Nhân sinh cảm ngộ

Sự im lặng của người tốt

14/09/22, 08:18
Sự im lặng của người tốt
Lòng tốt đôi khi diễn ra trong im lặng (ảnh: Aboluowang).

Người tốt xung quanh ta có nhiều nhưng lòng tốt của họ nhiều khi là diễn ra trong sự im lặng. Liệu chúng ta có biết để trân trọng?

Chiếc ghế không có chủ – sự im lặng của người tốt

Vào một dịp nghỉ tết nọ, trên chuyến tàu từ Hàng Châu đến Thành Đô (Trung Quốc), lượng khách đông tới mức vượt quá lượng ghế.

Một cụ già ngồi bên cửa sổ đang chia sẻ sự may mắn của mình với người bên cạnh. Hóa ra ông mua vé không bao gồm chỗ ngồi, nhưng đến khi lên tàu lại chiếm được một cái ghế. Ông không ngờ cho tới lúc tàu chạy vẫn không có vị khách nào tới lấy chỗ.

Sự im lặng của người tốt
Cô gái nhường ghế cho ông già (ảnh: Lovepik).

Có một số người chen chúc nhau trên lối đi cạnh chỗ ngồi của ông già. Trong đó có một cô gái gầy gò, trông khoảng trên dưới 20 tuổi. Cô bị những hành khách qua lại chen chúc xô đẩy đến tội nghiệp.

Nhìn thấy tình cảnh này, ông lão ân cần hỏi: Con gái, trông con đứng vậy tội nghiệp quá, con nên đến sớm lên tàu giống ta đây này. Con xuống ga nào?

Cháu không sao đâu ông ạ. Cháu xuống Kinh Môn.

Thì phải đến chiều mai mới tới nơi, xa như vậy cứ đứng mãi làm sao được? – Ông lão lắc đầu tỏ vẻ lo lắng.

Dạ, cháu cảm ơn ông – Cô gái ngọt ngào trả lời, vẻ mặt đầy sự cảm kích. 

Một lúc sau, nhân viên trên tàu bắt đầu soát vé. Người soát vé nhìn vào tấm vé của cô gái và hỏi một cách ngạc nhiên: Vé của em chẳng phải có ghi rõ ghế ngồi mà? Sao em không vào chỗ ngồi?

Cô gái mỉm cười nhìn về phía ông cụ và nói nhỏ: Ông cụ hơn 70 tuổi rồi, đứng suốt cả quãng đường sẽ không chịu nổi mất.

Sự im lặng của người tốt

Người soát vé có vẻ khó hiểu:

Em không nói với ông ấy à? Ông cụ không biết ngồi chỗ của em à?

Sao em có thể mở miệng nói được ạ? Ông cụ biết sẽ không ngồi nữa – Cô gái mím môi, chớp mắt.

Người soát vé quay lại nhìn ông già đang say ngủ, rồi đưa vé cho cô gái. Anh nói nhỏ: Đi với anh tới chỗ nhà ăn, anh tìm chỗ ngồi cho em.

Sự im lặng của người tốt
Nhường ghế cho người già là một văn hoá tốt đẹp (ảnh: Viez).

Vài người trước mặt nghe thấy, liền nhường đường cho cô gái một cách thán phục. Cô gái cúi xuống và lấy nạng ra khỏi gầm ghế. Cô ấy còn đang bị đau ở chân. Những người đang cảm động bởi câu chuyện của cô lại có cảm giác như bị một thứ gì đó đánh trúng, trong lòng càng thêm xúc động.

Lòng tốt của cô gái thật là cảm động. Một người sẵn lòng giúp đỡ người khác như cô gái cũng lại là tự tạo thuận lợi cho bản thân mình.

Lòng tốt chân chính

Làm người lương thiện không dễ dàng. Nhưng, vẫn có rất nhiều người họ có thể yêu thương người khác như thể họ chưa từng bị ai đó làm tổn thương. Sống trên đời, liệu có người nào chưa từng bị tổn thương chăng?

Lòng tốt thầm lặng
Giúp đỡ cụ già vô gia cư (ảnh: Trithuc).

Con người vốn dĩ có rất nhiều lý do để trở nên xấu. Nhưng vẫn có người giữ vững nguyên tắc “thiện lương” của mình. Cũng có người cho rằng đó là một sự cố chấp. Thực ra, những hành động lương thiện chân chính là xuất phát từ niềm tin sâu sắc vào luật nhân quả.

Có một triết gia nổi tiếng đã nói: “Chúng ta kiên trì với một sự việc, không phải vì chúng ta làm như vậy sẽ có hiệu quả, mà bởi vì chúng ta tin chắc rằng làm điều đó là đúng đắn”.

Có lẽ khi mỗi người chúng ta sẵn sàng ghé vai gánh chịu trách nhiệm, như vậy người tốt sẽ không phải chịu thiệt thòi. Giống như cô gái nhường ghế cho ông lão và sau đó được người soát vé tìm cho cô một chỗ ngồi khác.

Vội vàng trách móc thường đi kèm sự hối hận

Trên trang mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, một cô gái đăng dòng trạng thái: “Nếu sắp tới không được trả lời khi gọi đồ ăn bên ngoài, các bạn hãy nhớ kiểm tra tin nhắn. Đừng vội mất bình tĩnh như tôi. Cũng đừng vì thời gian giao hàng hơi muộn mà tùy tiện đánh giá người giao hàng làm việc kém. Vì người giao hàng có thể bị điếc”.

Lòng tốt thầm lặng
Cô gái trách nhầm người giao hàng (ảnh: tổng hợp trên Internet).

Đọc những dòng trên, chúng ta có thể thấy. Cô gái vô cùng áy náy, hổ thẹn khi bản thân lỡ làm tổn thương một người dựa vào sức lao động chân chính để kiếm sống. Vì vậy, cô đã đăng lời xin lỗi trên mạng và muốn nhiều người biết rằng cuộc sống của mỗi người đều không hề dễ dàng.

Thế nào là người cao quý?

Nhiều người trong chúng ta có thể đã từng đặt câu hỏi: “Liệu thế giới của chúng ta có thể tốt đẹp hơn không?

Câu trả lời là có. Nếu hôm nay, chúng ta sẵn sàng nói lời cảm ơn với những người mưu sinh bằng ngành nghề chân chính, để họ cảm thấy thế giới không quá lạnh nhạt, hờ hững. Khi ai đó nhận được lời cảm kích từ người khác, hay cảm nhận được sự che chở từ mọi người xung quanh, họ sẽ cảm thấy cuộc sống này thật có ý nghĩa. Và rồi bản thân họ sẽ sẵn lòng giúp đỡ người khác.

Vui vẻ, thân thiện với người già
Vui vẻ, thân thiện với người già (ảnh: Giadinhmoi).

Nếu chúng ta sẵn sàng xin lỗi vì tính khí không tốt của mình, sẵn lòng cho người từng bị ta làm tổn thương biết ta đã ân hận thế nào và nói rằng một người tốt như họ thật đáng trân trọng. Chỉ một câu nói xuất phát từ trong đáy lòng cũng có thể giúp cho những gánh nặng được nhẹ bớt. Chỉ một câu nói ấm áp cũng có thể mang lại mùa xuân, xua đi mùa đông lạnh lẽo.

Xung quanh chúng ta lúc nào cũng có người tốt, có điều nhiều khi điều tốt đó diễn ra trong im lặng. Khi một người biết yêu thương người khác, họ sẽ nhận được sự yêu thương trở lại.

Theo Aboluo Wang

x