Dù là người thân nhưng có một số trường hợp cũng cần phải cẩn trọng khi giao tiếp, nếu không sẽ dễ mất lòng và khiến mọi người xa cách nhau.
Ngay cả khi là những người thân trong một gia tộc, mỗi người đều có một số bí mật cần giữ cho riêng mình. Nhưng rốt cuộc, chúng ta không phải là một hòn đảo; những người thân vẫn sẽ quây quần bên chúng ta ít nhất là vào các ngày lễ quan trọng.
Vì không thể trốn tránh, cho nên chúng ta chỉ có thể tham khảo một số cách để đối mặt với người thân sao cho hòa hợp nhất; dù không cần bộc bạch toàn bộ cuộc sống riêng mà tình cảm giữa những người trong gia đình vẫn tốt đẹp.
Có người nói:“Làm người không nên quá căng thẳng, nên dè dặt giữ gìn sự hòa thuận. Nước trong quá thì không có cá, người quá thẳng thắn thì không có bạn. Có những điều chỉ nên giữ cho riêng mình”. Sống ở đời, nên cẩn trọng, không phô trương, đối xử với nhau bằng tình yêu thương và sự bao dung thì tình cảm giữa người với người mới có thể yên bình dài lâu.
Bởi vậy, khi người thân hỏi chuyện, chúng ta cũng không nên quá lo lắng mà hãy học cách “né” thật khéo léo.
1- Khi nói đến thu nhập, tránh nói ra con số cụ thể
Có một câu chuyện như thế này: vào ngày lễ tất niên, Thành Chung về quê họp mặt gia đình. Người cô họ của anh hỏi anh trong năm nay đã kiếm được bao nhiêu tiền. Thành Chung thành thật cho biết, không nhiều, chỉ khoảng 80 triệu.
Người cô nghe vậy, quay sang nói với những người thân khác: “Con gái tôi năm nay kiếm được mấy trăm triệu, chỉ dựa vào một cửa hàng nhỏ…”. Trong giây lát, Thành Chung cảm thấy vô cùng mất mặt. Ngày tết anh ấy chỉ muốn ở nhà, không muốn sang họ hàng chúc tết nữa.
Khi một nhóm người thân quen ngồi lại với nhau, việc họ nói về thu nhập của nhau là điều khó tránh khỏi. Nếu thu nhập của bạn thấp hơn so với mặt bằng chung, mọi người sẽ coi thường bạn. Nếu bạn có thu nhập cao và có thêm khoản tiền tiết kiệm, sẽ có người hỏi vay tiền, và cũng có một bộ phận người sẽ tỏ thái độ “né người giàu”.
Tục ngữ có câu: “Người thân không nói chuyện tiền bạc, nói chuyện tiền bạc liền cắt đứt liên lạc”. Dù là những người thân, nhưng hễ ai đó nhiều tiền hơn ai đó, hoặc là cho nhau vay tiền, đều sẽ là mầm mống gây họa.
Khoe khoang có tiền chính là sẽ có người hỏi bạn vay tiền. Khi gặp phải người thân vay tiền không chịu trả, hoặc không có khả năng trả, bạn phải mặt dày đi đòi nợ. Như thế bạn bỗng trở thành kẻ vì đồng tiền mà không nể mặt người thân. Nếu họ hàng quỵt nợ đến mức phải đâm đơn kiện thì từ người thân hoá thành kẻ thù của nhau.
Cho nên, với người thân khi nói về tiền, hãy coi như chúng ta chơi trò đố chữ, nói thẳng ra là không nói về thu nhập của nhau, cũng không nên khoe khoang tiền tiết kiệm và các khoản bản thân đang phải vay mượn để trang trải.
Với câu hỏi: “Nguồn tiền kiếm được là từ đâu?”, rốt cuộc cũng không nên tiết lộ một cách hào hứng, tỉ mỉ. Làm ăn trong im lặng và nếu dư giả chúng ta có thể giúp người thân bằng cách tặng họ những món quà giá trị. Đó là cách ứng xử tốt đẹp nhất khi có tiền.
