Nhân sinh cảm ngộ

8 nỗi khổ đời người để biết giá trị của hạnh phúc

17/05/22, 07:27
nỗi khổ đời người
Sự lưu luyến, không muốn rời xa cõi trần của con người ta lúc cận kề cái chết mới chính là nỗi đau khổ lớn nhất (ảnh: Pexels).

Sinh, lão, bệnh, tử, yêu thương, oán hận, chia lìa… là những nỗi khổ đời người mà ai rồi cũng trải qua để biết trân trọng giá trị của hạnh phúc.

Đời người, niềm vui và nỗi buồn luôn song hành tồn tại, ai cũng phải trải qua, không hề có ngoại lệ. Vậy đâu mới là những nỗi khổ lớn nhất của chúng ta?

1. Sinh – trầm luân nỗi khổ đời người

Nhà Phật cho rằng thế giới thực tại là khổ. Chúng ta sinh sống trên thế gian, bản thân là khổ. Sống sống, chết chết, vòng luân hồi ấy không biết lúc nào mới kết thúc?

Người ta có thân người này chính là đã phải chịu trầm luân trong bể khổ tưởng như vô bờ. Cho nên, con người khi hạ sinh, lần đầu tiên cất tiếng chính là tiếng khóc. Sau này trong cuộc đời cũng vậy, tiếng khóc thể hiện cho sự buồn khổ, bi thương.

2. Lão – đời người như bóng câu qua cửa sổ

Tuổi thanh xuân của mỗi người đều nhanh chóng trôi qua. Người ta nói, đời người như bóng câu vút qua cửa sổ. Con ngựa đang sung sức, kéo chiếc xe chạy vun vút trên đường, lướt qua cửa sổ thì đúng là chỉ trong tích tắc.

nỗi khổ đời người
Người ta nói, đời người như bóng câu vút qua cửa sổ (ảnh minh họa pinterest).

Lý Bạch cũng từng viết đôi câu thơ nói về cái ám ảnh già cỗi này:

“Thềm cao gương soi đầu tóc bạc

Sáng như tơ xanh chiều tựa tuyết”

Ai rồi cũng phải già đi tuy mỗi ngày ta không nhìn thấy mình đang lão hóa. Đó là một nỗi khổ khó nói nên lời. Con người bình thường không cách nào có thể khống chế điều này, mỗi khi nhìn lại thấy thêm một sợi tóc bạc thì trong tâm sẽ phảng phất một nỗi buồn thương.

3. Bệnh – nỗi khổ đời người lớn nhất

Người xưa nói, trời không đo được gió và mây, người sớm tối có họa phúc, không thể dự liệu. Bệnh tật là nỗi khổ lớn của đời người, ai ai cũng sẽ phải trải qua. Ngày hôm nay khỏe mạnh, nhanh nhẹn nhưng ngày mai có thể đau đớn, lìa đời chẳng hay.

Bệnh cũng là một biểu hiện của nghiệp lực. Có thể là nghiệp lực từ đời này truyền tới đời khác do tổ tiên để lại, có thể nghiệp trong chính đời này của mỗi người. Vì con người cần tiêu nghiệp nên mới sinh ra để chịu khổ. Đây là quy luật của sinh mệnh, muốn thoát cũng khó.

4. Tử (cái chết) – đau đớn ở sự lưu luyến

Phật gia cho rằng, chết là không đáng sợ như con người vẫn tưởng tượng. Bởi vì họ cho rằng, cái chết là khởi đầu của một sinh mạng mới. Luân hồi là để một sinh mệnh mới được ra đời.

Nhưng chính sự lưu luyến, không muốn rời xa cõi trần của con người ta lúc cận kề cái chết mới chính là nỗi đau khổ lớn nhất. Do vậy, nhiều người chúng ta sợ đau, sợ đói, sợ lạnh…thực ra đều là biểu hiện của sợ chết.

5. Yêu thương phải chia lìa

Yêu thương là bản năng của con người. Nam nữ đến với nhau chính là sự xuất phát từ sự dung hợp của âm dương, trời đất.

nỗi khổ đời người
Càng yêu thương nhiều khi chia li càng đau khổ (ảnh Pinterest)

Nhưng chính sự yêu thương cũng bao hàm thống khổ. Bởi vì con người một khi yêu thương sẽ khó chấp nhận sự phân ly, chia cách, sẽ càng trở nên ích kỷ hơn. Bởi thế người ta đã phải thốt lên: “Hỏi thế gian tình ái là chi, mà cho đôi lứa thề nguyền sống chết?“.

