Người ta thường nói: “Mười người buôn chín kẻ gian”, hay “thương nhân trọng lợi”. Tuy nhiên, sử sách đã ghi chép lại rất nhiều tấm gương về những thương nhân thời xưa có phẩm đức cao thượng.
- ‘Tiền bạc’ là vị thuốc đặc biệt, nếu biết chế ngự thì có thể sống lâu khỏe mạnh
- Nguồn gốc của câu “giao dịch công bằng”
Nội dung chính
Đạo đức cao thượng của thương nhân thời xưa
Thời nhà Thanh, có một thương nhân tên Đào mỗ sống ở vùng Kim Lăng, thường đi dọc Bắc Nam để buôn bán.
Khi đi ngang qua Cô Tô, gặp được một người tên Giả mỗ tại Ngô môn, hai người vừa gặp đã thân, tâm đầu ý hợp, sau này trở thành bạn tri kỷ, cùng lưu lại ở Ngô – Sở buôn bán suốt mười năm.
Có một năm, Giả mỗ buôn bán hồng hoa và các mặt hàng khác, đang đợi thời cơ để bán ra thì bỗng nhà có việc gấp, buộc ông phải trở về. Trước khi rời đi, ông đem hàng hóa giao cho Đào mỗ, nói:
“Tôi thường qua lại Giang Tô và Chiết Giang, giao thiệp với rất nhiều người, nhưng người có thể luôn giữ chữ tín như ông thì không có ai. Bây giờ tôi giao số hàng này cho ông, tổng giá trị là năm vạn lượng bạc, nếu thấy giá này hợp lý thì cứ lấy bán đi. Chúng ta quen biết đã lâu, cũng không cần phải lập giấy tờ gì.”
Sau đó, ông liền khởi hành trở về nhà. Không ngờ, sau khi Giả mỗ về nhà thì lâm bệnh nặng. Lúc hấp hối ông nói với vợ rằng: “Tôi có lô hàng trị giá năm vạn lượng bạc, đã gửi một người tên Đào mỗ ở Cô Tô. Ông ấy là một người thành tín. Sau khi tôi chết, đợi khi con trai lớn lên, hãy đến tìm ông ấy để lấy lại”. Nói xong thì qua đời.
Sự thủ tín của Đào mỗ, suốt mười năm tìm bạn trả lại tiền
Vợ của Giả mỗ đợi mười năm sau khi con trai lớn lên, bà dẫn con đến Cô Tô để tìm kiếm. Nhưng năm đó bà đã nghe nhầm chữ Đào (phiên âm là táo) thành chữ Nhiêu (phiên âm là ráo), nên đã hỏi khắp các cửa hàng mà không tìm được ai họ Nhiêu.
Có một người bán hàng lớn tuổi nói: “Khi Giả mỗ còn sống, ông ấy có người bạn thân tên Đào mỗ ở Kim Lăng, có lẽ ông ấy biết người này”. Bà liền tìm địa chỉ của Đào mỗ và dẫn con trai đến nhà để hỏi thăm.
Đào mỗ đã đích thân tiếp đón hai mẹ con họ, sau khi hỏi chi tiết về quê quán và tên họ, cũng như di ngôn của Giả mỗ. Khi biết chắc là đúng người, ông liền lo cơm nước và sắp xếp chỗ ở cho họ.
Sau đó, ông nói với hai mẹ con: “Trong lúc bệnh, ông ấy nói chưa rõ ràng, quả thực tiền vốn năm vạn lượng bạc là ở chỗ tôi. Sau mười năm từ biệt, không thấy ông ấy quay lại, tôi đã nhiều lần viết thư hối thúc nhưng không nhận được hồi âm, trong lòng rất băn khoăn và lo lắng. Số hàng ông ấy để lại, tôi đã giúp ông ấy kinh doanh, vốn và lãi cộng lại được tổng cộng hai mươi sáu vạn”. Nói rồi ông đưa sổ sách cùng với số bạc giao cho họ.
Giả phu nhân trả lời: “Di ngôn của chồng tôi chỉ yêu cầu thu lại số tiền gốc. Gia đình chúng tôi hiểu được phẩm đức cao thượng và lòng tưởng nhớ đến người đã khuất của ngài, nhưng tôi làm sao dám trái với di ngôn của chồng mà nhận thêm tiền?”
Giả phu nhân cương quyết không nhận thêm tiền lãi, nhưng Đào mỗ vẫn trả lại số tiền hàng, ông đưa một nửa số lãi cho con trai Giả mỗ, dùng nửa còn lại mua cho họ một mảnh đất phì nhiêu ở Ngô Môn, còn lập ấn tín và khế ước. Sau đó, ông tự mình tiễn họ về nhà.
