Hãy lắng nghe trước khi khuyên nhủ, như vậy mới có thể thấu hiểu và biểu đạt được sự đồng cảm chân thành, khiến lòng người được an ủi.
Mỗi khi nghe những than phiền, kể khổ của người thân, bạn bè, bạn muốn làm gì đó để an ủi nhưng lại không biết nên làm như thế nào?
Nhà tâm lý học lâm sàng Hồng Tử Tuyền chia sẻ rằng, hãy cố gắng đáp lại bằng sự đồng cảm, điều này có thể làm cho các mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn. Hãy tận lực “nhìn mọi việc từ góc độ của người khác”, dù đối phương có ý kiến bất đồng, cũng cố duy trì thái độ tôn trọng, không phê phán.
Cô cũng bày tỏ rằng, không cần phản hồi quá nhanh, điều đó có thể làm gián đoạn sự bày tỏ của đối phương. Cần phải lắng nghe trước rồi mới có thể thể hiện ra sự đồng cảm.
Thời báo Tự do đã trích dẫn chia sẻ của Hồng Tử Tuyền trên facebook “Sở trị liệu tâm lý Sơn Hiểu”. Có độc giả nghi hoặc: “Chỉ lắng nghe người khác là cách phản hồi như thế nào? Tốt hơn ở chỗ nào? Nếu cứ im lặng, đối phương liệu có thể cảm thấy chúng ta không quan tâm tới họ? Nếu chỉ đáp lại ‘ừ, ồ’, liệu người ta có cảm thấy mình đang qua loa chiếu lệ?”
Hồng Tử Tuyền cho rằng, để an ủi, giúp đỡ một người; ngoài việc tích cực lắng nghe, còn cần thường xuyên thể hiện sự đồng cảm. Đồng cảm với mọi người, có thể cải thiện các mối quan hệ, khiến cuộc sống của bạn ấm áp hơn.
Khi nói đến sự đồng cảm, điều đầu tiên bạn có thể nghĩ đến là: an ủi người, cảm thông, bày tỏ sự quan tâm và thể hiện sự ấm áp. Tuy nhiên, sự đồng cảm kỳ thực chỉ đơn giản là biết “đứng ở góc độ của đối phương mà lý giải và nhìn nhận mọi việc”.
Ở đây chính là áp dụng câu nói: “Nhân đồng thử tâm, tâm đồng thử lí”- ý nói người cùng một lòng, lòng đồng một ý; Những người có tâm tình giống nhau dễ thông cảm với nhau.
Khi lắng nghe, chúng ta có thể hiểu được chuyện gì đã xảy ra với họ thông qua những lời kể, cùng họ cảm nhận trạng thái cảm xúc đó như thế nào. Và khi đáp lại, trước hết có thể tóm tắt sơ lược nội dung câu chuyện, sau đó mô tả phù hợp những cảm xúc của họ.
Cần phải chú ý nhấn mạnh góc độ cảm nhận của đối phương, hạ xuống cái tôi và quan điểm cá nhân của mình; cho dù suy nghĩ của mình và họ có khác nhau, cũng cần duy trì thái độ tôn trọng, không phán xét.
Có lúc, khi thấy một người bạn rất buồn, chúng ta dường như muốn nhanh chóng nói gì đó để giúp họ. Nhưng đôi khi, sự phản ứng vội vàng của chúng ta thực sự có thể làm gián đoạn biểu đạt của người khác.
Vì vậy, chúng ta cần biết kiểm soát những phản ứng cảm xúc của mình. Trước tiên hãy lắng nghe, cảm nhận và thấu hiểu, sau đó mới bày tỏ được sự đồng cảm chân thành.
Theo Sound of hope