Nhân sinh cảm ngộ

6 chữ tinh túy hàm chứa thiên cơ đời người

23/06/21, 11:25
Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên
Sống thuận theo thiên lý, nội tâm nhất định là yên tĩnh và hạnh phúc (ảnh: pinterest).

Chúng ta thường nghe nói “Vạn sự khởi đầu nan”, có lẽ đời người cũng lại là như vậy. Hành trình nghìn dặm, bắt đầu từ bước chân đầu tiên. Tuy nhiên lại không biết đời người rốt cuộc sẽ bước về hướng nào?

Có lẽ trong các tác phẩm kinh điển sớm đã có đáp án, luôn đợi bạn tìm kiếm và đi thực hành. Trong “Đại học”, một trong bốn tác phẩm kinh điển của Nho gia có thuyết: “Tri chỉ nhi hậu hữu định, định nhi hậu năng tịnh, tịnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc”, nghĩa là: Biết được mục đích cần đạt đến sau đó mới có thể kiên định. Định rồi sau mới yên ổn. Yên ổn rồi sau mới có thể an tâm. An tâm rồi sau mới có thể suy nghĩ. Suy nghĩ rồi sau mới thành đạt.

Tinh thần câu nói này đã thể hiện một cách chuẩn xác, sâu sắc bí quyết cơ bản và quá trình hoàn chỉnh để có thể làm người tốt, làm việc tốt. Trong đó, tinh túy cô đọng lại ở 6 chữ “Chỉ, định, tĩnh, an, lư, đắc“. Đây có thể nói là sáu chữ châm ngôn, cũng là 6 mắt xích cơ bản cùa đời người. Hãy cùng tìm hiểu và thể ngộ, nhất định có thể thành người, thành đại sự. 

1. 止 – Chỉ: Tạo dựng mục tiêu

Mạnh Tử từng nói: “Đạo chi sở tại, tuy thiên vạn nhân ngô vãng hĩ” nghĩa là: Chỗ của đạo chính là, mặc dù có hàng ngàn vạn người ngăn cản, ta vẫn hướng tới

Mục tiêu là gì? Đó chính là phương hướng, bạn muốn sự nghiệp của mình như thế nào? Nhân sinh đời người muốn đi về nơi nào? Bước đầu tiên này làm không tốt, tâm con người sẽ trở nên mơ hồ, đường đi mơ hồ, không những trong tâm sẽ trống rỗng, còn có thể khiến mọi chuyện hỗn loạn. 

Vì vậy ngay từ khởi đầu trước tiên cần tạo dựng mục tiêu, cần tự có cách đánh giá, nhận thức chính xác về bản thân. Mình thích làm gì, phù hợp với cái gì? Khi đã suy nghĩ thông suốt, mục tiêu mới có thể minh xác. Trước khi tiến lên một bước, cần nghĩ và nhìn nhận đây không phải là việc xấu. 

Tạo dựng mục tiêu là bước đầu tiên quan trọng.
Tạo dựng mục tiêu là bước đầu tiên (ảnh chụp màn hình Istockphoto).

2. 定 – Định: Kiên định chí hướng

Tô Đông Pha, nhà đại văn hào nổi tiếng thời Tống từng nói: “Cổ chi lập đại sự giả, bất duy hữu siêu thế chi tài, diệc tất hữu kiên nhẫn bất bạt chi chí” nghĩa là: Xa xưa, những người có thể làm thành đại sự, không chỉ có tài hoa hơn người còn cần bền gan vững chí

Đời người, không kiên trì thì không thành công.
Từ xưa tới nay, kiên trì luôn được xem là phẩm chất hàng đầu để thành công (ảnh minh họa: ntdvn).

Lữ Khôn thời nhà Minh cũng nói: “Bần bất túc tu, khả tu thị bần nhi vô chí”, dịch nghĩa: Nghèo không phải là điều xấu hổ, nghèo mà không có chí mới là điều đáng xấu hổ. 

Khi mục tiêu rõ ràng, chí hướng bản thân tự nhiên sẽ có; nhưng vẫn chưa đủ, còn cần kiên định với chí hướng đã chọn. Xác định mục tiêu thì cần suy xét, lựa chọn, kiên định chí hướng lại cần điều chỉnh những cảm xúc xấu của mình. Như vậy có thể trong mọi thời khắc nhắc nhở bản thân phải làm gì; từ đó không ngừng tự cho bản thân động lực là thực hiện lý tưởng của mình.

3. 静- Tĩnh: Quy chính thái độ

Vương An Thạch từng nói: “Chuyện tưởng như bình thường nhưng lại kiệt xuất nhất, việc thành công tưởng dễ mà khó”.

