Trẻ thơ thường yêu thích hình ảnh bà tiên trong các câu chuyện cổ tích. Bà tiên rất hiền hậu và mang đến điều tốt đẹp cho những ai gặp bà. Tôi đã gặp bà tiên ngoài đời thường. Và tôi kể cho bạn nghe về “bà tiên” ấy.
- Sống lương thiện là một sự lựa chọn sáng suốt
- Mỗi con người sinh ra đều có bản tính lương thiện
- Phụ nữ hạnh phúc là người biết thuận theo tự nhiên
Nội dung chính
Tuổi thơ cơ cực
Cô bé ấy tên là Đỗ Thị Lành, sinh năm 1922 ở Quảng Ninh. Em vừa chào đời thì ba đã mất. Mẹ nuôi em đến năm em lên 7 tuổi thì mẹ đi lấy chồng. Em được đưa về nhà chú ruột và ở đó làm giúp việc. Chú thương em nhưng thím lại là người có quyền trong gia đình. Thím chỉ coi em như đứa ở đợ, không hơn.
Ở tuổi của em, các con của chú thì hồn nhiên chơi đùa và đi học. Còn cô bé Lành sáng dậy sớm thổi cơm, giặt quần áo, giã gạo, dọn nhà cửa rồi đi chăn trâu. Đến bữa cơm cả nhà chú quây quần bên mâm cơm vui vẻ. Cô bé Lành lủi thủi xuống góc bếp ăn xuất riêng của mình mà thím quy định, là cơm đỏ với muối. Lành ước ao giá mà có bà tiên ban cho em sự ấm áp.
Tuổi thơ của em không biết chữ, làm bạn với chú trâu, không bố mẹ thương. Có lần, em bị chảy máu mũi, vì không ai bảo nên em mang bát ra hứng cho đến khi máu ngừng chảy. Có hôm đi chăn trâu, buồn ngủ quá, em gục mặt vào lưng trâu ngủ. Cũng may, chú trâu ngoan cõng em về đến cổng nhà. Cổng ngày đó thấp lắm, chú trâu bước vào thì người em đập vào đỉnh cổng và rơi xuống, em tỉnh giấc. Cả ngày làm lụng, tối đến dọn dẹp xong, thím gọi em vào đấm bóp lưng, em buồn ngủ quá gật gù, bị thím véo vào người. Cứ như vậy em lầm lũi lớn lên, với tâm hồn lương thiện và không than trách.
Ngã rẽ tối tăm
Năm em 20 tuổi, em đã trở thành cô thiếu nữ vừa đảm đang lại ngoan hiền. Có người mối lái và nhà nội gả cô đi lấy chồng. Thời đó chiến tranh loạn lạc, thanh niên đều đi bộ đội. Cô chân ướt chân ráo về nhà chồng thì chồng nhập ngũ. Cô ở nhà làm lụng và chăm nom bố mẹ chồng. Bố chồng cô là người gia trưởng, ông không vừa ý điều gì thì trói cô vào gốc cây, lấy roi vụt. Cuộc đời cô đã khổ vì thiếu thốn tình thương, ngã rẽ này lại thêm nghiệt ngã.
Cứ vậy được gần 1 năm thì cô nhận tin dữ: chồng cô bị giặc bắt giết. Và chúng đã chặt xác thả trôi sông. Cô đau đớn muôn phần mà chẳng biết kêu ai. Bố mẹ chồng thấy cô còn trẻ mà chưa con cái nên họ đưa cô về nhà bà nội cô. Tuy vậy cô vẫn đi lại quan tâm đến bố mẹ chồng. Sau này tuy lấy chồng nữa, cô vẫn theo giỗ tết bên nhà chồng cũ. Có lúc cô mơ ước bà tiên sẽ xuất hiện giúp cô bớt khổ.
Số phận bi thương
Năm 26 tuổi, Lành theo người họ hàng ra Hải Phòng sinh sống. Tại đây cô kết duyên với người chồng thứ 2. Chồng cô là con út trong gia đình 10 anh chị em. Anh làm công nhân hầm lò, đi sớm về tối. Lành vốn quen với nếp sống ấm tình làng xóm ở quê. Nếp sống phố xá cũng xa cách hơn, cô mong mỏi có con để cuộc sống thêm ấm áp. Nhưng cuộc đời thường lắm chông gai.
Cô sinh 2 người con đầu đều mất vì bệnh tiêu chảy (ngày đó chưa có thuốc chữa). Đau khổ muôn phần, cô nuốt nước mắt vào trong. Đến năm cô 36 tuổi cô mới sinh được một bé gái khỏe khoắn. Mấy năm sau cô lại sinh được cậu con trai. Trong niềm vui hạnh phúc của mẹ, 2 em bé nhà cô cũng lần lượt được đặt tên là Hạnh và Phúc. Từ đây, cô đã có con để ôm ấp, bù đắp lại khoảng trống tinh thần mà từ bé thơ cô đã phải chịu đựng.
Dân gian có câu: “niềm vui ngắn chẳng tày gang” hay “phúc bất trùng lại, họa vô đơn chí”. Chồng cô đi làm bị sập hầm lò. Khi anh được lôi ra thì đã rất yếu. Sau điều trị y tế, anh đã sống lại nhưng mang theo người căn bệnh thần kinh. Từ đó Lành ngoài nuôi con thì lại phải chăm chồng. Lúc này những anh chị ruột bên nhà chồng cũng già yếu hoặc mất, các cháu cũng không quan tâm. Cô Lành dắt 2 con và chồng về quê cô sinh sống. Xóm làng cho mảnh đất, họ hàng giúp dựng nhà, cô làm lụng nuôi chồng và 2 con.
Trong gian khó vẫn không quên làm người lương thiện
Vất vả khó nhọc là thế nhưng sâu thẳm trong suy nghĩ của cô Lành, cô vẫn luôn biết ơn ông Trời đã cho cô một gia đình. Bé Hạnh là chị nên rất nhanh nhẹn tháo vát, giúp mẹ làm mọi việc. Bé Phúc hiền lành, vì là út nên em vụng hơn chị.
Cô Lành thi thoảng thủ thỉ với con gái về cuộc đời của mình. Bé Hạnh thương mẹ, cái gì em cũng biết làm. Có lúc Hạnh chống cằm, suy tư hỏi mẹ: “Mẹ có hận bà thím với ông bố chồng cũ không, mẹ có thấy oan ức không, sao đời mẹ khổ vậy?”. Cô Lành ôm con bảo: “Mẹ biết ơn bà thím vì đã nuôi mẹ nếu không mẹ thành trẻ mồ côi, bố chồng cũ của mẹ cũng khổ con ạ”. Một lúc cô Lành nói: “Đời này mẹ khổ, mẹ sống thiện lành để phúc cho các con”.
Cô Lành cũng hiền lành như cái tên của cô. Cô đối với bà con chòm xóm luôn kính trên nhường dưới, lấy Thiện đãi người, ai khó khăn cô đều giúp đỡ. Sau này các con lớn lên cũng đối đãi với cuộc sống như những gì mẹ dạy. Khi về già những vết chai sạn không hằn lên khuôn mặt mà thay vào đó là nét thánh thiện.
Bà yêu thương mọi người, với ai bà đều dùng lòng thành đối đãi. Bà sống hiền hòa, giản dị cho đến lúc mất đi. Hàng xóm khi kể lại những kỉ niệm về bà người ta thường hoài niệm về một bà lão cả đời cực khổ mà tâm luôn hướng thiện. Bà thật giống bà Tiên tại nhân gian, đó là bà ngoại tôi.