Văn hóa truyền thống

5 nguyên tắc đối nhân xử thế, học 1 trong số đó thọ ích cả đời

09/08/21, 08:32
3 nguyên tắc làm người cũng là pháp bảo cần có trong đối nhân xử thế là gì?
3 nguyên tắc làm người cũng là pháp bảo cần có trong đối nhân xử thế là gì? (ảnh minh họa: hoctruongdoi.com).

Bất kể bạn là người phương Tây hay phương Đông, bất kể bạn đến từ vùng đất nào, thời đại nào, chỉ cần làm được một trong 5 nguyên tắc này, sẽ thọ ích cả đời.

Mỹ đức tốt đẹp của cổ nhân trong cách đối nhân xử thế, sắp đặt các mối quan hệ luôn là kho tàng trí tuệ quý giá cho nhiều thế hệ. Trong chương 67 Đạo Đức Kinh, Lão Tử giảng: “Ngã hằng hữu tam bảo, trì nhi bảo chi: Nhất viết từ, nhị viết kiệm, tam viết bất cảm vi thiên hạ tiên” nghĩa là: Làm người có 3 nguyên tắc cần nghiêm khắc tuân thủ: Một là từ bi, hai là biết tiết kiệm, ba là bất cứ việc gì không nên tranh giành trước sau với người khác. Đây là nguyên tắc làm người cũng là pháp bảo cần có trong đối nhân xử thế. 

Nguyên tắc đối nhân xử thế hàng đầu: “Từ bi”

Trong quyển 27 Kinh Phật “Đại trí độ luận” có nói: “Đại từ dữ nhất thiết chúng sinh nhạc, đại bi bạt nhất thiết chúng sinh khổ“. Người ta sống trên đời, dù đối với người hay đối với vật, đều cần có lòng từ bi trắc ẩn, cảm thông. Chỉ khi trong lòng luôn từ bi, hòa ái với người và vật, vận số của người ta mới trở nên tốt đẹp hơn, đắc được phúc báo nhiều hơn, cuộc sống thuận lợi hơn. Trong “Thế thuyết tân ngữ” có ghi chép câu chuyện: 

Khi danh sĩ Cố Vinh thời Tây Tấn sống tại Lạc Dương, có đi dự tiệc tại một gia đình. Trong bữa tiệc, ông phát hiện người hầu làm món thịt nướng nhìn đĩa thức ăn với vẻ mặt rất thèm khát, nên đem đĩa thịt quay trước mặt mình cho anh ta ăn. 

Những người khách ngồi cùng đều cười cợt châm biếm mỉa mai ông làm như vậy sẽ mất mặt, ông nghiêm mặt đáp: “Sao lại có thể có người suốt ngày làm món thịt quay nhưng không biết mùi vị của nó ra sao chứ?”

Sau này khi chiến loạn xảy ra, vị nhân sĩ phải lưu vong xuống phương nam. Mỗi lần ông gặp nguy cấp, luôn có một người giúp đỡ, bảo vệ ông. Cố Vinh cảm kích hỏi nguyên nhân mới biết, đó chính là người hầu đã được ông mời đĩa thịt nướng năm nào. 

Những cuộc gặp gỡ trong đời người chính là vòng luân hồi. Tâm từ bi lưu lại trong lúc lơ là không để ý, cuối cùng có thể là thiện quả báo đáp trong tương lai. 

Nguyên tắc Từ bi trong đối nhân xử thế, học được điều này thọ ích cả đời
Luôn nhớ nguyên tắc “Giúp người chính là giúp mình” (ảnh: Pixabay).

Thiếu lòng từ bi, suýt mất nước

Có người vì tâm từ bi mà có được cuộc đời mới, lại có người vì thiếu sự từ bi, hòa ái với mọi người mà suýt nữa mất nước. 

Trong thời gian Tấn Văn Công Trọng Nhĩ lưu vong, từng đi tới Tào Quốc. Quốc quân Tào Cộng Công khi đó cảm thấy Trọng Nhĩ chỉ là một công tử nghèo khó, không muốn tiếp đón. Sau đó nhờ các vị đại thần khuyên can, mới miễn cưỡng để ông cùng đoàn người vào Tào Quốc. Tuy nhiên, ông ta không những không lấy rượu thịt tiếp đãi, còn rình mò bên ngoài nhìn trộm khi Trọng Nhĩ đi tắm. 

