Chiến thắng người khác bằng sức mạnh là chuyện nhỏ, lấy đức thu phục được người khác mới là chuyện lớn, thắng lợi không bằng đắc nhân tâm.
Nội dung chính
Chu Văn Vương tu sửa đạo đức
Nước Tống vào đầu thời kỳ Xuân Thu, được coi là một cường quốc; còn nước Tào chỉ xem như là một nước nhỏ, nhưng lại không chịu quy phục. Vì vậy Tống Tương Công đã chỉ huy quân đội bao vây nước Tào. Đại thần Tử Ngư nói với Tống Tương Công:
“Chu Văn Vương nghe nói đạo đức của Sùng Quốc hỗn loạn, vì vậy mới dẫn quân tấn công Sùng Quốc; đánh 30 ngày mà Sùng Quốc vẫn không đầu hàng. Chu Văn Vương lui binh trở về nước, tu sửa đạo đức, giáo hóa nhân dân; sau đó lại quay lại tấn công một lần nữa.
Người dân Sùng Quốc cảm nhận được đức hạnh cao thượng của Chu Văn Vương, vì vậy họ đã đến doanh trại của Chu Văn Vương để đầu hàng. Hiện tại đức hạnh của quân vương (chỉ vua Tống Tương Công) e rằng còn có chỗ khiếm khuyết chăng? Nếu cứ cố gắng tấn công nước Tào thì sẽ như thế nào? Chi bằng trước tiên thối lui trở về nước, kiểm tra lại đức hạnh của chính mình. Nếu như xác thực không có khiếm khuyết, như thế lại phát binh tấn công cũng chưa muộn”.
Tống Tương Công liền học biện pháp của Chu Văn Vương, thoái binh trở về nước. Ở trong nước tu sửa chính mình, tuyên dương đạo đức, kính già yêu trẻ.
Lấy đức thu phục người
Về sau nước Tống có chinh phục nước Tào nữa hay không thì trong sử sách không có nói đến; nhưng đây cũng là một chuyện rất thú vị, đạo đức lại có ảnh hưởng lớn như vậy. Đạo đức vừa có thể dẫn khởi chiến tranh, vừa có tác dụng quyết định đến thắng bại của chiến tranh. Sự việc như này được miêu tả ở trong các sách sử như “Tả truyện”, “Quốc ngữ” khá nhiều.
Có một ví dụ nữa được ghi chép trong “Tả truyện”, Tuân Ngô của của nước Tấn dẫn quân tấn công Tiên Ngu, bao vây nước Cổ. Nước Cổ có người âm thầm đi tới liên lạc, muốn mang người ở trong thành ra đầu hàng. Tuân Ngô không chấp nhận. Tùy tùng hai bên đều lên tiếng: “Không sử dụng quân đội mà lấy được thành ấp, như vậy chẳng phải là việc tốt hay sao, vì sao lại không làm?”
Tuân Ngô nói: “Nếu như có người làm phản và mang thành ấp của chúng ta dâng cho địch, chúng ta nhất định sẽ thù hận người đó. Bây giờ có người mang thành ấp đến hàng, chúng ta tại sao lại vui mừng? Ban thưởng cho kẻ phản đồ, vậy thì sau này chúng ta làm sao tạo dựng uy tín được nữa?…
Nếu lực lượng đủ thì tiến công; nếu chưa được thì rút lui, lượng sức mà làm. Chúng ta không nên vì muốn lấy được thành ấp mà tiếp cận với kẻ gian tà; làm như vậy thì chính là làm việc thất đức; làm như vậy thì thiệt hại càng lớn hơn!”
Giúp người dân hiểu đạo nghĩa mới là quan trọng
Tuân Ngô vì vậy mà đã giết kẻ phản bội, chỉnh đốn phòng ngự, tiếp tục bao vây nước Cổ thêm 3 tháng.
Lúc này, nước Cổ lại có người xin đầu hàng. Tuân Ngô để cho người của nước Cổ vào tiếp kiến, rồi nói: “Từ sắc mặt của ngươi, có thể thấy các ngươi vẫn còn lương thực để ăn; tạm thời lui về tu sửa tường thành của các ngươi đi”. Thuộc cấp hai bên lại nói: “Có thể lấy được thành ấp mà không phải chiếm lấy; lại cứ phải làm mệt quân nhân và bách tính, tổn hao vũ khí tài vật, rồi trở về làm sao mà ăn nói với quốc vương?”
Tuân Ngô đáp: “Lấy được thành ấp là việc nhỏ, để cho nhân dân hiểu được đạo nghĩa mới là việc lớn. Lấy được thành ấp mà khiến nhân dân lười biếng, vậy thì lấy được thành ấp có lợi ích gì? Làm sao để vừa lấy được thành ấp, vừa để người dân hiểu được đạo nghĩa, chịu liều chết mà không có tâm ý khác, như vậy không phải là tốt sao?”
Sau đó khi biết được lương thực của nước Cổ đã hết, lực lượng cũng đã dùng cạn, Tuân Ngô mới đánh chiếm nước Cổ, nhưng không giết bất cứ người nào.
Lấy đức thu phục người mới là chiến thắng thực sự
Câu chuyện trên đã nói rõ hai điểm: Một là, bất luận là sự kiện nào trong xã hội (bao gồm cả chiến tranh) đều là để thực hành và thể hiện đạo nghĩa; là một quá trình để tuyên giảng đạo nghĩa; nếu như làm trái, gây tổn hại đến đạo nghĩa thì là việc không nên làm. Hai là, kết quả của chiến tranh không nằm ở thắng hay bại, mà là dùng đạo đức cao thượng thu phục nhân tâm, đó mới là thắng lợi thực sự.
Người xưa giảng: “Nhân nghĩa và lợi ích nhất trí với nhau”, nguyên tắc này là không thể làm trái. Khổng Tử nói: “Vi chính dĩ đức”, dùng đạo đức để trị lý chính sự, lấy đức trị quốc.
Người đời coi trọng thắng thua mà bất chấp thủ đoạn, nhưng đó chỉ là việc thứ yếu, lấy đức thu phục người mới là trọng yếu và là việc nên làm.
Theo Vision Times