Đạo lý “biết sợ” mà cổ nhân giảng là những lời chỉ bảo hữu ích cho mỗi người . Tâm một người biết sợ thì làm việc gì cũng thận trọng, suy nghĩ đủ chín chắn, không gây hại cho mình và cho người.
Người xưa đều tin rằng Thần Phật và Thiên lý tồn tại. Họ hiểu Thiên lý là luôn ở đó, nhất cử nhất động của con người đều không nằm ngoài ánh mắt của Thần. Cho nên họ khuyên: chớ thấy việc thiện nhỏ không làm, chớ thấy việc ác nhỏ mà làm, có thể không sợ người nhưng cần biết sợ “Thiên lý”.
Bậc minh quân, hiền đế hay những người sáng suốt thời xưa đều hiểu rằng “biết sợ” là điều quan trọng trong tu thân, tề gia, trị quốc. Ngoài sợ “Thiên lý” thì một bậc minh trí còn sợ điều gì?
Trong “Hàn Thi ngoại truyện” có ghi chép, một người muốn làm việc lớn vị quân vương muốn thiên hạ thái bình phải có 3 điều cần phải biết sợ:
Nội dung chính
Biết sợ khi nhận ra thiếu sót, sai lầm của mình
Trong “Hàn Thi ngoại truyện” kể rằng, Việt Vương Câu Tiễn sau khi tiêu diệt nước Ngô hùng mạnh thì vương triều nhà Chu đã công nhận địa vị bá chủ phía Nam của nước Việt. Lúc ấy, Việt Vương Câu Tiễn đã thận trọng triệu tập quần thần đến: “Vì kiêu ngạo không nghe ai mà Ngô Vương Phù Sai bị mất nước. Từ nay, kẻ nào nếu biết ta sai trái mà không khuyên can, nói cho ta biết thì chính là phạm tội”.
Một người khi ở địa vị cao, tôn quý thì phải thận trọng, biết lắng nghe những lời góp ý, nhận xét của người khác về mình. Bởi càng ở địa vị cao, người ta càng không nhận ra thiếu sót, sai lầm của mình, từ đó mà có thể gặp phải phiền nhiễu, tai ương.
Theo ghi chép lịch sử, các vị minh quân của Trung Hoa như Hoàng đế Khang Hy, Hoàng đế Đường Thái Tông Lý Thế Dân hay các vị minh quân của nước Việt như Vua Lê Thánh Tông, Vua Lý Thái Tổ đều chú trọng tu dưỡng tâm tính và cảnh giới tư tưởng này.
Biết sợ tính tự cao kiêu ngạo
Khi con người đắc ý sẽ ngạo mạn, kiêu căng, coi thường người khác, phóng túng dục vọng bản thân mà chiêu mời các tính xấu. Người ta khi đạt được một chút thành tựu, rất dễ dàng vui mừng quá mức, sinh ra tâm ngạo mạn, dương dương tự đắc, coi thường người khác. Tuy nhiên, những tổn hại hay tai họa thường đến trong những hoàn cảnh như vậy.
Thời Xuân Thu, trong trận giao chiến với quân nước Sở, cuối cùng Tấn Văn Công Cơ Trùng Nhĩ cũng chiến thắng. Ai nấy đều vui mừng đắc ý quá mức, từ binh lính cho đến các tướng lĩnh đã đốt cháy doanh trại của nước Sở. Lửa cháy lớn ba ngày ba đêm không tắt, tài vật, lương thực, binh khí bị tổn thất rất lớn.
Sau khi bãi triều, thần sắc Tấn Văn Công tỏ ra vô cùng âu lo. Các đại thần thân cận thấy vậy bèn hỏi ông: “Vì sao quân vương lại mang vẻ mặt sầu lo như vậy trong khi quân ta đại thắng quân Sở?”
Tấn Văn Công đáp: “Thắng lợi mà không buông thả, không kiêu ngạo thì mới có thể đạt được bình an lâu dài. Mặc dù quân ta chiến thắng quân Sở nhưng tự mãn, kiêu ngạo. Vậy thì sao có thể được bền lâu, bởi vậy ta mới âu lo“.
Biết sợ nguyên tắc đạo lý làm người
Vào thời Xuân Thu, vua nước Tề là Tề Hoàn Công được hai vị hiền thần nổi danh phò tá là Thấp Bằng và Quản Trọng. Nhờ hai vị hiền thần trợ giúp mà vua nước Tề có thể minh tỏ sai trái, nâng cao đạo đức vì thế lòng dân bình yên, quốc gia thịnh vượng.
Vì thế, ông thấy vô cùng may mắn nên đã chọn một ngày tốt lành để tế bái tổ tiên. Trong ngày tế tổ, Tề Hoàn Công kính lạy tổ tông tiếp tục phù hộ giúp ông có thể theo lý mà hành, khiêm tốn tiếp nhận những lời khuyên của các vị hiền thần, đọc kỹ và làm theo những lời răn dạy về quy luật của tự nhiên, về đạo lý làm người.
Hiện tại là một thời khắc đặc biệt của lịch sử. Thiên tai nhân họa liên tiếp ập xuống thế gian con người. Nhiều người băn khoăn tự hỏi: Những kiếp nạn như ôn dịch, lũ lụt, động đất, hỏa hoạn … vì sao lại đồng loạt xuất hiện?
Phải chăng đạo đức con người đã trượt dốc cả ngàn dặm, con người đã không biết sợ “Thiên lý”, không kính ngưỡng Thần Phật, họ không còn tin vào thiện ác báo ứng, nên bây giờ là lúc Thần Phật triển hiện cho người tin?
Đứng trước đại tự nhiên, con người thật nhỏ bé. Vậy ta phải làm gì để tránh được những mối nhân họa, tai ương hiện nay?
Con người phải biết sợ Thiên lý, kính Thần Phật
Con người cần phải biết kính sợ, trước tiên là “Thiên lý”, sợ quy luật của vạn sự vạn vật, không khai thác cạn kiệt tài nguyên, không tàn phá những cánh rừng nguyên sinh, hay làm ô nhiễm các dòng sông. Làm người chớ nên kiêu ngạo, cần sống có đạo đức, làm việc và hành xử chiểu theo lời giáo huấn, có khuyết điểm thì mau chóng sửa. Đó là nguồn gốc tránh tai ương.
Đối với các bậc minh quân, hay những người địa vị cao, khi họ “biết sợ” thì thiên hạ được thái bình, an ổn dài lâu. Đối với một người bình thường, nếu tham chiếu và thực hiện được đạo lý này thì cũng giúp tránh được phiền nhiễu, có thể sống bình an vô sự, nhận phúc báo.
Theo Trithucvn