Sau này, khi Trọng Nhĩ trở thành bá chủ, những quốc gia giúp đỡ ông, đều được thiện đãi; chỉ có Tào Quốc bị nước Tấn ồ ạt tiến công, Tào Cộng Công cũng bị bắt sống. 

Cổ nhân giảng: “Nhân vi thiện, phúc tuy vị chí, họa dĩ viễn ly; nhân vi ác, họa tuy vị chí, phúc dĩ viễn ly”. Câu này nghĩa là: “Người làm việc thiện, phúc tuy chưa đến, họa đã rời xa. Người làm việc ác, họa tuy chưa đến, phúc đã rời xa“. 

Nguyên tắc "Lương thiện không chỉ giúp cho người khác, mà đó là cách chúng ta giúp chính mình"
“Quả đất tròn”, tất cả những việc làm lương thiện của bạn rồi cuối cùng cũng sẽ quay trở lại với bạn (ảnh minh họa: Vuonhoaphatgiao).

Nguyên tắc đối nhân xử thế thứ 2: Hành thiện tích đức thì được phúc báo

Cả Nho gia và Đạo gia đều giảng đạo lý hành thiện tích đức thì được phúc báo, tránh được tai họa; còn làm ác tổn đức tiêu tán phúc báo, phải chịu tai ương.

Vạn sự vạn vật đều là nhân quả. Nếu ngày nay bạn có giàu sang, có sức khỏe, có hạnh phúc, thì một phần là do đời trước từ thiện tích đức mà ra, và một phần là những cố gắng nỗ lực của đời này mà có được thiện quả. 

Phúc có thể hưởng thụ, nhưng cần ghi nhớ kỹ là không được lãng phí. Đức mới là tài sản lớn nhất trong mệnh. Thành tâm tích lũy đức, dụng tâm sinh sống thì mới có thể khiến đức chuyển hóa thành hạnh phúc và vận may.

Vì sao nói người thiện nhất tựa như nước

“Người thiện nhất tựa như nước. Nước thân thiện lại không tranh giành với vạn vật, nước không chỗ nào không chảy đến; nhưng lại hạ mình ở nơi mà tất cả mọi người đều không thích. Vì vậy nước gần với Đạo nhất. Người thiện nhất chọn nơi ở thiện nhất, tâm trí luôn trầm tĩnh mà lại thâm sâu khó dò như biển; đối xử chân thành với mọi người, hữu ái và không vụ lợi; lời đã nói ra là sẽ thủ tín, công việc giỏi về xử lý tinh giản; có thể cai trị tốt quốc gia, giải quyết công việc giỏi về phát huy sở trường; hành động giỏi về nắm chắc thời cơ. Người thiện nhất sở tác sở vi đều không hề tranh giành, cho nên chưa từng có mất, cũng sẽ không oán trách người khác. 

“Không giành trước sau với thiên hạ”, thực chất chính là muốn nói với chúng ta hãy học như nước: dù thân ở đâu, cũng nên có tâm thái khiêm tốn, nhún nhường. 

Nguyên tắc đối nhân xử thế thứ 3: “Tiết kiệm”

Lưu Văn Định công hữu thời nhà Thanh từng nói: “Tích thực, tích y, phi vi tích tài duyên tích phúc”. Tích phúc ở đây chính là tiết kiệm. Những bậc hiền triết trong lịch sử đều theo nguyên tắc lấy cần kiệm để tu phúc. 

Lý Văn Tử là một quý tộc nước Lỗ thời Xuân Thu, nhà ông ba đời làm tướng, gia thế tôn quý; nhưng vẫn lấy tiết kiệm là gốc trong sinh hoạt. Đồng thời cũng yêu cầu mọi người trong nhà không được xa xỉ lãng phí. 

Những bộ quần áo mặc thường ngày, ngoài những bộ y phục khi thượng triều; còn lại đồ ông mặc đều bằng vải thô. Xe ngựa mỗi khi ra ngoài cũng đều rất đơn giản. Đồ ăn trong nhà cũng không có gì khác biệt với bách tính bình thường. 

Mỗi gia đình nên lấy nguyên tắc tiết kiệm làm gia phong, nề nếp để dạy dỗ con cháu.
Một gia đình cần cù, tiết kiệm nghèo khó sẽ rời xa.

