Âm nhạc chân chính có tác dụng giáo dục và cảm hóa con người, chứ không phải để kích thích các giác quan của con người.
“Đức âm” mới là âm nhạc chân chính
Người xưa nói: “Đức âm chi vị nhạc”, nghĩa là âm thanh có đức mới được coi là âm nhạc chân chính. Có lần, Ngụy Văn Hầu hỏi Tử Hạ rằng: “Âm nhạc cổ xưa và âm nhạc hiện nay có gì khác nhau?”
Tử Hạ trả lời: “Âm nhạc cổ xưa là nhã nhạc có nguồn gốc từ Hoàng Đế, vua Nghiêu vua Thuấn, được các bậc thánh hiền lưu truyền. Âm thanh hài hòa, khí thế rộng lớn, khi biểu diễn tiến lui có trật tự, tiết tấu bình hoà mà trang trọng, ngụ ý phong phú, kể lại công lao của các vị thánh vương, cách họ tu thân trị gia, cuối cùng bình định thiên hạ. Đây là âm nhạc cổ xưa.
Còn ngày nay, khi biểu diễn âm nhạc thì hỗn loạn, mất trật tự, tiếng nhạc tràn ngập tà ác khiến con người đắm chìm trong đó mà không thể tự thoát ra được. Sau khi nghe xong, không thể nào nói rõ được đạo lý gì, cũng như không thể mô tả được công trạng của các vị thánh vương ngày xưa, không có nội hàm tư tưởng và hoàn toàn trái ngược với đạo đức, không thể gọi là âm nhạc”.
Trong “Nhạc ký” có viết “Quân tử nghe nhạc là để tu dưỡng đạo đức, tiểu nhân nghe nhạc là để thỏa mãn dục vọng. Dùng đạo đức để ức chế dục thì sẽ hạnh phúc mà không loạn, còn thỏa mãn dục vọng mà quên mất đạo đức thì sẽ mê muội mà không hạnh phúc”. Vì vậy, âm nhạc phải có ích cho con người, có tác dụng giáo dục và cảm hóa con người, chứ không phải để kích thích các giác quan của con người. Vì thế, con người cần phải có lựa chọn đối với âm nhạc, chỉ có đức âm mới thực sự có ích cho con người.
Muốn thể hiện được đức âm thì trước hết phải tu thân
Những âm nhạc gia kiệt xuất thời xưa đều có tài đức vẹn toàn. Ví dụ như Khổng Tử, Bá Nha và Sư Khoáng, họ đều là thông qua việc không ngừng tu dưỡng, đề cao bản thân, tĩnh tâm lĩnh ngộ nội hàm của bản nhạc, nhờ đó mà trở thành những âm nhạc gia nổi tiếng lưu danh thiên cổ.
Vào thời Xuân Thu, Sư Văn theo Sư Tương để học cổ cầm. Sau 3 năm học mà ông vẫn không thể gảy được bài nhạc. Sư Văn nhận ra rằng: Tư tưởng của ông không đặt ở dây đàn, cũng không đặt ở âm thanh, vì thế ông không thể khiến con người và cổ cầm hòa lại thành một. Sau đó, mỗi ngày ông không ngừng tu dưỡng, thăng hoa bản thân và chuyên tâm để thể ngộ được nội hàm của âm nhạc.
Không lâu sau đó, Sư Văn bắt đầu gảy đàn. Đầu tiên ông gảy khúc nhạc mùa xuân, thì cảm giác như một làn gió mát đang thổi tới và cây cối trĩu quả ngọt. Khi ông gảy khúc nhạc mùa thu, lại có một cơn gió đông thổi qua, cây cối đâm chồi nảy lộc. Khi ông đang gảy khúc nhạc mùa hạ, băng tuyết trên sông đã đóng băng. Cuối cùng, ông gảy khúc nhạc mùa đông, ngay lập tức cảm thấy ngày hè nóng bức, băng tuyết tan chảy. Khi kết thúc bài nhạc, ông dùng dây Cung để thống nhất âm thanh của 4 dây (Thương, Giốc, Chủy, Vũ), bỗng chốc ông có cảm giác như có một cơn gió nam thổi từ tứ phía.