Chỉ có mục tiêu và chí hướng thôi là chưa đủ. Có nhiều người mơ tưởng xa vời, nói như rồng leo nhưng làm như mèo mửa. Vì vậy bước tiếp theo cần quy chính thái độ bản thân cũng có nghĩa là “không nông nổi”.

Trong thời đại hiện nay, vấn đề lớn nhất là nhân tâm người ta quá nông nổi, không có thực tế. Vì vậy, vấn đề cơ bản là phải đặt thái độ đúng đắn; thái độ này là điềm tĩnh không nóng nảy. Chỉ khi bạn quy chính thái độ của mình, bạn mới có thể nhìn thấy hy vọng.

Trên hành trình dài của đời người, cần luôn tự cảnh tỉnh bản thân, quy chính thái độ.
Trên hành trình dài, cần luôn tự cảnh tỉnh bản thân, quy chính thái độ (ảnh Facebook).

4. 安- An: An tâm

“Không đòi hỏi quá đáng thì tâm an, không làm làm điều sằng bậy thì thân an”.

Khi thái độ đã được quy chính, tâm sẽ trở nên thanh thản. Xác định chính xác mục tiêu vì bạn suy nghĩ rõ ràng, vì vậy bạn “lý trí”. Sự kiên định vào chí hướng là vì nó phù hợp với nội tâm bạn, vì vậy bạn có thể giữ “tâm an”. Thái độ đúng đắn sẽ củng cố hai điểm này; và điều tiếp theo sẽ tự nhiên tới giai đoạn “yên tâm thoải mái”.

Tới bước này, cho dù khi nền tảng bên trong đã được đặt ra khi hành xử làm người và làm việc, thì bước tiếp theo vẫn là hành động.

Quy chính thái độ thì tâm thanh thản, bước tiếp theo là hành động
Quy chính thái độ thì tâm thanh thản, đứng trước khó khăn mới có thể không lùi bước (ảnh Adobe Stock)

5. 虑 – Lư: Suy nghĩ chu toàn

Muốn làm việc gì, cần suy nghĩ xem xét đặt mình trong môi trường đó. Cần cân nhắc xem sự việc này cần làm như thế nào, suy nghĩ thấu đáo chu toàn; nếu không sự việc khó có thể thành công. 

Trong Binh pháp Tôn Tử giảng: “Bày mưu cẩn thận rồi mới hành động”. Việc có thể suy xét chu toàn trước khi làm việc phản ánh khả năng “tính toán” của một người; nếu không chỉ được coi là hữu dũng vô mưu. Bốn bước trên là tu dưỡng, bước này là liên quan tới trí tuệ; tất cả đều là điều kiện tiên quyết để hoàn thành đại sự. 

Đời người, phải suy nghĩ chu toàn mới có thể thành công
Bày mưu cẩn thận rồi mới hành động (ảnh Trithucvn).

6. 得- Đắc: Cuối cùng gặt hái thành công 

Có nền tảng phía trước, sẽ có “tâm đắc”. Sau đó, nếu thực hiện một cách thiết thực, bạn sẽ có “đạt được”. Trong bài thơ của Lý Thần đời Đường, “mùa xuân trồng cây kê, mùa thu thu hoạch hàng vạn hạt”. Khi có nền tảng cơ sở, việc thu hoạch chỉ là chuyện đương nhiên. Đạo của trời đất, là tròn đầy tuần hoàn. Những thành quả này cũng sẽ trở thành kinh nghiệm của bạn; sẽ tiếp tục đặt nền tảng vững chắc cho bạn; và tiến xa hơn để làm những người tốt hơn và những điều lớn lao hơn.

Sáu chữ này, từ nhỏ đến lớn là vòng tuần hoàn nối tiếp; có thể nói là 6 mắt xích cơ bản của cuộc đời; mỗi bước đi đều vô cùng quan trọng và cần thiết. Nếu bạn nhớ, hiểu và thực hiện nó một cách kiên trì; chắc chắn bạn sẽ có thể làm tốt mọi việc và đi trên con đường đời tốt đẹp.

Như “Đại học” đã nói tiếp theo: “Vật hữu bản mạt, sự hữu chung thủy; tri sở tiên hậu, tắc cận đạo hĩ” nghĩa là: Mọi vật đều có gốc ngọn, mọi sự việc đều có đầu đuôi, biết được cái chỗ có trước có sau đó thì đã gần với cái đạo rồi.

Theo Aboluowang

Xem thêm:

x