Bạn có thể thấy yêu đời hơn khi cuộc sống gặp nhiều thuận lợi, hoặc cảm thấy cuộc đời này vô nghĩa khi gặp nhiều đau khổ, vậy làm sao để cuộc sống này có ý nghĩa hơn?
Những người ít hài lòng với cuộc sống hoặc mắc chứng trầm cảm thường không cảm nhận được ý nghĩa rõ ràng của cuộc sống. Trong khi những người vui vẻ, vô tư thường thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Cuộc sống có thể khiến bạn nản lòng, những khó khăn, đau khổ liệu có khiến cuộc sống trở nên vô nghĩa? Phải chăng khái niệm về “ý nghĩa cuộc sống” của mỗi người là khác nhau, tùy theo suy nghĩ của bản thân? Nếu vậy, liệu chúng ta có thể cảm thấy nhiều ý nghĩa hơn bằng cách điều chỉnh quan niệm của mình không?
Nội dung chính
Điều gì khiến cuộc sống trở nên có ý nghĩa
Nghiên cứu tâm lý đã xác định ba điều góp phần tạo nên một cuộc sống có ý nghĩa: Có ý tưởng cuộc sống rõ ràng, sống có mục đích, sống có ích và làm những việc làm có ý nghĩa.
Suy nghĩ và cảm xúc rõ ràng
Khi những cảm xúc và sự hiểu biết cá nhân có thể phù hợp với bức tranh tổng thể của cuộc sống, sẽ giúp chúng ta hiểu được cuộc sống của chính mình.
Từ việc là thành viên của một gia đình, hay một mối quan hệ, một câu lạc bộ hoặc một cộng đồng. Khi trở thành một phần của điều gì đó rộng lớn hơn thế giới của chính mình, nó có thể mang lại cho chúng ta quan điểm cân bằng hơn trong việc theo đuổi hạnh phúc.
Sống có mục đích
Có mục tiêu trong cuộc sống, cả dài hạn và ngắn hạn, sẽ khiến cuộc sống có phương hướng và động lực. Cho dù đó chỉ là việc từ bỏ một thói quen xấu, thành thạo một kỹ năng mới hay nuôi dạy những đứa trẻ có trách nhiệm và ngoan ngoãn; mỗi bước tiến tới mục tiêu đều có giá trị và trở nên ý nghĩa.
Làm nhiều việc có ý nghĩa
Giúp đỡ người khác, làm từ thiện hay tạo ra thứ gì đó hữu ích hoặc đẹp đẽ, hay đơn giản là được người khác công nhận những hành động tốt đẹp của mình, khiến chúng ta cảm thấy mình có giá trị, và dường như có vai trò quan trọng.
Tất cả những điều này có thể làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn. Nhưng nếu xem xét cẩn thận lý do tại sao chúng ta tìm thấy ý nghĩa trong những điều này, chúng ta sẽ có thể tìm thấy ý nghĩa và mục đích sống cao cả hơn.
Ý nghĩa cuộc sống đến từ sự phát triển tâm linh
Casey Woodling, giáo sư nghiên cứu triết học và tôn giáo tại Đại học Coastal Carolina ở Nam Carolina, cho rằng: “Cuộc sống không có những khảo nghiệm thì chẳng có ý nghĩa gì cả”. Nhà hiền triết Socrates còn nặng lời hơn khi cho rằng thậm chí sống như vậy không đáng sống.
Việc nâng giá trị cho những khía cạnh trong cuộc sống khiến bạn vui vẻ, hài lòng; đồng thời hạ thấp giá trị của những khía cạnh không làm bạn hài lòng và bất mãn; có thể khiến người ta có suy nghĩ sai lầm rằng, ý nghĩa của cuộc sống bắt nguồn từ việc theo đuổi niềm vui.
Tuy nhiên, các nhà hiền triết và triết gia ở mọi thời đại và giữa các nền văn hóa đều có quan điểm khác nhau về điều này. Từ Lão Tử của thời cổ đại cho đến giáo sư triết học ngày nay Iddo Landa; đều đồng ý rằng mục tiêu và thành tích không quan trọng. Điều quan trọng là sự hiểu biết và đồng hóa bản thân với vũ trụ.
Khi chúng ta nhận ra và chấp nhận rằng mỗi chúng ta chỉ là một phần của chỉnh thể, một phần của vũ trụ rộng lớn bao la mà tất cả đều đang duy trì và bảo vệ. Khi đó chúng ta sẽ bắt đầu thấy tầm quan trọng của việc đối xử với mọi sinh mệnh bằng lòng tốt và sự tôn trọng, cũng như sự vô ích của việc đấu tranh vì lợi ích cá nhân.
Người ta có thể nhận ra ý nghĩa tốt đẹp nhất bằng cách buông bỏ lợi ích cá nhân để phục vụ người khác. Những thứ chúng ta làm để được nổi bật, tích lũy của cải hoặc tìm kiếm sự thoải mái đều mất đi ý nghĩa của chúng trong việc nuôi dưỡng sự khiêm tốn, lòng tốt, tính chính trực và sự tự chủ.
