Nhiều người than thân trách phận, không biết tại sao mình sống lương thiện như thế mà lại luôn cảm thấy khổ? Nhưng đó có thực sự là lương thiện không?
- Có tài cũng khổ, bất tài cũng khổ, chỉ người đạo đức mới được an nhiên
- 6 quy tắc ứng xử cao minh: Giàu sang quý ở nhân từ, nghèo khổ hay ở khí phách
Nội dung chính
Anh chàng luôn nghĩ mình là người lương thiện
Có người kia luôn nghĩ mình là người lương thiện, hiền lành; nhưng không hiểu tại sao cuộc sống lại luôn gặp rất nhiều trắc trở, khó khăn. Anh đi tìm một vị thiền sư với đạo hạnh cao thâm để xin chỉ bảo:
– Vì sao những người lương thiện như con lại thường xuyên cảm thấy khổ; còn những người ác lại có thể sống rất thoải mái?
Vị thiền sư hiền hòa nói với anh:
– Nếu một người trong lòng cảm thấy khổ, vậy chứng tỏ rằng trong tâm người này có tồn tại một điều ác tương ứng. Nếu một người trong tâm không có điều ác nào, vậy thì người đó cũng không có cảm giác thống khổ.
Vậy nên, nếu con cảm thấy đau khổ, bất bình trong tâm, nghĩa là trong tâm con có chứa điều ác. Con không phải là một người lương thiện thực sự. Những người mà con cho rằng họ ác nhưng vẫn sống vui vẻ, vậy thì chưa hẳn họ đã thực sự là ác.
Nghe nói vậy, anh ta cảm thấy không phục, liền nói:
– Con sao có thể là người ác được? Con thấy mình rất lương thiện mà!
Cảm thấy khổ là còn chứa ác tâm
Vị thiền sư mỉm cười trả lời:
– Con hãy thử nói cho ta về nỗi khổ trong con, ta sẽ nói cho con biết điều ác nào đang tồn tại trong con.
Anh ta lập tức nói:
– Nỗi khổ của con có nhiều lắm! Con thấy mình đã rất cố gắng làm việc nhưng tiền lương vẫn rất thấp; nhà ở cũng không đủ rộng, con thường xuyên cảm thấy thua thiệt. Con thấy nhiều người trong xã hội cũng không có văn hóa gì, vậy mà họ lại giàu sang phú quý. Một người trí thức như con, vậy mà thu nhập chỉ được vài đồng còm cõi, thật sự là không công bằng. Rồi lại thêm người thân thường xuyên không nghe lời con, con cảm thấy rất ấm ức…
Anh ta cứ kể như vậy một lúc lâu về các nỗi khổ của mình. Vị thiền sư khẽ gật đầu mỉm cười, rồi từ tốn nói với anh:
– Thu nhập hiện tại đã đủ để con nuôi sống chính con và gia đình. Con còn có nhà để ở, cũng không phải lưu lạc nay đây mai đó; chỉ là diện tích hơi nhỏ một chút. Như vậy cũng không thể nói là khổ được.
Chẳng qua là lòng tham tiền tài vật chất của con quá lớn. Con cho rằng phải có thật nhiều tiền mới là hạnh phúc; vì không có được như ý nên con mới thấy khổ. Lòng tham này chính là ác tâm. Nếu con có thể vứt bỏ ác tâm này thì con sẽ không còn thấy khổ nữa.
Đố kỵ, ngạo mạn đều là ác tâm
Vị thiền sư nói tiếp:
– Khi nhìn thấy nhiều người không giỏi bằng mình mà lại phát tài, con cảm thấy không phục; đây chính là tâm đố kỵ. Tâm đố kỵ cũng là một ác tâm. Con tự cho rằng mình có văn hóa cao nên cũng phải có thu nhập cao; đây chính là tâm ngạo mạn. Tâm ngạo mạn cũng là ác tâm.
Con cho rằng có văn hóa cao thì phải có thu nhập cao; đây chính là sự ngu muội. Bởi vì căn nguyên của sự giàu có là đến từ phúc đức. Sự ngu muội này cũng là ác tâm.
Người khác không nghe lời khuyên của con thì con không cảm thấy thoải mái; đây là thiếu sự bao dung. Dù có là ai đi nữa, họ đều có quan niệm riêng của mình; tại sao con lại bắt họ phải có suy nghĩ giống như con? Không bao dung sẽ dẫn đến tâm hẹp hòi. Tâm hẹp hòi cũng là ác tâm.