Chúng ta có thể ‘né’ bằng cách trả lời thật đơn giản mà không liên quan đến con số cụ thể. Nếu là người lịch sự, họ sẽ không tiếp tục làm khó bạn, hoặc giả người ta muốn hỏi đến tận cùng thì chúng ta có thể dùng sự hài hước để đổi hướng câu chuyện.
2- Khi nói về chuyện không hay của gia đình, hãy im lặng đúng lúc
Chúng ta đều biết rằng, gia đình nào cũng có chuyện không hay, nhưng khi “hũ mắm” bị mở ra thì chỉ làm “trò cười” trong mắt thiên hạ. Nào là người chồng hay đi đêm, không giúp vợ chăm con; nào là người vợ lười biếng, không lo dọn dẹp nhà cửa, không biết nấu ăn; nào là trách móc về sự cẩu thả của nhau v.v. Nếu những chuyện như trên lộ ra ngoài thì mối quan hệ của bạn với mọi người sẽ càng trở nên tồi tệ hơn.
Người xưa có câu:“Thiện ý một câu ấm ba đông, lời độc lạnh người sáu tháng ròng”; lời đã nói ra thì không thể rút lại. Nếu là lời “độc lạnh” nó sẽ làm người ta xấu hổ hoặc làm vết thương lòng càng thêm trầm trọng. Mọi người đều nên nhận thức rõ ràng rằng, nếu muốn cuộc sống êm đềm, mọi sự xấu xí của gia đình không bao giờ được phép công khai.
Chúng ta luôn phải dành cho nhau sự tôn trọng nhất định và cũng là cho bản thân một lối thoát. Khi bị đặt vào tình huống giao tiếp khó xử, hãy nở một nụ cười chân thành và lịch sự, nếu bạn không cảm thấy xấu hổ, thì người tò mò tọc mạch sẽ là người phải xấu hổ.
3- Lễ nghĩa là không tính hơn thiệt, quan trọng bởi tấm lòng
“Đến mà không đáp lễ là khiếm nhã” – người thân tặng quà thì nhất định chúng ta phải đáp lễ, nếu không sẽ bị cho là không có lễ độ. Tuy nhiên, lễ vật quan trọng vẫn là xuất phát từ tấm lòng; không nên coi trọng hình thức mà quên đi hoàn cảnh sống, mức thu nhập của mỗi người.
Chúng ta có thể bắt gặp những câu chuyện phát sinh từ quà mừng cưới, chẳng hạn như: “Đám cưới họ, mình mừng 500 nghìn mà phong bao lì xì họ đi trả lại cho mình chỉ có 300 nghìn”. Vậy là một số người thân không còn muốn thân nhau nữa. Không thể phụ nhận, đôi khi chỉ vì vài trăm nghìn, tình cảm giữa người với người đã bị chia rẽ.
Nếu chúng ta quan tâm đến giá trị quà tặng, điều đó có nghĩa là chúng ta không hiểu được rằng: mọi người ở các độ tuổi khác nhau, mức thu nhập và hoàn cảnh gia đình khác nhau. Bởi vậy, thay vì thắc mắc tại sao người ta đáp lễ không chu đáo, chúng ta hãy quan tâm đến cuộc sống của nhau nhiều hơn.
Với những người ở độ tuổi 70 hoặc 80, chúng ta xác định rõ khi họ nhận quà của chúng ta là chúng ta không thể nhận lại từ họ. Vì tặng quà người lớn tuổi là sự báo đáp vô điều kiện. Đối với những đứa trẻ 5-6 tuổi, chúng ta mua cho chúng đồ chơi, cặp sách, quần áo, đây là việc chúng ta muốn làm hay chúng ta làm với mong đợi đứa trẻ sẽ đáp lại lễ khi chúng lớn lên?
Tặng quà tùy theo tình hình tài chính của bản thân, không cần đặt nặng suy nghĩ nên tặng món gì, tâm lý nên thuận theo lẽ tự nhiên. Trong tâm có thoải mái, trong sáng thì mối quan hệ thân tình mới đủ điều kiện để duy trì dài lâu.
