Khí tiết là chí khí, tiết tháo – một loại phẩm chất nhân cách cao thượng của người có khí phách. Một người dù thân trong thuận cảnh hay nghịch cảnh đều giữ vững nguyên tắc đạo đức trong tâm. Người có khí tiết luôn vững như bàn thạch “Uy vũ bất năng khuất, phú quý bất năng dâm”.
Nội dung chính
Thế nào là khí tiết ?
“Trì tiết” cũng chính là giữ gìn tiết khí. Tiết khí là chí khí và tiết tháo. Nó là một loại phẩm chất nhân cách cao thượng, biểu hiện là giữ vững chính nghĩa, đối diện với những áp lực mạnh mẽ trước mặt, vẫn luôn kiên cường không khuất phục.
Khổng Tử từng giảng “tuế hàn, nhiên hậu tri tùng bách chi hậu điêu dã” Dịch nghĩa: ‘Năm giá lạnh mới biết tùng bách là loài tàn úa sau cùng’. Chính là mượn việc ca ngợi tư cách cứng rắn, kiên cường, ngạo nghễ, độc lập của tùng bách để ca tụng nhân cách kiên trinh bất khuất của con người;
Mạnh Tử đề xuất lý tưởng của đại trượng phu “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy võ bất năng khuất” . Tạm dịch: ‘giàu sang mà không dâm, nghèo hèn mà không đổi, uy vũ không khuất phục được’. Điều đó càng nhấn mạnh sự quan trọng của tiết khí con người. Có thể thấy, khí tiết từ cổ tới nay là một loại tu dưỡng đạo đức mà người Trung Quốc vô cùng coi trọng.
Biểu hiện của người có khí phách?
Giữ gìn cốt cách thanh cao
Trong Luận Ngữ. Vi Tử Khổng Tử giảng “bất giáng kỳ chí, bất nhục kỳ thân” . Nghĩa là không nên hạ thấp chí hướng, không bôi nhọ sự thanh bạch của bản thân. Làm người nên tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn cần có, không thể chịu khuất phục dưới sự chèn ép mạnh mẽ của cường quyền.
Trong “Mạnh Tử, Tận tâm thượng” Mạnh Tử còn nói “Cùng tắc độc thiện kỳ thân, đạt tắc kiêm thiện thiên hạ”. Tạm dịch: ‘Nếu đến mức bi đát nhất thì ta chỉ cần giữ cho bản thân mình được thanh cao; nếu được vua chúa tin dùng thì ta giúp mọi người được thanh cao như ta’.
Một người dù không gặp việc không được như ý hay đắc ý, đều nên chịu trách nhiệm những điều trong khả năng cho phép. Khi có năng lực, giúp đỡ người khác nhiều hơn một chút; khi năng lực không đủ, ít nhất nên tự kiểm soát tốt bản thân. Dù thân trong thuận cảnh hay là nghịch cảnh, đều phải giữ vững nguyên tắc đạo đức trong tâm. Đồng thời cần giữ khí phách cao thượng.
Khổng Tử đánh giá cao những hiền nhân tài đức thời cổ đại luôn giữ khí tiết thanh cao như: Vi Tử, Bá Di, Thúc Tề… Một người nếu khuất phục trước cường quyền, hoặc vì danh lợi không chính đáng mê hoặc quyến rũ, chỉ có thể làm mất đi nhân cách và tự rước lấy nhục bản thân.
Giàu sang mà không dâm, nghèo hèn mà không đổi, uy vũ không khuất phục được
Mạnh Tử khi biện luận với mọi người thế nào gọi là “Đại trượng phu”, có đề xuất chuẩn tắc làm người: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, có nghĩa là “giàu sang mà không dâm, nghèo hèn mà không đổi, uy vũ không khuất phục được”. Trong lịch sử những người như vậy rất nhiều.
Trong Lã Thị Xuân Thu có ghi chép: “Thạch khả phá dã, nhi bất khả đoạt kiên; đan khả ma dã, nhi bất khả đoạt xích” Tạm dịch: ‘Đá có thể vỡ mà không thể bị đoạt đi sự cứng rắn, chu sa có thể mài, mà không thể bị cướp đi màu đỏ’.
Câu này lấy sự cứng rắn và màu đỏ của chu sa để so sánh với phẩm chất thanh khiết cao thượng của một người có khí phách. Người đó không thể vì những áp lực của ngoại cảnh mà thay đổi phẩm đức. Cho dù thịt nát xương tan, tinh thần cũng vĩnh viễn bảo trì.
Những tấm gương giữ gìn khí tiết trong lịch sử
Tô Vũ không mê phú quý, không khuất phục vũ lực
Tô Vũ thời Tây Hán là một trong những người giữ gìn khí tiết. Thời Hán Vũ Đế ông được phụng mệnh đi sứ Hung Nô. Thủ lĩnh Hung Nô uy hiếp bắt ông đầu hàng. Trước tiên chúng dùng việc chăn nuôi gia súc, tài phú, chức vị… để dụ dỗ ông.
Sau đó chúng lại mưu đồ dùng cuộc sống gian nan khốn khó khiến ông thuận theo. Tô Vũ không bị phú quý mê hoặc, không khuất phục trước vũ lực. Dù nghèo hèn ông cũng không thay đổi. Dù bị giam cầm ở Hung Nô 19 năm, ông trước sau luôn giữ gìn tiết tháo. Cuối cùng ông cũng về tới triều Hán.