Hóa ra, sự xuất sắc của nghệ thuật âm nhạc không nằm ở dây cung, hay âm thanh, mà ở sự “Đắc tâm ứng thủ” (tay và tâm hòa quyện làm một) và dùng chính tâm, chính niệm để đạt đến cảnh giới thân tâm hợp nhất, có thể hòa hợp với trời đất.
Người vô đức thì không xứng nghe âm nhạc chân chính
Âm nhạc tao nhã thời xưa có yêu cầu rất cao về đạo đức của người nghe, người nghe nhất định phải có đầy đủ đức hạnh. Ví dụ: nhạc “Hàm trì” của Hoàng Đế, nhạc “Thừa Vân” của Chuyên Húc, nhạc “Đại Chương” của vua Nghiêu và nhạc “Thiều Nhạc” của vua Thuấn.
Vào thời Xuân Thu, Vệ Linh Công đến thăm nước Tấn và lệnh cho nhạc sư Sư Quyên của ông diễn tấu nhạc khúc. Ngay khi diễn tấu, nhạc sư Sư Khoáng của nước Tấn liền vội vàng ngăn lại và nói: “Nhanh dừng lại! Đây là ‘Thanh Thương’, là khúc nhạc thô tục, bại trận thời Trụ Vương nhà Thương, đây là âm nhạc vong quốc. Âm nhạc là để truyền bá đức hạnh, không được chìm đắm vào âm nhạc có hại cho đức hạnh!”
Tấn Bình Công hỏi Sư Khoáng: “Trên thế gian này có lẽ không còn nhạc khúc nào có thể động lòng người hơn vậy”. Sư Khoáng nói: “Có, nhưng đức hạnh của ngài không đủ, nên không thể nghe bản nhạc này”. Nhưng Tấn Bình Công vẫn kiên quyết mời Sư Khoáng diễn tấu. Khi Sư Khoáng vừa diễn tấu được một đoạn, chỉ nhìn thấy mây tường vân lúc ẩn lúc hiện và 16 con tiên hạc từ trên trời bay xuống, giương cánh nhảy múa.
Tấn Bình Công sau khi nhìn thấy thì rất cao hứng và lại hỏi Sư Khoáng: “Còn khúc nhạc nào cảm động hơn tác phẩm vừa rồi không?” Sư Khoáng nói: “Có, trước đây khi Hoàng Đế triệu tập Quỷ Thần đã sáng tác khúc ‘Thanh Giác’. Nhưng đức hạnh của ngài quá mỏng, không đủ để nghe nó. Nếu nhất quyết muốn nghe, e rằng sẽ mang đến cho ngài vận rủi”. Tấn Bình Công nói: “Ta đã lớn tuổi như vậy rồi còn quan tâm đến những điều này sao?”
Sư Khoáng không còn cách nào khác, đành bắt đầu gảy đàn. Vừa gảy xong đoạn đầu tiên, mây trắng từ trời Tây Bắc kéo đến; vừa gảy đoạn nhạc thứ 2, mưa to gió lớn ùn ùn kéo đến; vừa gảy đoạn nhạc thứ 3, cuồng phong gào thét, gạch ngói ở hiên nhà đều bị thổi bay, ngay cả những đồ tế tự nặng cũng vỡ tan tành, người xung quanh sợ hãi đến mức bỏ chạy tán loạn, còn Tấn Bình Công thì sợ hãi đến mức bò vào mái hiên trong phòng.
Kết quả là không lâu sau đó, nước Tấn xảy ra hạn hán trầm trọng trong 3 năm, ngay cả một cọng cỏ cũng không mọc lên nổi, Tấn Bình Công từ đó lâm bệnh không dậy nổi.
“Hiếu Kinh” có viết: “Di phong dịch tục, mạc thiện ư nhạc”. Nghĩa là: Muốn thay đổi phong tục thì không có gì dễ hơn là dùng âm nhạc. Lắng nghe âm nhạc thuần khiết mỹ hảo không chỉ có thể đề thăng khí chất của con người, mà quan trọng hơn là nó có thể khơi dậy thiện niệm của con người.
Theo Vision Times