Các nghiên cứu khoa học từng chỉ ra rằng, nghe nhạc cổ điển có thể cải thiện giấc ngủ, giảm căng thẳng, tăng cường miễn dịch, cùng nhiều lợi ích khác.
Các nghiên cứu gần đây phát hiện rằng, khi khán giả nghe nhạc cổ điển, nhịp tim và hơi thở của họ được đồng bộ theo các giai điệu, điều này cho thấy sự tác động rõ ràng của âm nhạc lên cơ thể người.
Nhạc cổ điển có thể đồng bộ hóa nhịp tim, hơi thở và mức độ hưng phấn
Nghiên cứu này được dẫn đầu bởi Wolfgang Tschacher, giáo sư và nhà tâm lý học tại Đại học Bern ở Thụy Sĩ. Các nhà nghiên cứu đã mời 132 vị khán giả trong độ tuổi từ 18 đến 85 ở Berlin, Đức tham gia nghiên cứu của mình.
Những người tham gia được chia thành ba nhóm và tham dự các buổi hòa nhạc khác nhau, nhưng những buổi hòa nhạc này có sự góp mặt của một dàn nhạc giao hưởng chơi cùng một tiết mục ngũ tấu đàn dây. Những tác phẩm này bao gồm “Ngũ tấu đàn dây cung Đô thứ” của Beethoven, “Ngũ tấu đàn dây số 2 cung Sol trưởng” của Johannes Brahms, và “Epitaphs”, sáng tác bởi Brett Dean, nhà soạn nhạc thường trú của London Philharmonic Orchestra.
Khi tham dự buổi biểu diễn âm nhạc, những người này được trang bị máy cảm biến đo nhịp tim, hơi thở và lượng mồ hôi tay. Kết quả cho thấy hơi thở của họ có sự phối hợp nhịp nhàng nhất, tiếp theo là nhịp tim và mức độ hưng phấn (được đo bằng lượng mồ hôi trên đầu ngón tay).
Trước khi tham dự buổi hòa nhạc, họ cũng được yêu cầu làm một bài kiểm tra liên quan đến tính cách, kết quả cho thấy những người tham gia có tính cách thân thiện và yêu thích những trải nghiệm mới, có nhiều khả năng đồng bộ hóa với âm nhạc và những người xung quanh hơn.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports cho thấy, ngay cả khi đèn tắt và những người tham gia nghe nhạc hoàn toàn ở trong bóng tối, thì động tác của họ vẫn có sự phối hợp nhịp nhàng và dường như họ liên kết với nhau một cách vô thức.
Ngoài ra, khi nghe bản ngũ tấu đàn dây của Brahms và Dean dường như khiến khán giả xuất hiện hiện tượng đồng bộ nhiều hơn.
Wolfgang Tschacher cho biết: “Thật tuyệt khi những người tham dự buổi hòa nhạc không biết nhau hay nói chuyện với nhau, nhưng dường như họ có chung một trải nghiệm”.
Ông nói: “Khi xuất hiện hiện tượng đồng bộ, chúng tôi biết mọi người thực sự đắm chìm với âm nhạc, bởi vì họ đang phản hồi về mặt cảm xúc với âm nhạc theo cách giống nhau”.
Tschacher cũng nói rằng tính đồng bộ được thấy trong các buổi hòa nhạc cổ điển cũng có thể xảy ra ở các loại hình âm nhạc khác nhau.
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng các nhạc trưởng và nhạc sĩ thường có phản ứng đồng bộ tương tự với âm nhạc.
Nhạc cổ điển giúp tiết kiệm điện năng cho xe điện
The Epoch Times trước đây đã đưa tin rằng nghe nhạc cổ điển không chỉ tốt cho cơ thể và tinh thần mà còn có lợi cho việc điều khiển xe điện vì nó có thể giúp chủ xe tiết kiệm điện hơn.
Để nghiên cứu xem việc nghe nhạc ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả lái xe, Công ty Kia Motors (Kia) của Hàn Quốc đã tiến hành thử nghiệm mẫu xe điện mới EV6.
Công ty đã lựa chọn những người chưa từng lái xe điện, yêu cầu họ vừa lái những chiếc xe mới của hãng, với quãng đường lên tới 18 dặm (29 km) vừa nghe một số bản nhạc chọn lọc như: Nhạc cổ điển, nhạc Pop, nhạc trữ tình,… Kết quả phát hiện, mỗi khi người lái xe nghe nhạc cổ điển, thì họ có thể lái xe một cách tiết kiệm điện năng nhất.
Nhạc cổ điển có thể đem lại những lợi ích to lớn, hãy chọn vài bản nhạc hay cho bản thân bạn nhé.
Theo Epochtimes