Người làm quan tiết kiệm, được dân chúng tôn trọng

Thấy ông tiết kiệm như vậy, có người khuyên nhủ: “Ông thân là quan to, đức cao vọng trọng, nhất cử nhất động đều là đại diện cho nước Lỗ; nhưng lại không cho phép vợ con mặc y phục tơ lụa, bản thân cũng không chú trọng tới dung mạo; phục sức, xe ngựa khi ra ngoài cũng đơn giản. Ông làm như vậy không sợ người nước khác chê cười sao? Ông nên giữ thể diện đàng hoàng một chút, tốt cho cả bản thân và đất nước; vậy tại sao không làm được? 

Lý Văn Tử nghe xong cười nhạt một tiếng rồi nghiêm nghị nói với người đó: “Tôi cũng mong ăn mặc cao quý hơn một chút, đi xe sang trọng hơn một chút. Những người dân nước tôi còn nhiều người không có cơm ăn áo mặc. Nghĩ đến những người này, tôi sao nhẫn tâm hưởng thụ một mình được?”

Kinh Dịch có viết: “Quân tử dĩ kiệm đức bích nan” nghĩa là: Người quân tử lấy cần kiệm và đạo đức để vượt qua kiếp nạn, không thể lấy vinh quang, lợi lộc làm trọng, bởi đôi khi chính điều đó sẽ mang lại tai họa. Lý Văn Tử nhờ mỹ đức tiết kiệm của mình mà được dân chúng tôn trọng. Làm quan trong 30 năm, ông đã phát triển một bầu không khí tiết kiệm trong cả nước; tạo nên địa vị tối cao của dòng tộc trong nước Lỗ thời đó, thúc đẩy sự cải cách phát triển của nước Lỗ. 

Muốn dưỡng đức, phải cần kiệm

Trong “Giới Tử Thư” Gia Cát Lượng giảng: “Phù quân tử chi hạnh, tĩnh dĩ tu thân, kiệm dĩ dưỡng đức. Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn. Phù học tu tĩnh dã, tài tu học dã. Phi học vô dĩ quảng tài, phi chí vô dĩ thành học. Đãi mạn tắc bất năng lệ tinh, hiểm táo tắc bất năng trị tính. Niên dữ thời trì, ý dữ tuế khứ, toại thành khô lạc, đa bất tiếp thế. Bi thủ cùng lư, tương phục hà cập!”

Dịch nghĩa: Đạo của người quân tử không nằm ngoài việc “tu thân”, “dưỡng đức”. Muốn tu thân cần phải tĩnh tâm, muốn dưỡng đức cần phải cần kiệm. Tĩnh tâm tu thân thì mới có thể nhìn xa trông rộng. Cần kiệm dưỡng đức thì mới có thể nuôi chí lớn.

Người hiền đức, dù trong thời thái bình thịnh trị giàu có sung túc, cũng luôn ôm trong lòng giai đoạn gian nan khổ cực. Nguyên nhân bởi họ biết rõ: Ngày thường thanh đạm tiết kiệm, trong lúc khốn cùng dễ dàng vượt qua nghịch cảnh khó khăn; khi giàu có xa hoa lãng phí, khi sa sút dễ bị chết đói, chết rét. 

Sự xa hoa, lãng phí đủ nhỏ sẽ phá hủy hạnh phúc của một gia đình; nhưng đủ lớn sẽ hủy hoại cả một quốc gia hùng mạnh. Tiết kiệm được xem là nguyên tắc làm người, để nâng cao tính tu dưỡng của bản thân.

Nguyên tắc đối nhân xử thế thứ 4: “Không giành trước sau với thiên hạ”

Lão Tử từng nói: “Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật, hựu bất tranh, xử chúng nhân chi sở ác, cố kỷ vu đạo’. Nghĩa là: Nước là tốt nhất, nước đem lại lợi ích cho muôn vật mà lại không tranh giành.

Đặc tính của nước là tồn tại vì vạn vật, không tranh giành cao thấp; cũng không tự cho mình là hiểu biết, lại không khoe khoang bản thân. Bởi vì không tranh giành nên nó không có oán hận âu lo.

Nguyên tắc "Thượng thiện nhược thủy" - Đạo của nước trong tư tưởng Lão Tử
Thượng thiện nhược thủy – Đạo của nước trong tư tưởng Lão Tử (ảnh: NTDVN).

Thạch Phấn khiêm nhường

Thạch Phấn vốn là một viên quan nhỏ hầu hạ bên cạnh Hán Cao Tổ. Vì thái độ cung kính, nên ông được Cao Tổ tín nhiệm và coi trọng. 

Khi các trọng thần trong cùng thời kỳ đều vị kiêu căng ngạo mạn mà bị đế vương trừng phạt, Thạch Phấn lại nhờ vào thái độ khiêm tốn và nguyên tắc thận trọng của mình được các hoàng đế của ba triều đại trọng dụng, ưu ái; Thời Hán Văn Đế, làm quan tưới Thái Tử Thái phó, Thái Trung Đại phu; Khi Hậu Cảnh Đế kế vị, ông đã đứng trong hàng ngũ 9 bề tôi quan trọng. 

Sau khi ông cáo lão về quê, mỗi lần tới bái kiến hoàng đế, khi đi qua cổng cung đều xuống xe cúi đầu đi nhanh; nếu nhìn thấy xe của thiên tử, dù hoàng đế có ngồi trong đó hay không, đều quỳ xuống hành lễ. 

Cả đời ông không chỉ tuân thủ nguyên tắc xử thế khiêm tốn nhún nhường, trong lời nói và hành động cũng luôn là tấm gương cho con cháu noi theo. Gia tộc ông nổi tiếng là hiếu thảo, cẩn tín; bốn người con trai đều khiêm tốn, nhún nhường, là trọng thần trong triều. 

Mặc dù gia tộc vô cùng hưng thịnh, nhưng gia đình họ Thạch vẫn tuân thủ các nguyên tắc khiêm tốn, không bao giờ gây gổ với người khác. Do đó, vinh quang của gia tộc có thể được tiếp tục lưu truyền cho các thế hệ sau.

Người khiêm nhường sẽ được lợi, đây là đạo trời

Trong “Thượng Thư” có câu: “Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích, thời nãi thiên đạo

Người tự cao tự đại sẽ mang tai họa, người khiêm nhường sẽ được lợi, đây là đạo trời. 

Dù là vương hầu quan tướng hay kẻ phàm phu tục tử, người thật sự thông minh đều khiêm tốn khi hành sự, khiêm tốn trong đối nhân xử thế làm người. Bởi vì họ hiểu rằng chỉ có che giấu tài năng thực sự, phòng thân thì con đường nhân sinh mới có thể suôn sẻ, an toàn.

Nguyên tắc "Người đại thiện như nước" và "Người đại trí giả ngu".
Người đại thiện và người đại trí có biểu hiện như thế nào? (ảnh minh họa: hoctruongdoi.com).

Nguyên tắc đối nhân xử thế thứ 5: Thuận theo tự nhiên

Lão Tử giảng: “Trì nhi doanh chi, bất như kỳ dĩ; sủy nhi nhuệ chi, bất khả trường bảo. Kim ngọc mãn đường, mạc chi năng thủ; phú quý nhi kiêu, tự di kỳ cữu.”

Nghĩa là: Nếu nắm giữ quá nhiều vật ngoại thân, lo đắc được, được rồi lại lo mất, thì thà được mất thuận theo tự nhiên.

Giữ cho đầy không bằng dừng lại đúng lúc, hợp thời. Bộc lộ tài năng, tất sẽ khó có thể giữ được lâu dài. Người giàu sang vàng ngọc đầy nhà, sẽ không thể cất giấu; nếu vì thế mà ngang ngược kiêu ngạo, tất sẽ lưu lại mầm tai họa. 

Hung tàn độc ác, phú quý kiêu ngạo, kể công, hay tham quyền cố vị khó tránh khỏi phải chịu tai họa. Gốc rễ trong đối nhân xử thế chính là từ bi, hòa ái, tiết kiệm, khiêm tốn. 

Lão Tử cho rằng công danh phú quý cao thấp nên thuận theo tự nhiên, từ xưa đến nay, chẳng có công danh nào mà không lụi tàn, cũng không có phú quý nào mà không cạn kiệt. Con người ta từ nghèo hèn mà nổi lên, rồi lại từ phú quý mà sa xuống. Công danh phú quý, giống như vạn sự vạn vật, đều có chu kỳ thịnh suy, không nên cưỡng cầu.

“Giữ cho đầy” là nói về khả năng hàm chứa. Rót nước nhiều hơn sức chứa của lòng bát thì tự nhiên sẽ tràn ra ngoài. Một người muốn sở hữu nhiều giá trị, thì trước tiên phải mở rộng sự bao dung của mình. Bao dung rộng lớn thì cũng sẽ tích tụ được nhiều.

Theo aboluowang

x