Bá Di và Thúc Tề thà chết trung thành với nhà Thương
Trong “Sử ký – Bá Di liệt truyện” có ghi lại sự tích về Bá Di và Thúc Tề. Bá Di và Thúc Tề hai anh em con vua nước Cô Trúc – chư hầu nhà Thương. Quân vương Cô Trúc muốn lập người con thứ ba của mình là Thúc Tề lên thừa kế.
Nhưng Thúc Tề không chịu kế vị mà muốn đem ngôi nhường cho Bá Di. Bá Di cũng không chấp nhận nên cũng lui về ở ẩn. Thúc Tề vẫn quyết không nguyện ý kế vị. Vì thế mà người trong nước đã lập Á Bằng (người con thứ hai) lên ngôi vua.
Bá Di, Thúc Tề nghe nói Tây Bá Cơ Xương (Chu Văn Chương) là người kính trọng hiền sĩ. Hai anh em liền tới nhờ cậy Chu Văn Chương. Sau đó Chu Văn Chương qua đời, con trai ông là Cơ Phát (tức Chu Vũ Vương) ra binh chinh phạt Trụ vương.
Bá Di và Thúc Tề nghe tin, vội vã tới ngăn chặn binh mã của Chu Vũ Vương, can rằng: “Thần tử chinh phạt quân vương liệu xứng sao?” người hầu của Vũ Vương liền ra bắt họ; May mà có Khương Thái Công kịp thời ra can nên hai người được rời đi.
Sau khi Chu Vũ Vương chinh phạt thành công. Bá Di và Thúc Tề cảm thấy nhục nhã. Hai người quyết không ăn bất kỳ lương thực nào trên đất nhà Chu. Hai người đến ẩn cư trong núi Thủ Dương. Ngày ngày họ chỉ hái cây tử vi ăn lót dạ, cuối cùng hai người cùng chết ở trong núi.
Nguyên Cảnh Hạo vì chính nghĩa thà chết không đổi tên
Năm 550, đại tướng quân của Đông Ngụy là Cao Dương bức ép Đông Ngụy Hiếu Tĩnh Đế (tên thật là Nguyên Thiện Kiến) thoái vị, thành lập ra vương triều Bắc Tề. Năm sau, Cao Dương lại giết chết Hiếu Tĩnh Đế cùng ba người con của ông.
Cao Dương vì lo lắng ngôi vị, muốn củng cố sự thống trị của mình nên bắt đầu tàn sát vương tộc cũ. Cao Dương tiến hành thanh trừ đại quy mô họ Nguyên – quý tộc của Đông Nguỵ. Ông ta giết hết 25 gia đình họ Nguyên thuộc hoàng tộc với tổng số lên đến hơn 700 người. Thậm chí ngay cả trẻ con cũng không trốn thoát.
Trước tình thế ấy, viên huyện lệnh Định Tương bấy giờ là Nguyên Cảnh An vô cùng sợ hãi. Cảnh An muốn xin Cao Dương được bỏ họ Nguyên đổi sang họ Cao để khỏi bị chết. Người anh họ của Nguyên Cảnh An là Nguyên Cảnh Hạo kiên quyết phản đối.
Anh nghiêm khắc nói rằng: “Làm sao có thể bỏ tổ tiên mà đổi sang họ khác để giữ mạng sống được? Đại trượng phu thà làm ngọc nát chứ không thèm làm ngói lành. Ta thà chết cũng không đổi họ”. Nguyên Cảnh Hạo nhất quyết không đổi họ cuối cùng bị Cao Dương giết chết. Còn Nguyên Cảnh An vì được ban cho họ Cao mà thoát khỏi cái chết.
Du Khiêm “thà làm ngọc nát , không làm ngói lành”.
Du Khiêm triều Minh trong bài Thạch Khôi Ngâm có câu nói lưu danh thiên cổ: Phấn thân toái cốt hồn bất phạ, lưu đắc thanh bạch tại nhân gian. Tạm dịch: Cho dù tan xương nát thịt làm sao sợ hãi, lưu lại sự thanh bạch tại nhân gian.
Ông lấy vôi tự so sánh, ẩn dụ, bày tỏ sự niềm tin kiên định “Thà làm ngọc nát, không làm ngói lành”. Ông muốn bày tỏ bản thân luôn muốn giữ chính khí, dù thịt nát xương tan, dù thân bại danh liệt, khí phách cũng không lung lay sợ hãi.
Về sau, người ta lấy câu “thà làm ngọc nát, không làm ngói lành” (ninh vi ngọc toái, bất vi ngoã toàn) để ví với khí tiết của người quân tử thà vì chính nghĩa mà hiến thân chứ không chịu vì chút lợi nhỏ mà sống hèn mọn, tạm bợ.
Vua Đường Thái Tông ca ngợi người khí tiết
Trong hoàn cảnh gian khổ nguy nan, có thể thấy rõ nhất phẩm chất cao thượng của một người. Vua Đường Thái Tông trong bài thơ Tứ Tiêu Vũ có câu:
Tật phong tri kình thảo,
Bản đãng thức thành thần.
Dũng phu an thức nghĩa,
Trí giả tất hoài nhân.
Dịch nghĩa
Gió mạnh mới biết cỏ cứng,
Nước loạn mới hay bầy tôi trung thành.
Kẻ vũ dũng lúc thái bình phải biết điều nghĩa,
Người trí thức tất phải giữ điều nhân.
Trong hoàn cảnh gian nan, khốn khó, khí tiết cao quý mới có thể hiển lộ rõ ràng. Điều đó sẽ vĩnh viễn lưu truyền sử xanh.