Bí ẩn khoa học

Trải nghiệm cận tử của nhà khoa học: Ôm con gái từ ‘thiên đường’ trở về

11/05/25, 15:11
Trải nghiệm cận tử của một nhà khoa học: Ôm con gái từ thiên đường trở về
Trải nghiệm cận tử của một nhà khoa học: Ôm con gái từ thiên đường trở về (ảnh minh họa: Epochtimes)

Trong trải nghiệm cận tử, cô Sina đã ôm con chạy qua cây cầu, và hành động này dường như đã thực sự cứu sống con cô ở thế giới thực.

Sina McCullough, tốt nghiệp tiến sĩ ngành dinh dưỡng, cô là một nhà khoa học được đào tạo bài bản, đồng thời cũng là một nhà báo tự do. Cô đã kể lại trải nghiệm cận tử của mình ở dưới đây:

Tôi chưa từng nghĩ rằng việc sinh con sẽ cho tôi một thoáng nhìn về thiên đường cho đến khi tôi lao mình qua cây cầu để giành lại sự sống cho con gái mình.

Chính khoảnh khắc ấy đã giúp tôi bừng tỉnh trước một sự thật rằng: Chúng ta vẫn còn rất ít hiểu biết về trải nghiệm của con người và có thể đang tồn tại một bức tranh kỳ diệu vượt xa khỏi tầm lý giải của khoa học thuần túy.

Trải nghiệm cận tử của tôi: Cuộc chạy đua qua cây cầu đang tan biến

Tôi đã hạ sinh Trinity nặng 9 pound (khoảng 4kg) ngay tại nhà. Đó là một khoảnh khắc ngập tràn hạnh phúc – cho đến khi tôi nhận ra ánh mắt con bé trống rỗng. Con bé không khóc, không chớp mắt, cũng chẳng hề cử động.

Ngay sau đó, một cơn đau nhói chạy xuyên khắp cơ thể tôi, nó dữ dội hơn bất kỳ cơn co thắt chuyển dạ nào. Chỉ trong chốc lát, tôi đã bị mất máu nghiêm trọng…

Chuyện xảy ra tiếp theo nằm ngoài mọi dự đoán của tôi. 

Tôi đang lao nhanh qua một cây cầu, hướng về phía mẹ và cha dượng – cả hai đều mới qua đời. Họ đang đứng trong một cõi rực rỡ, ngập tràn vẻ thiên nhiên, không giống bất cứ nơi nào tôi từng thấy, với màu sắc sống động, cây cối hùng vĩ và ánh sáng vàng kim. Ở đó không hề có nỗi sợ hãi, chỉ có sự bình yên.

trải qua; cảm nhận; kinh nghiệm
Trong thoáng chốc Sina đã nhìn thấy thiên đường – nơi có ánh sáng vàng kim ấm áp, chỉ có tình yêu không có nỗi sợ hãi (ảnh minh họa: IStock)

Mẹ tôi đang bế Trinity trong lòng, cả hai đều trông thật bình yên, như thể đang chờ tôi đến. Không hiểu sao, tôi biết mình phải chạy đến chỗ họ thật nhanh nếu muốn cứu sống con bé.

Tôi lao vút qua cây cầu, cuối cùng cũng đến được chỗ họ và thốt lên: “Con cần con bé ngay bây giờ.” Cha dượng tôi mỉm cười: “Chúng ta biết rồi.” Mẹ tôi nhẹ nhàng trao Trinity cho tôi.

Tôi lập tức quay người và bắt đầu lao nhanh trở lại. Nhưng cây cầu trước mắt tôi bắt đầu mờ dần, nhanh chóng biến mất từng chút một. Tôi ôm chặt con gái trong tay băng qua đoạn đường đang tan biến, và rồi thấy mình tỉnh dậy trên sàn nhà, ngay nơi mình đã ngất xỉu.

Tôi thở hổn hển, nghẹn giọng thốt lên: “Con tôi đâu rồi?”

