Hầu hết mọi người đều gặp khó khăn khi phải nghe những lời chỉ trích từ người khác, đặc biệt là những lời chỉ trích làm tổn thương lòng tự trọng,
- Thành bại của đời người chỉ bởi một chữ “độ”
- Người thực sự ưu tú luôn khiến cho người khác cảm thấy thoải mái
Sue Shellenbarger, nhà báo chuyên mục của Tạp chí Phố Wall đã chỉ ra rằng, khi người khác chỉ trích bạn, đó là cơ hội tốt để bạn chuyển những lời chỉ trích tiêu cực thành suy nghĩ tích cực. Đây là một kỹ năng khó, nó đòi hỏi sự luyện tập; tâm thái khiêm tốn và khả năng nhận thức chính mình. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người học hỏi và trưởng thành từ những lời chỉ trích thì thường sáng tạo và giao tiếp tốt hơn; giá trị bản thân cũng được nâng cao hơn.
Theo Douglas Stone, một giảng viên tại Đại học Harvard, có ba kiểu chỉ trích mà người bình thường cảm thấy khó chịu nhất. Một là người nghe cảm thấy lời chỉ trích không công bằng; hai là người nghe không thích hoặc không tôn trọng người chỉ trích; ba là lòng tự trọng của người nghe bị tổn thương nghiêm trọng.
Nội dung chính
Cảm thấy lời chỉ trích không công bằng
Khi nói đến ‘cảm giác của người nghe’, có người thường hiểu sai lời góp ý của đối phương và cho đó là một sự công kích cá nhân cực kỳ nghiêm trọng. Stone gợi ý rằng, mọi người hãy nghĩ ngay đến hai điểm khi họ bị chỉ trích: Một là “đối phương đang muốn nói cái gì?” Hai là “đối phương đang không muốn nói cái gì?”
Ông Stone nói về một kinh nghiệm của cá nhân: Trong một cuộc họp mà ông tham dự trước đây, một khách hàng đã ném một bản báo cáo mà ông và một nữ đồng nghiệp đã cùng nhau làm lên bàn và nói: “Đây đúng là thứ rác rưởi!”. Stone lập tức trầm xuống.
Điều không ngờ là nữ đồng nghiệp của ông đã bình tĩnh nói với khách: “Khi anh nói những thứ này là rác rưởi, anh có thể nói cụ thể hơn một chút không? Anh đang muốn nói đến cái gì?” Kết quả là câu trả lời của cô ấy đã làm dấy lên một cuộc thảo luận kéo dài 2 giờ để giải quyết hiểu lầm của bên kia.
Câu trả lời của người đồng nghiệp “anh đang muốn nói đến cái gì?”, dùng câu hỏi “cái gì?”, chứ không phải là “tại sao?”. Nghiên cứu của các chuyên gia đã chỉ ra rằng, câu hỏi “cái gì” thường dẫn đến những thông tin hữu ích hơn; có thể đẩy mạnh sự kết nối của hai bên. Trong khi câu hỏi “tại sao” thường dễ khiến cho đối phương sản sinh tâm bất mãn; gây trở ngại cho cuộc trò chuyện.
Không thích người góp ý
Nói chung, khi cấp trên không được cấp dưới tôn trọng thì những lời góp ý của họ rất có thể bị từ chối. Ví dụ như một trường hợp sau, sau khi Lori Kleiman, một chuyên gia nhân sự ở Chicago, có vài cuộc điện với một khách hàng và ký hợp đồng, quản lý công ty đã chúc mừng cô qua điện thoại và sau đó đưa ra nhận xét: Cô Kleiman đã sử dụng từ ‘giống như’ quá nhiều khi nói chuyện với khách hàng.
Bởi vì Kleiman cảm thấy rằng người quản lý thường lấy năng lực chuyên môn cao của bản thân mà làm cho cô khó xử; vậy nên cô đã rất tức giận sau khi nghe xong. Lúc đầu cô hoàn toàn phớt lờ lời góp ý của người quản lý; nhưng sau một hồi suy nghĩ thì cuối cùng cô cũng nhận ra rằng người quản lý đã đúng. Từ đó cô cẩn thận hơn trong việc lựa chọn từ ngữ khi nói; thói quen nói quá nhiều từ ‘giống như’ cũng được sửa lại.
Quả thực, nếu bạn có thể thoát khỏi thành kiến với những người góp ý; phản ứng một cách hợp lý và cải thiện bản thân, bạn sẽ có được những thành quả bất ngờ.
Lòng tự trọng bị tổn thương
Trong một cuộc họp, khi cấp trên hoặc đồng nghiệp chỉ trích bạn và lòng tự trọng của bạn bị tổn thương, bạn làm thế nào để kiểm soát cảm xúc của mình? Brad Karsh, chủ tịch JB Training Solutions, một công ty tư vấn ở Chicago, khuyên rằng trong những tình huống như thế này, đừng tức giận và làm ầm lên; chỉ cần gật đầu và tiếp tục mỉm cười. Sau đó lại cảm ơn những lời góp ý của họ, nói rằng lúc đó trước mặt mọi người không tiện trả lời; và hỏi xem có thể hẹn khi khác để nói chuyện riêng được không.
Lại có một ví dụ khác, cố vấn sản xuất Miller đã tổ chức một cuộc họp lập kế hoạch nhóm không chính thức vào đêm trước cuộc họp nhân viên. Mặc dù họp nhóm rất hiệu quả nhưng lại bị sếp khiển trách; vì sếp quy định không được tổ chức họp nhóm trước khi diễn ra cuộc họp nhân viên. Miller không nói lời nào lúc đó nhưng trong lòng lại vô cùng tức giận.
Sau đó, cuối cùng ông cũng hiểu ra: Vấn đề không phải là ông làm việc này, mà là vì ông chủ không cho phép. Vì vậy ông đã gọi điện và xin lỗi ông chủ. Ông Miller nhận ra rằng, dù cho một số lời góp ý chỉ bộc lộ một chút suy nghĩ của người góp ý, nhưng chúng đều mang những ý nghĩa sâu sắc. Trước khi bác bỏ những lời chỉ trích, hãy tự hỏi bản thân: “Tôi đã học được gì từ điều này?”
Trường thành từ những lời chỉ trích
Như có câu “thuốc đắng dã tật”, mặc dù những lời chỉ trích từ người khác mang đến cho chúng ta nhiều điều bất bình, thậm chí là nỗi đau xuyên thấu, nhưng những lời chỉ trích thường sẽ giúp cho chúng ta trưởng thành.
Chúng ta nên đối mặt với những lời chỉ trích một cách tích cực, kiềm chế cảm xúc và thay đổi những quan niệm cố chấp của bản thân.
Theo Epoch Times
Xem thêm video: