Trong hành trình của cuộc đời, con người không chỉ cần một đôi mắt, mà còn phải mang theo 6 “tấm gương” này. Ai có được nó, người ấy sẽ có hạnh phúc.
- Tâm thái tĩnh xác định sự thành bại trong cuộc đời, bạn biết không?
- Tại sao có người cứ thích “làm thầy thiên hạ”?
Kính lúp: mở rộng tấm lòng
Mặc Tử nói:“Tham vọng không mạnh, trí tuệ không tốt“. Nếu lý tưởng của một người không đủ cao xa, thì người đó không thể có được trí lực và năng lực tương xứng.
Một người tâm lượng hẹp hòi thì không ai nguyện ý ở bên cạnh họ, huống hồ là có được sự trợ giúp. Đơn thương độc mã thì sao có thể làm nên đại sự?
Kính râm: ẩn mình, xem nhẹ danh lợi
Người trong thiên hạ vì chữ lợi mà tất bật bôn ba; cũng vì chữ lợi mà hao tâm tổn trí. Sở dĩ xã hội trở nên rối ren cũng vì người ta mải mê“tranh quyền đoạt lợi” . Nếu không đủ “tĩnh”, bạn sẽ bị dòng đời lôi cuốn, xô đẩy và bình yên là điều dường như không bao giờ có được.
Với một cặp “kính râm”, những thứ làm chói mắt sẽ trở nên mờ đi, hào quang của danh lợi không còn đủ mạnh mẽ, câu dẫn. Thật đáng mừng khi sinh mệnh có thể giữ được sự trong sạch, thuần khiết trước những cám dỗ.
Kính râm cũng khởi tác dụng là vật ngăn cản gió bụi. Qua cặp kính làm mờ, người ta nhìn mà như không nhìn, “giả ngu ngơ” tránh đắc tội với kẻ tiểu nhân, sống lương thiện nhưng không thể không phòng bị; thận trọng trong các mối quan hệ có thể giúp bản thân tránh được nhiều rắc rối.
Kính viễn vọng: leo lên cao mới có thể nhìn xa
Trong bài thơ “Võng nhạc” Đỗ Phủ viết: “Có dịp lên trên đỉnh núi, mới thấy tất cả những ngọn núi xung quanh đều nhỏ bé”. Đứng trên cao, phóng tầm mắt ra xa thì những ngọn núi cũng trở nên nhỏ bé. Trước cảnh tượng mênh mông hùng vĩ con người tự nhiên sinh ra hào khí, trong nháy mắt có động lực để tiến về phía trước.
Tô Đông Pha từng nói: “Ở trong núi Lư Sơn thì không thể biết được mặt thật của núi Lư Sơn”, nhưng nếu ra khỏi núi Lư, đứng ở nơi cao hơn mà nhìn xuống, thì toàn cảnh của núi Lư Sơn không còn bị che khuất.
Như vậy, nếu một người muốn nhìn rõ chân tướng của sự việc thì họ nhất định nên thoát ra khỏi vấn đề. Nhìn nhận sự việc một cách khách quan như một người ngoài cuộc chúng ta ắt sẽ biết mình nên hành xử như thế nào.
Kính hiển vi: xem trọng tiểu tiết, làm tốt từ việc nhỏ
Trong Đạo Đức Kinh có một câu:“Việc khó trên đời phải làm dễ dàng, việc lớn trên đời phải làm cụ thể”.
Lâm Tắc Từ, một vị quan thời nhà Thanh cũng từng nói:” Biển rộng mênh mông, không bờ, không bến, không có giới hạn là bởi nó không cự tuyệt bất kì một giọt nước nào. Núi có thể đứng cao sừng sững vạn trượng là bởi nó không từ chối dẫu chỉ một hòn đá nhỏ”.
Tương tự như thế, những sai lầm nhỏ có thể tích tụ đủ để phá hủy bức tranh lớn.
Xem trọng tiểu tiết, làm tốt những việc bình thường. Chuyện nhỏ tích cóp lại dần dần sẽ thành chuyện lớn, nhờ chỉn chu từng chi tiết mà thành tựu được đại nghiệp.
Tấm gương lồi lõm: hồ đồ là khó
Đôi khi ở đời, người sống không quá câu nệ lại dễ dàng có được niềm vui; người sống quá thanh tỉnh lại chuốc phiền não vào mình, bởi trong mắt họ xung quanh đều là những thứ không hoàn hảo.
Cổ nhân có câu:“Nước trong quá không có cá, người tốt quá không có ai chơi”. Một người nhìn sự việc quá rõ ràng, thì đâu đâu cũng thấy điều chướng tai gai mắt. Còn người sống có phần hồ đồ một chút, lại không bỏ lỡ những khoảnh khắc thú vị của cuộc đời.
Người quá khôn ngoan sẽ sống rất mệt mỏi, tâm trí họ luôn phải đấu tranh với những điều chưa thể buông xả được. Người hồ đồ thế mà ung dung tự tại. Đương nhiên, lúc nên hồ đồ thì hãy hồ đồ, không nên giả vờ hồ đồ trong trường hợp nên hiểu rõ.
Cuộc sống, không phải ai cũng có thể có được “tấm gương” hồ đồ này, hồ đồ là điều khó làm được.
Tấm gương phẳng: xem núi là núi, nước là nước
Thiền sư Duy Tín có nói: “Trước khi gặp thiện tri thức, tôi thấy núi sông là núi sông. Sau khi gặp thiện tri thức chỉ dạy, tôi thấy núi sông không phải là núi sông. Sau ba mươi năm, tôi thấy núi sông là núi sông“.
Con người khi tích lũy kinh nghiệm đến trình độ nhất định, sẽ không ngừng tự xét lại mình. Sau những tháng ngày truy cầu đã có được nhận thức rõ ràng. Họ hiểu được rằng: “sự đời một giấc mộng, đời người mấy thu đông”, tức là biết được điều bản thân cần theo đuổi, cũng biết được đâu là điều bản thân phải buông bỏ.
Đôi khi không cần phải thông qua kính viễn vọng, kính phóng đại, kính hiển vi, kính râm, kính lồi lõm để nhìn nhận thế giới, mà thản nhiên tiếp nhận bộ dạng vốn có của nó.
Theo Secret China