Từ phòng bên cạnh, tôi nghe tiếng bác sĩ tha thiết gọi: “Cố lên, cố lên. Con làm được mà. Thở đi.”

Cuối cùng Trinity cũng cất tiếng khóc – tiếng khóc diệu kỳ ấy khiến tim tôi nghẹn ngào, đập tan cả bầu không khí tĩnh lặng. 

Đó là hơi thở đầu tiên của con bé sau nhiều phút không có dấu hiệu sự sống. Trong 18 giờ tiếp theo, tôi lúc tỉnh lúc mê. Lượng huyết sắc tố trong máu tôi đã tụt xuống mức nguy hiểm là 5g/dL – cực kỳ thấp so với ngưỡng bình thường của phụ nữ, vốn dao động từ 12 đến 15. Theo y học, khả năng sống sót là rất mong manh.

Thế nhưng, không hiểu sao tôi đã hồi phục mà không cần truyền máu hay bất kỳ can thiệp y tế nào.

Một tuần sau, khi tôi tái khám với bác sĩ điều trị chính – người không trực tiếp đỡ đẻ cho tôi, cô ấy đã xem lại hồ sơ bệnh án của tôi, lắc đầu nghi hoặc và gọi đó là phép màu, cô nói: “Lẽ ra cô đã phải chết rồi”.

Trinity cũng đã hoàn toàn bình phục. Giờ đây, con bé đã bốn tuổi và lớn lên khỏe mạnh.

Khi khoa học chạm vào điều không thể lý giải

Trải nghiệm cận tử thường xảy ra trong các tình huống y tế khẩn cấp như đau tim, xuất huyết nghiêm trọng, đột quỵ, chấn thương não, đuối nước, hoặc thiếu oxy. Khoảng một nửa số người lớn và tới 85% trẻ em từng suýt chết cho biết họ đã trải qua những hiện tượng như vậy.

Họ thường kể rằng mình như trôi ra khỏi cơ thể, cảm thấy bình yên, gặp người thân đã khuất, thấy đường hầm hoặc ánh sáng rực rỡ và tin rằng điều đó là thật chứ không phải giấc mơ.

Những người hoài nghi có thể lập luận rằng việc mất máu nghiêm trọng mà tôi trải qua đã kích hoạt một trạng thái sinh lý cực độ có thể dẫn đến một hiện tượng sống động như mơ, hoặc một ảo giác được hình thành bởi niềm tin tâm linh của tôi. Tôi hiểu cách nhìn nhận đó.

Là một nhà khoa học, tôi từng được dạy rằng những hiện tượng như vậy chỉ là sản phẩm sinh học – những ảo giác phát sinh do các chất dẫn truyền thần kinh tăng vọt khi nồng độ oxy giảm mạnh.

Sina McCullough đã lấy bằng Tiến sĩ về Sinh học dinh dưỡng và bằng cử nhân Khoa học thần kinh học, sinh lý học và hành vi từ Đại học California (ảnh: Epochtimes)

Nhưng điều vẫn ám ảnh tôi đến giờ không phải là cơ chế sinh học, mà chính là thời điểm Trinity cất hơi thở đầu tiên đúng vào khoảnh khắc tôi giật mình tỉnh lại. Làm sao có thể trùng hợp đến như vậy?

Điều tôi biết chắc là trải nghiệm đó chân thực chẳng khác gì khoảnh khắc tôi đang sống lúc này. Và tôi không phải người duy nhất cảm thấy như vậy.

Tiến sĩ Bruce Greyson, một trong những chuyên gia hàng đầu về trải nghiệm cận tử, cho biết nhiều người thường mô tả những trải nghiệm này là chân thực không khác gì cuộc sống đời thường.

Một số nhà nghiên cứu còn cho rằng đó có thể là cái nhìn thoáng qua về ý thức vượt khỏi cơ thể vật chất.

Vào năm 2001, bác sĩ tim mạch người Hà Lan Pim van Lommel đã công bố một nghiên cứu mang tính bước ngoặt, theo dõi 344 người sống sót sau khi ngưng tim. 18% trong số đó cho biết họ đã trải qua trải nghiệm cận tử, ngay cả khi não không hoạt động và tim đã ngừng đập.

