Nhân sinh cảm ngộ

Nghiệp báo truyền sáu đời, phúc báo truyền tám trăm năm

16/02/21, 13:09
Nghiệp nghĩa là hoạt động, hành động hay công việc; nó cũng đề cập đến nguyên lý tâm linh của nghiệp trong Phật giáo khi các ý định và hành động của một cá nhân có thể ảnh hưởng cá nhân đó trong tương lai.
Ứng với mỗi sự việc bạn làm sẽ là phúc báo hoặc nghiệp báo theo sau. (Ảnh: pexels)

Phúc báo và nghiệp báo ẩn hiện thường hằng trong cuộc đời mỗi người. Nó không rõ ràng như phép toán nhưng không hề thiếu đi chút nào. Bạn làm việc gì đều có một kết quả đang chờ bạn. Như câu nói gieo nhân nào ắt sẽ gặt quả đấy.

Người làm việc ác không phải không nhận nghiệp báo, chỉ là chưa đến mà thôi. Tư Mã Quang, sử gia nổi tiếng từng viết trong gia huấn rằng: “Tích vàng lại cho con cháu, chưa chắc con cháu giữ nổi. Để sách lại cho con cháu, chưa chắc con cháu đọc nổi. Không bằng tích âm đức để con cháu có phúc hưởng lâu dài”. Ngày nay, nhiều người không tin luật nhân quả báo ứng. Có thể do chưa tích lũy đủ kinh nghiệm sống để thừa nhận điều đặc biệt này. Các triều đại thịnh suy trong lịch sử là minh chứng rõ nhất cho cho sự tác động của âm đức. Tại sao người Trung Hoa có câu “Nghiệp báo truyền sáu đời, phúc báo truyền tám trăm năm”.

Dưới đây là hai câu chuyện về Tống Thái Tông và danh thần thời Bắc Tống Phạm Trọng Yêm. Hai con người, hai cách sống hoàn toàn trái biệt. Một người tạo nghiệp báo gây hậu quả tuyệt diệt tử tôn. Một người bần hàn kham khổ cả đời vì dân vì nước, tuy nhiên hậu thế lại hưng vượng, phúc lộc phú quý tám đời.

Đoạt giang sơn sửa đổi sử sách, Tống Thái Tông bị nghiệp báo sáu đời

Đoạt giang sơn, tạo nghiệp báo

Tống Thái Tông (939-997) tên thật là Triệu Quang Nghĩa. Ông là vị Hoàng đế thứ hai của vương triều Bắc Tống. Mặc dù khi lên ngôi, Tống Thái Tông đã nhiều lần cải biên sử sách, nhưng lịch sử vẫn không thể bị chôn vùi. Ông giết hại anh trai, tranh đoạt vương vị, bức hại con trai huynh trưởng. Ông còn bức tử em trai Triệu Đình Mỹ người được lựa chọn thừa kế ngôi vua. Tất cả đều vì lũng đoạn triều đình muốn ngôi vị nằm trong tay con cháu mình. Ông dùng thuốc độc hạ chết Nam Đường Hậu Chủ Lý Dục (vị vua cuối cùng nước Nam Đường) và vợ là Tiểu Chu Hậu. Ông còn dùng thuốc độc hại chết Tiền Thục (vị vua cuối cùng của Ngô Việt)…

Nghiệp báo sáu đời, ngôi vua trở về chủ cũ

Tống Thái Tông cho rằng như vậy có thể giữ được giang sơn vĩnh viễn. Nào ngờ ông trời có mắt, quả báo giăng như thiên la địa võng, hướng tới gia tộc ông ta mà báo ứng. Con trai cả của Tống Thái Tông phát điên. Con trai thứ trở thành thái tử, kết quả mắc bệnh mà tử vong. Con trai thứ ba đăng cơ chính là Chân Tông. Con trai con gái của Chân Tông đều lần lượt bị chết yểu. Cuối cùng còn lại con trai duy nhất chính là Nhân Tông sau này. Nhân Tông không có con, dòng dõi chính cũng từ đó tuyệt hậu.