6. Oán hận lâu dài

Yêu thương và oán hận chính là hai mặt của cuộc sống con người. Nhưng kể ra một đời người yêu thương chẳng được bao nhiêu còn oán hận thì dường như chất chồng. Vậy mà chẳng mấy ai hiểu được rằng, oán hận người khác bao nhiêu thì bản thân mình sẽ tổn thương bấy nhiêu.

Yêu thương quá cũng khiến người ta càng trở nên oán hận hơn. Yêu sâu nặng thì oán hận cũng càng mãnh liệt. Đam mê và dục vọng cũng chính là nguyên nhân của oán hận. Vậy nên, yêu thương là nguồn gốc của oán hận, yêu càng nhiều, oán hận càng sâu.

7. Cầu mà không được

Phật gia cho rằng, dục vọng của con người giống như một sợi dây cao su kéo căng. Một khi tìm không được điều mình đang truy cầu thì sẽ bật ngược trở lại, bắn vào mình tự làm tổn thương, từ đó mà thống khổ.

Càng truy cầu nhiều thì người ta càng thống khổ. Bởi vì những thứ người ta mong cầu là vô cùng nhiều nhưng những thứ đạt được lại chỉ là hữu hạn.

Người ta không phải cứ muốn mà được, cứ truy cầu rồi có. Tất cả đều phải dựa vào phúc báo của bản thân mới có được. Nhưng một khi truy cầu không được, người ta sẽ dám làm nhiều việc xấu để đạt được mục đích. Khi càng bị tổn thương, người ta càng rơi vào thống khổ.

8. Bị mê lạc bởi những điều thấy được

Con người thường rất dễ bị mê lạc bởi những thứ vật chất, hình tượng, sự vật mà họ nghe thấy, nhìn thấy, gặp phải, cảm nhận được. Đó chính là ngọn nguồn của sự thống khổ.

Chính là người ta bị huyễn tượng, giả tướng, những điều hư ảo bề ngoài mê hoặc. Những biểu hiện bên ngoài ấy vốn không phải bản chất của sự vật, hiện tượng. Nếu cứ bị hãm sâu vào trong đó, người ta sẽ như chìm vào cõi mê mờ, không cách nào thoát ra.

Điều này xuất phát từ quan niệm “thấy mới tin, không thấy không tin”. Kỳ thực, những gì chúng ta thấy bằng con mắt thường là điều quá ít ỏi. Chỉ có thay đổi quan niệm của bản thân theo lối cũ mới có thể nhìn thấy được chân tướng của sự vật.

Buông bỏ chấp trước, sống thiện lương bước qua nỗi khổ đời người

“Sinh, lão, bệnh, tử” là quy luật tự nhiên, mỗi người đều phải trải qua trong đời. Sinh ra là người thì phải chịu sự chi phối của nó. Vậy nên chỉ có thể dùng tâm thái thản nhiên mà tiếp nhận. Khi có thể lạc quan, xả bỏ sự sợ hãi, cuộc sống của bạn sẽ trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều!

Đức Phật lấy loài chim để ví với 4 loại người tu hành
Khi có thể lạc quan, xả bỏ sự sợ hãi, cuộc sống của bạn sẽ trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều (ảnh: Pinterest).

Yêu thương hay ly biệt cũng là việc mà bạn sẽ thường xuyên phải đối diện trong cuộc đời này. Thân nhân chia lìa, bạn bè ly biệt đều là những chuyện khiến con người thống khổ nhưng lại đều là điều hiển nhiên trong cuộc sống, không sao tránh được. Thế thì chi bằng bạn hãy biến khoảng thời gian ở bên nhau trở nên ý nghĩa hơn để sau này không còn phải tiếc nuối?

Cuộc sống của mỗi người đều khó có thể hoàn mỹ nhưng cũng không phải hoàn toàn là bi thảm. Có thể điều chỉnh tốt tâm thái của mình, vui vẻ sống, biết rõ điều gì nên giữ, điều gì nên buông chắc chắn rằng cuộc sống của bạn sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều!

Hãy yêu thương nhiều hơn, trân trọng những gì hiện tại đang có; có trải qua những nỗi khổ đời người bạn sẽ biết giá trị của cuộc sống này.

Theo Petrolimex

x