Không trục lợi khi người khác sa cơ thất thế
Sau khi trở về, Đào mỗ biết được ở gần đó có một thị tộc, tổ tiên để lại hơn ba trăm căn nhà cũ, nhưng vì gia cảnh khó khăn nên muốn bán.
Người môi giới nói với ông: “Những căn nhà này ban đầu có giá trị khoảng ba ngàn lượng bạc, bây giờ chỉ cần ngài trả năm trăm lượng cho tôi và lập hợp đồng mua với giá năm trăm lượng, thì có thể sở hữu toàn bộ những căn nhà này”.
Tuy nhiên, sau đó ông lại gọi người trong thị tộc kia đến, nói rằng: “Các anh vì hoàn cảnh khó khăn mà phải bán gấp đi cơ nghiệp của tổ tiên, tôi sao có thể nhẫn tâm bức hiếp được. Bây giờ tôi sẽ làm hợp đồng với giá ba ngàn lượng bạc”. Những người trong thị tộc nghe vậy thì cảm động đến rơi nước mắt.
Thế là Đào mỗ cho người triệu tập nhân công, chuẩn bị vật liệu và bắt đầu công việc trùng tu lại khu vực này. Một ngày nọ, trong khi đào xới đất đai, họ phát hiện một cái hầm trong đó giấu hơn hai mươi vạn lượng bạc. Đào mỗ nói với người trong gia tộc kia rằng: “Số bạc này là do tổ tiên của các anh để lại.”
Vì vậy, ông chia cho người trong tộc kia một nửa số bạc, người trong tộc rất vui mừng. Nhưng khi họ đến lấy bạc, số bạc ngay lập tức biến thành nước. Họ biết rằng số bạc này không phải của mình nên đã trả lại cho Đào mỗ. Như vậy, Đào mỗ lại có được một lượng lớn gia sản, nhưng ông lại dùng toàn bộ số bạc đó để lập nên một nghĩa trang trợ giúp người trong tộc kia.
Những gì chúng ta có trong đời này đều đã có định số
Cổ nhân thường giảng, đời người giàu hay nghèo, cả đời kiếm được bao nhiêu tiền, ăn bao nhiêu, dùng bao nhiêu tất cả đều đã được định sẵn.
Nếu người làm kinh doanh hiểu được đạo lý này, thì sẽ không cố gắng cưỡng cầu. Bởi vì nếu trong mệnh của bạn không có, thì dù có dùng hết tâm cơ để kiếm tiền, dẫu kiếm được rồi thì cuối cùng cũng sẽ mất đi.
Hơn nữa, khi không từ thủ đoạn để kiếm tiền, sẽ làm tổn hại đến người khác. Cuối cùng, không những không đạt được tiền tài, mà trong nửa cuộc đời sau hoặc kiếp sau còn phải hoàn trả nghiệp báo do đã làm tổn hại người khác, kết quả là chẳng được gì.
Ngày xưa, ở Lượng Châu (nay là huyện Cẩm Bình, tỉnh Quý Châu) có một người họ Lý, là tú tài, gia cảnh rất nghèo khó; chỉ nhận được mười học trò, thường xuyên sống trong cảnh thiếu thốn.
Một ngày nọ, ông lâm bệnh và đột ngột qua đời, hai ngày sau ông lại đột nhiên tỉnh dậy. Sau khi tỉnh lại, ông nói với vợ:
“Sau khi tôi chết, ở âm phủ gặp được bạn học cũ là Diêu trạng nguyên – người đang quản lý việc ăn mặc của nhân gian. Ông ấy tra cứu sổ sách về của cải trong đời tôi, nói rằng cả đời tôi sẽ rất nghèo. Mặc dù là người quản lý chuyện ăn mặc của nhân gian, nhưng ông không dám tự ý tăng thêm cho tôi, chỉ có thể giúp tôi có thêm mười học trò và tặng một tấm thẻ bài bằng bạc, đó là số tiền còn lại từ chi phí sinh hoạt cá nhân của ông ấy. Nói rồi đưa tôi trở lại dương gian vì số tôi chưa hết”.
Sau đó, quả nhiên có người đưa con đến học, tăng thêm mười học trò so với lúc trước. Một ngày khi ông đang sửa chữa nhà cửa thì tìm thấy một thỏi bạc.
Có thể thấy, ngay cả số lượng học trò có thể nhận cũng đã được an bài, huống chi là chức vụ cao thấp, tuổi thọ dài ngắn và bổng lộc nhiều ít của một người. Vậy nên tiền tài là thứ không thể cưỡng cầu, chỉ có thể nỗ lực mà làm ăn chân chính, kết quả là trời định.
Thương nhân thời xưa rất nhiều người coi trọng tín nghĩa, có đạo đức cao thượng; bởi vì văn hóa cổ xưa luôn giảng về đạo đức, tu thân dưỡng tính, các lý niệm truyền thống được vun trồng vững chắc.
Theo Epochtimes