Tính từ đời vua Tống Chân Tông (con trai Tống Thái Tông) thì ngai vàng được truyền qua sáu đời. Đến đời thứ sáu thì xảy ra nỗi nhục Tịnh Khang: Quân Kim xâm lược, Bắc Tống diệt vong. Hậu duệ của Tống Thái Tông trong Kinh thành Hoàng thất đều bị bắt làm nô lệ ở nước Kim. Nữ giới trong gia quyến đều bị ép làm kỹ nữ, làm quà biếu tặng của nhà Kim. Chỉ có Triệu Cấu trốn thoát và sau này đã lập ra Nam Tống.

Người xưa có câu: "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước" âu cũng là nhân quả báo ứng
Quân Kim xâm lược, hậu duệ của Tống Thái Tông bị bắt làm nô lệ (Ảnh minh họa: Reatimes)

Triệu Cấu lại bị quân nước Kim dọa cho sợ đến mức không gượng dậy nổi, từ đó gia tộc tuyệt hậu. Sử sách ghi chép rằng: được báo mộng, Triệu Cấu đi tìm hậu duệ của Tống Thái Tổ phong làm hoàng tử. Cuối cùng sau 6 đời, ngai vàng lại trả lại cho con cháu của Tống Thái Tổ.

Tích đức hành thiện phúc báo hậu thế

Phạm Trọng Yêm (989–1052) là danh thần thời Bắc Tống. Ông là nhà văn học, nhà quân sự nổi tiếng trong lịch sử. Tác phẩm “Nhạc Dương Lầu Ký” của ông có thể nói là kiệt tác lưu danh thiên cổ. Tục ngữ có câu: “Phú bất quá tam” (không giàu quá ba đời). Vậy bí quyết gì giúp gia tộc Phạm Trọng Yêm hưng thịnh suốt 800 năm? Có lẽ đó là tâm ý: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ) của ông. Phạm Trọng Yêm mồ côi cha từ thuở nhỏ, trong cuộc sống thanh bần kham khổ cố gắng học tập. Sau khi thi đỗ tiến sĩ, ở đâu ông cũng luôn lo nghĩ cho bách tính, tấm lòng của ông làm cảm động trời xanh. 

Vị quan gánh vác nỗi lo của bách tính

Năm 1021, ông được điều chuyển đảm nhận trách nhiệm giám sát kho muối ở Tây Khê (Hàng Châu). Tây Khê nằm trên bờ biển Hoàng Hải, con đê cũ ven biển do Lý Thừa xây dựng trong thời nhà Đường. Vì lâu ngày không được sửa sang nên nhiều phần bờ đê bị vỡ khiến thủy triều dâng. Nước biển chảy ngược vào cánh đồng, làm hư hại lò muối, người dân khổ cực.

Vì vậy, ông dâng sớ xin trùng tu xây dựng một con đê dọc bờ biển. Đến năm 1024, ông được phụ trách các dự án sửa chữa đê đập. Phạm Trọng Yêm đã tuyển dụng hơn 40.000 người ngày đêm tu sửa lại và xây dựng con đê mới. Đê có chiều dài hơn 100km vô cùng vững chắc, đảm bảo sự an toàn cho người dân cũng như mùa màng, việc sản xuất muối cũng được thuận lợi. Người dân bản xứ vì để vinh danh ông đã đặt tên cho con đê là “Phạm Công Đê”, tàn tích vẫn còn tồn tại cho tới tận bây giờ.

Bảo vệ chính nghĩa, can gián triều đình dù bị giáng chức

Phạm Trọng Yêm không thực thi những chính sách vô lý của triều đình. Ông luôn thẳng thắn chỉ ra những sai sót, dù bốn lần bị cách chức.

Ông dẫn quân chống lại Tây Hạ, giữ vững pháo đài. Quân địch đều kính sợ về khả năng cầm binh của ông. Sau đó quyết định đàm phán hòa bình để giải quyết vấn đề quân sự. Ông cũng là người dẫn đầu cuộc cải cách toàn diện nhằm xóa bỏ sự tha hóa hủ bại. Xã hội đã có một diện mạo hoàn toàn mới. Dù bị gièm pha phải giáng chức, ông vẫn đặt bách tính lên đầu.