4- Khi người thân “đào” lại chuyện cũ, hãy khéo léo thay đổi chủ đề
Trong “Thái Căn Đàm” có nói: “Vì lòng đố kỵ, người giàu sang được coi trọng hơn nghèo khó; người cùng dòng máu lại tàn ác hơn người ngoài” . Tình cảm giữa con người là có sự thay đổi. Có thể bạn không quan tâm đến giàu-nghèo nhưng không có nghĩa là người thân của bạn cũng không quan tâm đến nó.
Một số người thích kể đi kể lại về một sự kiện nào đó từng diễn ra trong quá khứ, họ nghĩ rằng họ nên đòi công lý trước mặt mọi người; rằng họ từng bị người thân nào đó khinh khi ra sao khi họ sống trong cảnh nghèo khó.
Cũng có một số người họ hàng rủng rỉnh túi tiền, phô trương bản thân, khiến những người không có nhiều tiền cảm thấy xấu hổ và khó chịu. Lại cũng có một số người thân không bao giờ muốn bạn sống sung túc, khi thấy cuộc sống của bạn khá lên thì lập tức đưa ra những lời nhận xét mỉa mai.
Chúng ta cần hiểu một sự thật, cuộc sống của chúng ta ra sao là tùy thuộc vào cách sống của chính ta, không có sự cân bằng về tài chính giữa mọi người mà chỉ có “tâm trạng” mới có thể điều chỉnh cho cân bằng.
Những người thân lật lại câu chuyện cũ với thái độ chỉ trích thực chất là “lấy câu chuyện làm quà”, “vuốt ve, lấy lòng người nghe”, “trách móc người khác, nâng cao giá trị bản thân”… Gặp trường hợp này, chúng ta nên chuyển chủ đề và hướng cuộc nói chuyện sang chiều hướng tích cực. Tuy nhiên cũng cần lịch thiệp và không nên để người ta cảm thấy xấu hổ.
Ví dụ, khi người thân của bạn nói về mâu thuẫn trong gia đình nhỏ của họ, nếu bạn quay sang chủ đề: “A! Thời tiết thật đẹp…”, người bà con đó sẽ có cảm giác như bị chặn họng, bị tạt nước. Thay vào đó, hãy mỉm cười và nói một câu thật súc tích được đúc kết từ kinh nghiệm sống và sự chân thành của bạn. Chỉ có như vậy, người ta mới tiếp thu được toàn bộ thông điệp bạn muốn gửi gắm và bạn coi như cũng để lại một ấn tượng tốt trong lòng họ.
Chúng ta có thể an ủi lẫn nhau: “Cuộc sống là như vậy, mỗi người sở hữu một tính cách nên không tránh khỏi sự khác biệt; cũng không có ai thật sự hoàn hảo. Tuy nhiên, người thân thiết nhất với chúng ta vẫn là những người trong gia đình. Nhìn vào điểm tốt và lắng nghe họ với tinh thần trách nhiệm và sự bao dung lớn nhất; rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả thôi”…
Trong một số trường hợp, những người được liệt vào thành phần cá biệt, chúng ta có thể tránh tiếp xúc.
5- Học cách làm phép trừ
Những người họ hàng không có thiện chí, lòng dạ đen tối, vay tiền không trả, hoặc có những hành động xấu gây tổn hại đến danh dự và kinh tế của gia đình thì tốt nhất nên cắt đứt sự giao lưu, ít nhất là giữ một khoảng cách nhất định.
Để tất cả mọi người đều cảm thấy thoải mái hơn, chúng ta hãy giữ khoảng cách. Khoảng cách trong không gian là không thể nắm bắt được; ví như ngồi ăn cùng bàn cần phải hỏi thăm về nhau. Vậy nên cần giữ khoảng cách trong “tinh thần” và trong từng lời nói. “Hoà nhập nhưng không hoà tan”, chính là rất hợp ý tứ trong ngữ cảnh này.
Sau những ngày lễ, sau những buổi liên hoan, ai nấy lại trở về với gia đình nhỏ của mình, nếu muốn những buổi gặp mặt người thân trở nên ý nghĩa, chúng ta nên cẩn trọng trước những chủ đề có xu hướng tiêu cực.
Theo Aboluowang