Trừ bỏ ác tâm thì mới cảm thấy hạnh phúc thực sự
Thấy anh chàng cũng có phần xuôi xuôi và bắt đầu chú tâm suy nghĩ. Vị thiền sư lại giảng giải sâu hơn:
– Lòng tham, tâm đố kỵ, ngạo mạn, ngu si, hẹp hòi đều là những ác tâm. Bởi vì trong tâm con chứa ác tâm nên con mới cảm thấy khổ. Nếu con có thể trừ bỏ những ác tâm này đi thì những thống khổ kia sẽ tan thành mây khói.
Người thực sự trí tuệ thì khi làm việc sẽ không quá truy cầu kết quả; họ hiểu được lẽ ‘mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên’; họ luôn biết vui vẻ với những gì mình đang có; không mong cầu cái gì quá khả năng của mình.
Con nghĩ thử xem, con cơ bản cũng không chết đói chết cóng; những người giàu có kia cũng chỉ ngày ăn ba bữa rồi ngủ 1 mét giường; nếu so ra thì con cũng có khác gì họ. Hạnh phúc không đến từ bên ngoài, mà là do thái độ của con đối với cuộc sống này.
Sống trong giây phút hiện tại, cảm nhận cuộc sống xung quanh, biết ơn những gì mình đang có; dần dần từ bỏ đi lòng tham, đố kỵ, ích kỷ. Khi nội tâm của con được chuyển hóa thì sẽ dần dần cảm thấy thanh thản và bình an hơn.
Tâm đố kỵ có thể tiêu hủy ngàn công đức
Vị thiền sư lại nói tiếp:
– Nếu con thấy ai giàu có hạnh phúc thì nên thấy mừng cho họ, càng nên chúc cho họ giàu có hạnh phúc hơn nữa, như thế mới là đúng đắn. Thấy người khác đạt được điều gì thì con cũng vui như chính bản thân mình đạt được; thấy người khác mất mát gì thì con cũng buồn như chính mình bị mất đi vậy. Như vậy mới có thể coi là lương thiện! Tâm đố kỵ là cực kỳ xấu, con phải kiên quyết tiêu trừ nó đi.
Con cho rằng con có chỗ hơn người, đây chính là tâm ngạo mạn. Người khi đã có tâm ngạo mạn thì sẽ không thể nhìn ra được thiếu sót của bản thân. Vì vậy sẽ không thể nhìn thấy bản thân có bao nhiêu ác tâm; nên cũng không thể thay đổi để trở nên tốt hơn.
Ngoài ra, người ngạo mạn sẽ thường cảm thấy mất mát, dần dần sẽ chuyển thành tự ti. Một người chỉ có thể nuôi dưỡng lòng khiêm tốn, luôn bảo trì tâm thái hòa ái từ bi; như vậy thì nội tâm mới có thể cảm thấy tròn đầy an vui.
Gieo nhân được quả, kiếp trước làm việc thiện thì kiếp này mới có thể giàu sang. Người không hiểu lý nhân quả thì cứ cảm thấy bất công, đây chính là sự ngu muội. Người hiểu được quy luật tuần hoàn của vạn vật trong vũ trụ thì nội tâm mới có thể minh tỏ thấu triệt, thản nhiên trước được mất thế gian.
Nếu tâm rộng lớn như bầu trời thì sao còn có thể cảm thấy khổ?
Vị thiền sư giảng giải cho anh ta về lòng bao dung:
– Bầu trời có thể bao dung hết thảy nên rộng lớn vô biên; mặt đất có thể nâng đỡ hết thảy nên tràn đầy sự sống, vạn vật đâm chồi. Nếu tâm một người có thể rộng lớn như bầu trời bao dung vạn vật thì người đó sao có thể khổ được đây?
Vị thiền sư nói xong, anh chàng trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu; xưa nay anh vẫn cho rằng mình là người rất lương thiện. Nhưng đến lúc này anh mới nhận ra mình vẫn còn chứa nhiều điều ác trong tâm. Trách sao được lúc nào anh cũng cảm thấy khổ sở trong lòng.
Anh cảm tạ vị thiền sư và nói: “Nếu không nhờ thầy khai thị thì con vĩnh viễn sẽ không biết có một người xấu xa như vậy đang tồn tại trong con”.
Thì ra một người cảm thấy khổ đau đều là do những suy nghĩ ở trong tâm; chỉ cần chuyển biến nhân tâm thì hạnh phúc sẽ luôn hiện hữu trong ta.
Tổng hợp