Phạm Trọng Yêm một đời luôn nghĩ cho người khác

Khi còn nhỏ bần hàn, ông đã hỏi một vị thầy tướng số: “Ngài xem giúp tôi một quẻ, tôi có thể làm tể tướng hay thầy thuốc không?”. Thầy tướng số ngạc nhiên trước khẩu khí lớn của cậu bé nghèo. Khi hỏi tại sao lại có khẩu khí lớn như vậy, Phạm Trọng Yêm nói: “Chỉ có làm tể tướng lương thiện và thầy thuốc lương thiện mới có thể cứu được người“. Vị thầy tướng số nghe xong vô cùng cảm động. Ông nhẹ nhàng nói với Phạm Trọng Yêm: “Cậu có tấm lòng lương thiện và cái tâm của vị tể tướng chân chính, sau này cậu nhất định làm tể tướng“.

Sau này khi làm quan, dân chúng đều nói, ông luôn nghĩ cho người khác trước. Tiêu biểu là câu chuyện ông mua mảnh đất làm nơi yên nghỉ cho mình. Trong một lần vô tình nghe vị đạo sĩ nói với người đàn ông nọ rằng: “Mảnh đất kia phong thủy rất xấu, ai chôn ở đó sẽ tuyệt tự tuyệt tôn”. Nghe vậy, ông nghĩ: “Nếu đã là vậy thì ai mua phải sẽ nguy hiểm, chi bằng ta mua nó thì người khác sẽ không gặp rủi ro“.

Thần tích trong đám tang

Sau khi ông qua đời, gia quyến cũng chỉ tổ chức cho ông một tang lễ đơn giản. Tuy nhiên, hàng trăm dân chúng đã kéo đến bày tỏ lòng biết ơn cùng nỗi buồn sâu sắc. Được tin ông qua đời, người dân ở những nơi mà ông từng nhậm chức đã xây dựng đền thờ và tượng của ông. Từ đó lưu truyền một câu nói nổi tiếng trong triều Tống: “Nhờ Phạm Trọng Yêm, triều đình nhà Tống có thể thừa hưởng ngày thái bình”. Triều đình đặt cho ông thụy hiệu cao nhất của văn nhân “Ôn chính”. 

Gia tộc Phạm Trọng Yêm hưng thịnh suốt 800 năm, tất cả là nhờ con cháu đều noi gương ông hành thiện tích đức, tạo phúc cho dân
Gia tộc Phạm Trọng Yêm hưng thịnh 800 năm nhờ âm đức ông để lại. (Ảnh minh họa: SOH)

Khi biết được câu chuyện vị quan thanh liêm mua mảnh đất xấu làm nơi an nghỉ cho mình, bách tính đều cầu nguyện cho ông. Đám tang của ông là một ngày mưa bão, những lời cầu nguyện của người dân đã ứng nghiệm. Trong buổi đưa tang ấy, giữa âm thanh sấm gào và bão nổi, những hòn đá đột ngột dựng lên thay đổi vị trí thành hình mũi tên chỉ lên trời tạo ra vị thế phong thủy tốt lành. Điềm báo phong thủy này là sự hưng thịnh về sau của cả một dòng họ.

Tấm lòng quảng đại, trời ban phúc lành

Phạm Trọng yêm cả đời tích đức hành thiện, khi ông qua đời gia cảnh vô cùng bần hàn. Tuy nhiên, phúc đức của ông đã lưu lại cho con cháu đời sau. Con trai ông Phạm Thuần Nhân sau này trở thành tể tướng. Những người khác đều làm quan lớn với phẩm chất đạo đức cao quý. Hơn nữa nhiều đời trong gia tộc của ông đều xuất hiện nhân tài. Thông thường sự giàu có không quá ba đời, tuy nhiên gia tộc họ Phạm hưng vượng tới hơn tám trăm năm.Tại Trung Quốc đây vẫn là dòng họ nổi tiếng lưu danh sử sách. Đây chính là minh chứng chân thực về việc tích đức hành thiện đắc phúc báo cho hậu thế sau này

Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt. Hãy lấy lịch sử làm tấm gương soi, có thể biết dòng họ đó hưng thịnh hay suy tàn. Lớn như sự hưng vượng hay suy tàn của các triều đình, hay nhỏ như của một gia tộc, thảy đều từ đức mà ra. 

Video xem thêm:

Lòng Thiện theo về nơi Phúc địa…

Theo Aboluowang.

x