Nhân sinh cảm ngộ

Chủ nghĩa hoàn hảo kỳ thực cũng không hoàn hảo

01/12/21, 08:08
Chủ nghĩa hoàn hảo kỳ thực cũng không hoàn hảo
Người quá cầu toàn cũng dễ dẫn đến những cảm xúc tiêu cực (ảnh minh họa usnews)

Người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường có tính kỷ luật rất cao, nhưng nó cũng dễ dẫn đến những cảm xúc tiêu cực, thậm chí làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường tin rằng làm tốt mọi thứ thì có thể đạt được thành công, sự ngưỡng mộ, thậm chí là tình yêu. Họ tin rằng mọi thứ đều có một giải pháp hoàn hảo và không thể khoan nhượng cho bất cứ điều gì. Thoạt nhìn thì nó có vẻ là động lực để khiến mọi thứ trở nên hoàn hảo, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó có thể trở thành một loại giới hạn bản thân và ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể.

Bạn có phải là người theo chủ nghĩa hoàn hảo?

Một nhà cố vấn từ Đại học Illinois ở Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng, mong muốn hoàn hảo có thể làm giảm sự hài lòng của mọi người đối với bản thân; ngăn cản họ đạt được những mục tiêu thiết thực hơn. Những hành vi có vẻ hoàn hảo của những người theo chủ nghĩa hoàn hảo thực sự lại đang bào mòn những nỗ lực của họ.

người cầu toàn; cầu toàn quá mức; truy cầu sự hoàn hảo
Người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường không hài lòng về mọi thứ xung quanh (ảnh minh họa Adobestock)

Sau đây là những đặc điểm chung của những người theo chủ nghĩa hoàn hảo:

1. Hoàn toàn không chấp nhận ý kiến của số đông.

2. Tin tưởng vào thể chế của tổ chức.

3. Chưa hề công khai biểu hiện bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào của bản thân.

4. Dù là phạm phải lỗi lớn hay nhỏ thì đều sẽ cảm thấy rất bất an.

5. Luôn tự gây phiền toái cho chính mình.

6. Luôn cảm thấy bản thân không bằng người khác.

7. Sau khi sự việc xảy ra thì thường tự phê bình chính mình.

8. Thiết lập giá trị của bản thân dựa trên sự đánh giá của người khác.

9. Không muốn thử nghiệm những điều mới.

10. Quá chú ý đến những khuyết điểm của bản thân.

Chủ nghĩa hoàn hảo làm ảnh hưởng đến sức khỏe

Cầu toàn chủ nghĩa hoàn hảo; Người chủ nghĩa hoàn hảo; Cầu toàn là gì
Người quá cầu toàn thường sẽ bị rơi vào trạng thái căng thẳng (ảnh minh họa reddit)

Petra Wirtz, tiến sĩ Tâm lý học Lâm sàng và Tâm lý trị liệu của Đại học Zurich, Thụy Sĩ, đã thực hiện một nghiên cứu và cho thấy rằng, những người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường dễ bị căng thẳng trong cuộc sống. Người càng cầu toàn thì áp lực tâm lý càng lớn; áp lực tâm lý càng lớn thì hiện tượng ‘suy kiệt sinh khí’ càng nghiêm trọng hơn.

Những người như vậy sẽ dễ bị các vấn đề như trầm cảm, tức giận, lo lắng; có thể dẫn đến căng thẳng hoặc xung đột với gia đình, đối tác và bạn bè. Nó cũng dễ dẫn đến những cảm xúc tiêu cực như mệt mỏi, thiếu kiên nhẫn, thất vọng. Những cảm xúc tiêu cực này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cơ thể.

5 cách để thoát khỏi cái khung của chủ nghĩa hoàn hảo

Không có gì sai khi phấn đấu cho sự hoàn hảo; nhưng khi hạnh phúc là cái giá phải trả thì bạn nên thực hiện một số thay đổi. Sau đây là 5 sách lược được đề xuất bởi các chuyên gia để bạn có thể phá vỡ cái hộp của chủ nghĩa hoàn hảo:

Cầu toàn có tốt không; Cầu toàn quá mức; Cầu toàn trong công việc
Truy cầu hoàn hảo có thể khiến bạn trở nên mệt mỏi (ảnh minh họa boredpanda)

1. Cân nhắc ưu điểm và nhược điểm

Lập danh sách những ưu điểm và nhược điểm của chủ nghĩa hoàn hảo. Sau khi liệt kê bạn sẽ thấy rằng những khuyết điểm vượt xa những ưu điểm; chẳng hạn như mối quan hệ giữa các cá nhân, công việc và sự lo lắng.

2. Thừa nhận mặt tích cực của sự không hoàn hảo

Bạn cần cảnh giác trước sự tự phê bình và tuyệt vọng; đồng thời thay đổi thói quen vạch lá tìm sâu bằng những phương pháp thực tế và hợp lý hơn. Khi bạn thấy rằng bạn đang chỉ trích bản thân vì sự biểu hiện không hoàn hảo, hãy lùi lại một bước và suy nghĩ về điều đó – hãy thừa nhận rằng điều đó cũng có mặt tích cực. Sau đó hãy tự hỏi bản thân: Nó có thực sự tồi tệ như mình nghĩ? Những người khác nghĩ gì về nó? 

Chủ nghĩa hoàn hảo kỳ thực cũng không hoàn hảo
Đôi khi thiếu một chút thì lại là đủ (ảnh minh họa quora)

3. Đừng quá coi trọng kết quả

Tập trung vào quá trình chứ không phải là kết quả. Điều này sẽ cho phép bạn đo lường thành công của mình không chỉ bằng những mục tiêu đã đạt được mà còn cả mức độ bạn thích thú với công việc. Nó cho phép bạn nhận ra rằng quá trình đạt được mục tiêu cũng có giá trị.

4. Học cách đối mặt với những lời phê bình

Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường coi những lời chỉ trích như một cuộc tấn công cá nhân; họ thường phản ứng một cách phòng thủ trước những lời chỉ trích. Hãy học cách đối diện với những lời phê bình một cách khách quan. Nếu ai đó chỉ ra sai lầm cho bạn thì hãy thừa nhận rằng, bạn chỉ là con người nên đương nhiên sẽ mắc sai lầm. Ngoài ra hãy tự hỏi bản thân: Tôi có thể học được gì từ trải nghiệm này?

5. Đừng đặt mục tiêu quá xa vời

Đặt ra những mục tiêu thiết thực hơn. Và bạn sẽ nhận ra rằng kết quả không hoàn hảo cũng không dẫn đến những hậu quả quá tiêu cực giống như bạn hay lo nghĩ. 

Chỉ cần hiểu được những tác động tiêu cực của chủ nghĩa hoàn hảo thì bạn có thể biến trở lực thành trợ lực, và giúp bạn đối diện với cuộc sống cởi mở hơn. 

Theo Epoch Times

x