Ngoài việc giúp giải phóng dopamine khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu, âm nhạc còn có khả năng cải thiện trí nhớ của não bộ, giảm lo lắng căng thẳng và giúp chúng ta tập trung hơn.
Âm nhạc giúp giảm lo lắng căng thẳng
Theo một báo cáo gần đây của trang web Khoa học “livescience” của Mỹ, nhiều người nghe nhạc trong khi làm việc, hoặc nghe nhạc trong phòng tập thể dục, và một số người chỉ đơn giản là thưởng thức âm nhạc một cách toàn tâm toàn ý. Nhưng âm nhạc ảnh hưởng đến não bộ như thế nào?
Desiree Silverstone, một nhà trị liệu tâm lý ở London, nói với Livescience: “Khi bạn nghe một bài hát, vỏ não thính giác là phần não xử lý âm thanh sẽ được kích hoạt. Đồng thời, các phần khác của não bộ cũng sẽ hoạt động tích cực, bao gồm hệ thống limbic chịu trách nhiệm về cảm xúc và vỏ não vận động chịu trách nhiệm điều khiển các chuyển động”.
Silverstone chia sẻ rằng, khi nhiều vùng não được kích hoạt, chúng ta bắt đầu cảm nhận được tác động của âm nhạc đối với mình. Ví dụ: nếu lúc này bạn đang nghe nhạc có nhịp độ nhanh, bạn có thể cảm thấy rằng mình trở nên nhạy bén và tràn đầy năng lượng hơn. Nếu bạn nghe nhạc thư giãn, bạn có thể cảm thấy bình tĩnh và thư thái hơn.
Âm nhạc giúp ghi nhớ thông tin
Đôi khi, mọi người thấy rằng giai điệu của một bài hát đang vang lên trong đầu họ vô số lần, nhưng họ không thể nhớ mình đã làm gì vào cuối tuần này. Bởi vì tác dụng của âm nhạc không chỉ là chỉ là lấp đầy khoảng trống về thời gian. Trong một nghiên cứu năm 2008 được công bố trên tạp chí “Năng lực cảm giác và kỹ năng vận động”, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bản thân nhịp điệu có thể “giúp chúng ta nhớ lại”, dù có hoặc không có giai điệu. Tức là nghe nhạc có thể giúp chúng ta ghi nhớ một số thông tin.
Ngoài ra, một nghiên cứu khác được công bố vào năm 2010 trên tạp chí “Năng lực cảm giác và kỹ năng vận động” đã chỉ ra rằng âm nhạc bên cạnh việc cải thiện trí nhớ thì có thể tăng cường các chức năng nhận thức của chúng ta. Nghiên cứu này đã mời 56 sinh viên nam và nữ nghe các bản nhạc giao hưởng của Mozart, đồng thời hoàn thành các nhiệm vụ xử lý ngôn ngữ và không gian. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, nhạc nền có thể cải thiện khả năng phân biệt hình dạng, hoa văn và vị trí của đồ vật, đồng thời có thể cải thiện độ chính xác của quá trình xử lý văn bản.
Một nghiên cứu năm 2007 được công bố trên tạp chí “Nghiên cứu lâm sàng và thử nghiệm về lão hóa” đã báo cáo rằng, sự cải thiện chức năng não bộ của chúng ta có thể được giải thích bằng “giả thuyết kích thích và tâm trạng”. Giả thuyết này cho rằng âm nhạc làm tăng sự kích thích hoặc độ nhạy của não bộ và giúp chúng ta ở trạng thái trí nhớ tốt nhất. Đặc biệt, nhạc nền giải trí có thể làm cho nhiệm vụ học tập trở nên thú vị hơn. Bởi vậy, làm tăng hứng thú tổng thể của người học.
Âm nhạc giúp cải thiện bệnh trầm cảm
Theo một bài báo năm 2017 đăng trên tạp chí “Tâm lý học ứng dụng”, âm nhạc cũng có thể hữu ích trong việc giảm các triệu chứng trầm cảm. Trong số 28 nghiên cứu mà các nhà nghiên cứu đã phân tích, có 26 nghiên cứu cho thấy nhóm nghe nhạc đã cải thiện đáng kể các triệu chứng bệnh trầm cảm theo thời gian so với nhóm đối chứng không nghe nhạc. Đặc biệt đối với những người cao tuổi mắc bệnh trầm cảm, nếu không có bệnh cụ thể nào khác thì liệu pháp âm nhạc có thể cải thiện đáng kể tình trạng của họ. Liệu pháp âm nhạc liên quan đến việc nghe nhạc, diễn tấu, sáng tác hoặc tham gia vào các hoạt động liên quan đến âm nhạc.
Theo nhà trị liệu tâm lý Jordan Vias Lee, nghe nhạc lạc quan và vui tươi có thể giúp kích hoạt mạng lưới thần kinh lưu trữ những ký ức cá nhân một cách tích cực. Ông nói: “Những loại ký ức này đã bị chôn vùi khi mọi người mắc chứng trầm cảm. Do đó, cần có âm nhạc để tháo gỡ những nút tắt trong tinh thần, cũng như kích phát khả năng giải quyết vấn đề và hành vi theo hướng tích cực của người đó”.
Không chỉ giúp não bộ giảm căng thẳng, tăng khả năng ghi nhớ, chữa bệnh, từ xưa cổ nhân đã tin rằng âm nhạc có sức mạnh giáo hóa và có thể chính lại đạo đức của con người.
Theo Sound of hope