Trong cuộc sống, có người thích đồ ngọt, có người thích ăn cay… Chỉ cần dựa vào khẩu vị một người là có thể biết được ngũ tạng khỏe mạnh hay không.
- Phòng ngừa bệnh tật bằng cách thanh trừ “tam độc” tham sân si
- Cảm nhận về hạnh phúc của mỗi người đều rất khác nhau
Mỗi người đều có khẩu vị khác nhau. Trên thực tế, ngoài các yếu tố như vùng miền, di truyền và thói quen ăn uống hình thành từ nhỏ, thì liên quan đến việc đặc biệt thích một mùi vị nào đó, đôi khi chính là tín hiệu của sự mất cân bằng dinh dưỡng hoặc sức khỏe không bình thường, khi khẩu vị thay đổi đột ngột có thể là cảnh báo tình trạng sức khỏe của các cơ quan trong cơ thể.
Nội dung chính
Thích vị chua: Cho thấy vấn đề về gan
Nếu một người thích vị chua hoặc đột nhiên thích vị chua thì có thể là biểu hiện của các vấn đề về gan. Thích vị chua lâu ngày hoặc ăn quá nhiều đồ chua sẽ dẫn đến suy gan và khí cơ không thông suốt.
Những người thích ăn vị chua thông thường có thể chọn các loại rau củ quả tươi có vị chua vừa phải như cà chua, cam, dương mai, lựu, chanh, nho, táo xanh, mận bắc…giảm ăn các sản phẩm dưa chua, đồ muối chua.
Thích vị đắng: Đa số là do tâm hỏa gây nên
Vị đắng vào tim, vị đắng có thể thanh nhiệt tâm hỏa, giải nhiệt. Những người thích vị đắng thường là biểu hiện của tâm hỏa, thường kèm theo các triệu chứng như hồi hộp, mất ngủ, khóe miệng lở loét, đầu lưỡi đỏ.
Thực phẩm đắng chủ yếu là có tính hàn. Thích ăn đắng lâu ngày không chỉ tổn thương tâm khí, mà còn làm trầm trọng thêm các triệu chứng tỳ vị hư hàn như ăn không ngon, lạnh bụng, đau bụng, tiêu chảy. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc thường xuyên ăn đồ có vị đắng, uống trà lạnh cũng có thể gây ra các bệnh về xương khớp.
Thích vị ngọt: Tổn thương tỳ vị
Vị ngọt vào tỳ, vị ngọt có tác dụng bổ tỳ vị. Những người nghiện vị ngọt thường xuất hiện chứng tỳ hư, đa số bệnh nhân mắc bệnh tỳ vị đều nghiện vị ngọt. Vị này sẽ càng làm tổn thương lá lách và dạ dày. Đối với bệnh nhân đang bị viêm loét sẽ kích thích dạ dày tiết nhiều axit, làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Ngoài ra, nghiện vị ngọt còn có thể gây sâu răng, tiểu đường, béo phì và tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp.
Nên chọn các loại ngũ cốc, trái cây, rau củ ít đường, có vị ngọt dịu như khoai mỡ, củ sen, bí đỏ, khoai lang, ngô, các loại đậu, thanh trà, dứa, kiwi… Thường có thể dùng cháo đậu xanh lá sen, canh rau củ, khoai từ luộc thay món tráng miệng.
Thích vị cay: Hao tổn khí
Vị cay đi vào phổi, vị cay có thể giải biểu (có tác dụng làm ra mồ hôi), hành khí (có tác dụng thúc đẩy khí huyết lưu thông), điều hòa khí huyết. Ví dụ như ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) có nhiều núi cao trùng điệp, dễ mắc chướng khí. Vì thế, người ở địa phương này thích ăn cay, để lưu thông khí huyết, thải chướng khí. Những người bệnh phổi thích ăn cay, thường là một loại lựa chọn tự nhiên dựa trên nhu cầu sinh lý để khai thông khí phổi và hóa giải các chứng bệnh. Về lâu dài, ăn quá nhiều đồ cay có thể khiến khí phổi phát ra quá nhiều, khí cơ tiêu tán, hao mòn tinh thần, khiến người mệt mỏi.
Cho vào món ăn thường ngày một ít gừng tươi, ớt, hành lá, tỏi… các loại đồ cay làm gia vị, có thể cải thiện khẩu vị, nhưng phải có chừng mực, để tránh kích thích dạ dày.
Thích vị mặn: Tổn hại thận
Vị mặn đi vào thận, vị mặn vừa phải có tác dụng bổ thận. Người ở vùng lạnh thường thích ăn mặn. Điều này cũng liên quan đến việc ăn mặn có thể bổ thận, chuyển hóa thành dương khí để chống lạnh, tăng cường khả năng chống lạnh của cơ thể. Thích ăn mặn lâu ngày sẽ làm tổn thương thận, còn có thể gây ra bệnh cao huyết áp, bệnh tim, hen suyễn, bệnh thận mãn tính v.v. Bạn nên chú ý giảm lượng muối trong món ăn.
Khẩu vị của một người không chỉ thể hiện thói quen ăn uống mà còn cho thấy tình trạng sức khỏe của các cơ quan trong cơ thể. Do đó, chúng ta nên chú ý ăn uống cân bằng để giữ gìn sức khỏe của mình.
Theo Vision Times