Văn hóa truyền thống

Ý nghĩa câu “cười kẻ nghèo khó chứ không cười phường kỹ nữ”

27/08/23, 07:56
Ý nghĩa câu "cười kẻ nghèo khó chứ không cười phường kỹ nữ"
Nhiều người hiểu chưa đúng nghĩa câu "cười kẻ nghèo khó chứ không cười phường kỹ nữ" (ảnh minh họa Pinterest)

Nhiều người đã nghe đến câu “Cười kẻ nghèo khó chứ không cười phường kỹ nữ”, nhưng có thể chưa hiểu đúng nghĩa của câu này; hơn nữa đằng sau câu này vẫn còn một vế nữa.

Cười kẻ nghèo khó chứ không cười phường kỹ nữ

“Tiếu bần bất tiếu xướng” – Cười kẻ nghèo khó chứ không cười phường kỹ nữ. Ở bề mặt câu chữ thì có thể hiểu là người ta coi thường người nghèo còn hơn cả kỹ nữ. Nhưng trên thực tế, từ “kỹ nữ” trong câu cổ ngữ này cũng không phải là nói về mỗi gái lầu xanh, mà còn là để chỉ những người thông qua thủ đoạn bất chính mà lấy được tiền tài.      

Ý tứ của câu này là người ta sẵn sàng mỉa mai, cười nhạo những người nghèo khó nhưng sống chân chính, lương thiện; mà lại không chê cười những người giàu có nhưng kiếm tiền không chừa thủ đoạn nào, thậm chí người ta còn ngưỡng mộ những người giàu có này. Câu này nhằm chế nhạo những người đặt tiền bạc lên hàng đầu, làm giàu bất nhân.

Ngày nay nhiều người coi trọng vật chất mà xem nhẹ đạo đức, họ ngưỡng mộ những người giàu có mà không cần biết những người này kiếm tiền bằng cách nào, chỉ khi những cự phú này sa vòng lao lý thì người ta mới bàng hoàng nhận ra; rồi nhiều cô gái xinh đẹp sẵn sàng cặp bồ với người đáng tuổi bố mình để được chu cấp tiền bạc mà không chút xấu hổ, đã thế lại còn được nhiều người ủng hộ, coi là bình thường. 

Ý nghĩa câu "cười kẻ nghèo khó chứ không cười phường kỹ nữ"
Người thiện lương mà nghèo khó thì lại bị người khác coi thường (ảnh minh họa Twitter)

Trong khi người thật thà, thiện lương mà nghèo khó thì lại bị người khác khinh thường, coi không bằng kỹ nữ. Những giá trị đạo đức truyền thống đều đã bị đảo lộn hết cả. Câu nói “Cười kẻ nghèo khó chứ không cười phường kỹ nữ” quả thực cũng đã ứng vào thời đại ngày nay. 

“Cứu lúc khẩn cấp nhưng không cứu người nghèo”

Nửa sau của câu “Tiếu bần bất tiếu xướng” là “Cứu cấp bất cứu cùng” – cứu lúc khẩn cấp nhưng không cứu người nghèo; câu này thì có thể nhiều người chưa từng nghe đến. Câu này cũng gần tương tự với câu “Bang cùng bất bang lại” – Giúp người nghèo khó chứ không giúp kẻ lười biếng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự nghèo khó của một người, và có thể chia thành 2 loại: Nghèo vật chất và nghèo tinh thần.

Nghèo vật chất thì cố gắng rồi từ từ cũng sẽ khá lên, còn nghèo tinh thần thì khó mà có cải biến được. Ví như có người rõ ràng là có khả năng làm việc nhưng không chịu đi làm; hoặc đi làm thì lại lười biếng, không chịu nổi một chút khó khăn ở nơi công tác, hở ra là nghỉ làm, họ chỉ muốn dựa vào người khác, hoàn toàn không có chí hướng vươn lên.

Ý nghĩa câu "cười kẻ nghèo khó chứ không cười phường kỹ nữ"
Người nghèo tinh thần thì chỉ muốn dựa dẫm vào người khác (ảnh minh họa Pinterest)

Với những người như vậy, bạn không thể cho họ mượn tiền; bởi vì họ sẽ rất cảm kích lúc được bạn cho vay tiền, nhưng sau đó thì sẽ quên ngay, không hề nghĩ đến việc trả lại. Hơn nữa còn dùng tiền đó rất phung phí, đến khi xài hết thì lại mượn thêm, thậm chí mượn chỗ này đắp chỗ kia.

Gặp khi khẩn cấp thì đương nhiên bạn nên giúp đỡ người khác, hoặc người nghèo vật chất thì bạn cũng có thể giúp đỡ đôi chút, cho họ cái cần câu cơm; còn đối với người nghèo tinh thần thì bạn nên cân nhắc cho kỹ, không phải là bạn không từ bi, mà là càng giúp những người này thì họ lại càng tệ hơn. “Người nghèo” ở trong câu “Cứu lúc khẩn cấp nhưng không cứu người nghèo” là ý chỉ những người nghèo về tinh thần. 

Theo Vision Times

x