làm thế nào để tu dưỡng? Trong sách “Thái Căn Đàm” có viết: “Không chê trách lỗi nhỏ của người, không vạch trần chuyện riêng tư của người, không ghi nhớ lỗi lầm của người thì có thể dưỡng đức và tránh khỏi tai họa.”

3 điều nên làm để tu dưỡng đức hạnh và rời xa tai họa

1. Không ghi nhớ lỗi lầm của người khác

Giữ thù hận trong lòng hay trả thù cho hả giận đều sẽ chiêu mời tai họa và khiến tâm tình bất an. Người sáng suốt sẽ dùng tấm lòng khoáng đạt rộng lượng để hóa giải oán hận, tu dưỡng đức hạnh.

Có câu: “Muốn hiểu rõ một người, hãy nhìn cách người đó nói về bạn khi ở trước mặt người khác”. Người luôn nói xấu và nhắc lại sai lầm của người khác không đáng để kết giao. Thành ngữ cổ có câu: “Kí vãng bất cữu,” nghĩa là việc đã qua không nên trách. Những chuyện đã qua, dù đúng hay sai, nếu tiếp tục nhắc lại chỉ gây thêm mâu thuẫn mà không có ý nghĩa.

Trong “Tam Quốc Chí,” vợ cả của Tào Tháo, Đinh phu nhân, thường xem thường Biện phu nhân vì xuất thân thấp kém; đối xử lạnh nhạt và không khoan dung. Dù vậy, Biện phu nhân luôn nhẫn nhịn và không so đo. Khi Đinh phu nhân bị đuổi về nhà mẹ đẻ, Biện phu nhân trở thành chính thê. Tuy được Tào Tháo yêu quý, bà vẫn giữ thái độ khiêm nhường; không trả thù hay làm khó dễ Đinh phu nhân. Ngược lại, bà đối xử tốt, khiến Đinh phu nhân cảm động. Sau khi Đinh phu nhân qua đời, Biện phu nhân còn yêu cầu Tào Tháo tổ chức tang lễ trọng thể cho bà.

Giữ hận thù hay trả đũa chỉ khiến tâm hồn bị giam cầm. Người khôn ngoan sẽ dùng lòng khoan dung để hóa giải oán hận, từ đó rèn luyện đức hạnh. Điều này không chỉ mang lại sự thanh thản cho bản thân mà còn khiến người khác kính trọng.

2. Không vạch trần chuyện riêng

Người có tu dưỡng chính là giống như nước chảy sâu mà không phát ra tiếng; trong lòng có rất nhiều điều nhưng lại không tùy tiện nói ra. Cho nên hãy quản thật tốt cái miệng của mình, cân nhắc điều gì nên nói, điều gì không.

Thời Bắc Tống, Phú Bật, một người trẻ đầy triển vọng, được Phạm Trọng Yêm tiến cử và sau này trở thành Tể tướng. Tuy nhiên, ông và Vương An Thạch thường tranh cãi về cải cách triều chính; dẫn đến việc Phú Bật từ chức và lui về quê. Dù có bất đồng, Phú Bật chưa từng nói xấu Vương An Thạch trước mặt người khác, luôn giữ sự công bằng. Ông cũng không để lộ cảm xúc cá nhân; minh họa cho câu thành ngữ “Thủ khẩu như bình” (giữ lời như giữ bình kín).

Cổ ngữ có câu: “Người hiền ít nói, kẻ xảo trá mới nhiều lời.” Người có đức độ giữ kín những gì được người khác tin tưởng giao phó, thể hiện sự trung thực và coi trọng đạo đức.

Cảnh giới cao nhất trong cuộc sống là giống như dòng sông chảy sâu mà không phát ra tiếng. Trong lòng chứa nhiều điều nhưng không tùy tiện nói ra. Làm tốt việc của mình và giữ lời nói cẩn thận là một trong những tu dưỡng khó nhất của đời người.

3. Không trách móc lỗi lầm nhỏ

Người xưa đã dạy: “Nước trong quá thì không có cá, người xét nét quá thì không có bạn”. Người rộng lượng sẽ chỉ nhớ điểm tốt của người khác chứ không bám lấy thiếu sót của họ mà phán xét.

Trong cuộc sống, ai cũng có thể phạm sai lầm, đôi khi còn gây tổn thương cho người khác. Tuy nhiên, nếu chúng ta quá chi li, chỉ khiến mâu thuẫn thêm gay gắt và có thể làm tổn thương lớn hơn.

Làm người, lòng phải rộng rãi và khoáng đạt, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Khi bị xúc phạm hay đối xử sai trái, không nên để bụng. Khi chúng ta “lùi một bước,” sẽ thấy cuộc sống mở ra rộng rãi hơn.

Lữ Mông Chính, Tể tướng thời Tống, là người khoáng đạt và không chấp nhặt lỗi lầm của người khác. Khi ông mới nhậm chức, một quan viên đã tỏ vẻ coi thường ông ngay trên triều. Dù nghe thấy, Lữ Mông Chính vẫn vờ như không biết. Khi có người muốn tiết lộ danh tính quan viên đó, ông ngăn lại và nói: “Biết để làm gì? Nếu biết rồi, sẽ khó mà quên, không biết thì tốt hơn.” Mọi người đều cảm phục sự độ lượng của ông.

Người sáng suốt biết khoan dung, không chấp nhặt những sai lầm nhỏ của người khác. Đây không chỉ là sự khôn ngoan trong giao tiếp mà còn là sự tu dưỡng. Người không nhớ lỗi lầm của người khác, chỉ nhớ điều tốt, biết tha thứ và khoan dung sẽ luôn được yêu mến và tôn trọng; đồng thời có một cuộc sống yên bình và thanh tĩnh.

x