Bằng cách nuôi dưỡng những đức tính cao đẹp, con người có thể đồng nhất với bản chất của vũ trụ, trở về với bản tính nguyên thủy, tiên thiên và thuần khiết.
Những bậc giác ngộ và những người tu luyện coi đây là ý nghĩa tối thượng của nhân sinh.
Những thứ làm mất đi ý nghĩa chân chính của đời người
Chấp trước làm giới hạn suy nghĩ và hành vi của con người
Cuộc sống của con người phần lớn được định hình bởi những chấp niệm. Nhưng khi càng ôm giữ nhiều chấp trước, thì càng sản sinh ra đủ loại quan niệm, ham muốn và sợ hãi. Điều này tác động chủ yếu đến suy nghĩ, hành động của con người.
Đi theo con đường tâm linh, chúng ta bắt đầu nhận ra những chấp trước thực chất là gì và dần dần buông bỏ chúng.
Nỗi sợ hãi cướp đi tự do của chúng ta
Chấp trước vào những trải nghiệm trong quá khứ, khiến con người tự tạo cho mình vô số nỗi sợ hãi. Trước những tin tức tiêu cực, giật gân, thậm chí chưa có cơ sở chắc chắn, cũng khiến chúng ta lo lắng, bất an.
Triết gia người Na Uy Lars Svendsen cho rằng nỗi sợ hãi là “sản phẩm phụ của sự khoái trá” vốn “cướp đi tự do của chúng ta”.
Trong khi Svendsen cho rằng sự sợ hãi bắt nguồn từ những thất bại trong xã hội; thì Lão Tử lại nói trong Đạo Đức Kinh rằng: “Ta sở dĩ phải lo âu nhiều, chính vì ta có thân. Nếu không có thân, ta đâu có lo! Cho nên ai quý thiên hạ hơn thân mình, thì có thể đem thiên hạ giao phó cho, ai yêu thiên hạ hơn thân mình, thì có thể gửi gắm thiên hạ cho họ được.”
Hãy lùi lại một bước để nhìn mọi thứ từ một góc độ khác và bạn sẽ có thể xem nhẹ mọi thứ.
Quan niệm cố hữu
Quan niệm là một chấp trước dai dẳng khác. Những ý tưởng như “Tôi cần cái này hay cái kia. Cái này tốt, cái kia tốt hay xấu…”, tất cả đều là những ý tưởng cố hữu trong một thế giới luôn vô thường.
Đức Phật dạy: “Sự thay đổi vốn không đau khổ, chỉ có cố chống lại sự thay đổi mới là đau khổ”.
Mặc dù cuộc sống có thể dường như vô nghĩa khi nó không phù hợp với quan niệm của chúng ta. Nhưng có rất ít thứ chúng ta có thể kiểm soát ngoài bản thân mình. Điều chúng ta có thể làm là sửa đổi quan niệm và kiểm soát ham muốn của chính mình.
Dục vọng là gốc rễ của mọi đau khổ
Khi hướng dẫn các đệ tử của mình trên con đường giác ngộ, Đức Phật đã dạy Tứ Diệu Đế.
Trong đó có dạy rằng: “Dục vọng là gốc rễ của mọi đau khổ”. Có người sẽ cho rằng, chẳng phải cũng có những ham muốn cao cả, vị tha sao?
Điều này đưa chúng ta trở lại với quan niệm của mình. Những điều chúng ta cho là tốt có thể gây tác động tiêu cực đến người khác, trong khi những điều chúng ta cho là sai lại có thể đúng.
Tất nhiên, chúng ta cần phải sống cuộc sống của mình và để hành động của mình được dẫn dắt bởi sự hiểu biết và đức tin của mình.
Những ham muốn và dục vọng có thể mang lại những cảm xúc đau khổ nếu không được thỏa mãn.
Để buông bỏ dục vọng cần một quá trình rèn luyện lâu dài. Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách hạn chế truy cầu kết quả, sống thuận theo tự nhiên và sẵn sàng chấp nhận mọi thứ với lòng biết ơn.
Ý nghĩa cuộc sống hiện diện trong từng khoảnh khắc
Nhiều nhà lãnh tụ tôn giáo cho rằng sự yên tĩnh trong tâm trí và sự hài lòng đến từ sự buông bỏ, buông bỏ bản ngã để chấp nhận và thuận theo thiên ý.
Làm được điều đó, con người không còn bị thúc đẩy bởi ham muốn mà là bởi trách nhiệm, trách nhiệm thiêng liêng với cả vũ trụ và chính chúng ta.
Con đường hướng tới sự đồng hóa với những nguyên tắc cao nhất của vũ trụ và sự trở lại với bản chất thuần khiết, nguyên thủy của chúng ta, đòi hỏi sự nỗ lực trau dồi đức hạnh một cách kiên định.
Trong cuộc hành trình tâm linh của mình, chúng ta có thể xem mọi thất vọng, mọi đau khổ và mất mát như một điều tất yếu cho sự đề cao tâm tính và tiến bộ tâm linh.
Ý nghĩa cuộc sống không phụ thuộc vào sự thoả mãn của cảm xúc, hay lợi ích vật chất, mà nó hiện hữu trong từng khoảnh khắc.
Theo Visiontimes