Những phát hiện này thách thức quan điểm phổ biến rằng ý thức chấm dứt khi chức năng não ngừng hoạt động – một ý tưởng từng là không thể chấp nhận nổi đối với tôi, với nền tảng khoa học phương Tây mà tôi được đào tạo.

Nghiên cứu AWARE năm 2014 – nghiên cứu lớn nhất thuộc loại này đã khảo sát hơn 2.000 trường hợp ngưng tim trên nhiều quốc gia. Trong số đó có một bệnh nhân, dù đã được xác định là chết lâm sàng, nhưng lại mô tả chính xác những gì đã xảy ra và các dụng cụ được sử dụng trong quá trình hồi sức, những chi tiết này sau đó đã được nhân viên y tế xác nhận là hoàn toàn đúng.

Những nghiên cứu này cho thấy rằng ý thức có thể không chỉ giới hạn ở chức năng não bộ – một câu hỏi mà tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ cân nhắc nghiêm túc trước khi cận kề cái chết.

Một góc nhìn mới

Dù bắt nguồn từ những trạng thái ý thức thay đổi hay từ các hiện tượng sinh hóa, trải nghiệm cận tử thường được mô tả là có tác dụng chuyển đổi sâu sắc.

Nhiều người sau khi trải qua đã chia sẻ rằng họ có một sự thay đổi lâu dài trong cách nhìn nhận cuộc sống: bớt sợ cái chết, cảm nhận rõ ràng hơn về mục đích sống và lòng trắc ẩn, sống trọn vẹn với hiện tại và biết quý trọng cuộc sống hơn.

Điều đó chắc chắn đúng với tôi. Trải nghiệm cận tử không chỉ cứu sống Trinity mà còn thay đổi cả cuộc đời tôi.

Tôi không còn sợ cái chết nữa, bởi tôi đã nhìn thấy thiên đường – một cõi tràn ngập ánh sáng, tình yêu và những người thân yêu. Tôi không bao giờ cảm thấy cô đơn, bởi tôi biết mẹ và cha dượng vẫn đang dõi theo và che chở cho tôi.

Giờ đây, tôi sống với một trái tim tràn đầy lòng biết ơn, biết ơn từng hơi thở, từng sớm bình minh, từng khoảnh khắc trong cuộc đời tươi đẹp này.

Tôi không còn để tâm đến những thứ thị phi hay theo đuổi thành công một cách không ngừng nghỉ; cũng chẳng còn lo lắng đến những thăng trầm trong sự nghiệp hoặc cố gắng đuổi kịp người khác trong cuộc đua vật chất.

Giờ đây, điều tôi quan tâm nhất là các mối quan hệ, tôi muốn hiện diện trọn vẹn để những người thân yêu biết rằng họ luôn được trân trọng và được đón nhận đúng với con người thật của mình.

Mỗi lần nhìn Trinity đuổi bướm sau vườn, tôi lại nhớ đến những điều kỳ diệu có thể xảy ra chỉ trong một khoảnh khắc, hoặc trong hai mươi phút tĩnh lặng.

Dù trải nghiệm cận tử của tôi chỉ là một ảo giác sinh hóa hay là khoảnh khắc thoáng chạm đến một cõi tồn tại cao hơn, thì điều đó đã dạy tôi rằng: Chỉ riêng khoa học thì không thể và cũng không nên tự cho rằng mình có mọi lời giải.

Niềm tin, trực giác và sự tìm hiểu tâm linh cũng có chỗ đứng trong hành trình đi tìm chân lý của con người.

Sau tất cả, dù khoa học vẫn chưa thể xây được một cây cầu nối tới “thế giới bên kia”, thì chúng ta vẫn có những câu chuyện đầy nghị lực từ những người đã một lần trải nghiệm cảm giác cận kề cái chết và quay trở lại để kể cho chúng ta nghe.

Theo The Epoch Times

x