Nhân sinh cảm ngộ

Quỳnh Dao, dám yêu dám hận dám từ bỏ sinh mệnh có phải là mạnh mẽ?

06/12/24, 14:22
Quỳnh Dao, dám yêu dám hận dám từ bỏ sinh mệnh có phải là mạnh mẽ?
Nữ sĩ Quỳnh Dao đã qua đời tại nhà riêng vào ngày 4/12 (ảnh: Lin Shijie)

Văn chương của Quỳnh Dao cũng phản ánh gần đúng bản thân bà, một cuộc đời dám yêu dám hận, đến cuối đời bà lại dám từ bỏ sinh mệnh; nhiều người nể phục cho rằng bà mạnh mẽ, nhưng liệu đó có phải là mạnh mẽ? 

Nói đến cái tên Quỳnh Dao, đối với rất nhiều người đó là những kỷ niệm ngọt ngào về Hoàn Châu Cách Cách, Tân Dòng Sông Ly Biệt, Trâm Hoa Mai, Mùa Thu Lá Bay,… và cũng chính từ những tiểu thuyết chuyển thể thành phim thành công vang dội mà bao thế hệ khán giả đã say mê những nhân vật bà tạo ra, đắm chìm trong những câu chuyện tình lâm ly bi đát bà xây dựng, oanh oanh liệt liệt dám yêu dám hận cùng các nhân vật của bà, và có lẽ vì thế mà dành cho bà một sự ngưỡng mộ tuyệt đối… Riêng tôi, cũng từng như vậy. Nhưng, danh tiếng lớn không phải là bảo chứng cho sự đúng đắn.

Nhân sự kiện về cái chết tự chủ động của bà, tôi được một người anh gửi cho bài viết về tiểu sử của bà, khi đọc xong, lòng tôi chùng xuống, theo lời nhắc nhở của anh, tôi cẩn thận suy nghĩ lại, thì thấy rằng, đôi khi, sự ngưỡng mộ với một danh tiếng to lớn khiến cho cái nhìn của ta không còn được sáng suốt lắm. Lại có một người em trong lúc chuyện trò nói với tôi rằng: 

“Em cảm thấy di chúc của Quỳnh Dao khá hay, dù sao vẫn hâm mộ Quỳnh Dao là một nữ sĩ lớn trong văn đàn, nhưng khi nghe nói bà ấy tự tử thì cách nghĩ của em đã thay đổi, phải chi bà ấy để ngày ấy đến tự nhiên thì tốt hơn. Nói rằng tự quyết định sinh tử cho mình, vậy cũng là trái tự nhiên rồi. Vấn đề quan trọng là ở chỗ đa số đều khen ngợi hành vi đó của bà, nào là dũng cảm, nào là tự chủ số phận v.v. Điều này tạo hệ lụy cho xã hội mai sau không nhỏ.

Có thể sau này người lớn tuổi sẽ học theo bà ấy, coi tình cảm trân quý hơn sinh mệnh của mình, khi bị con cái đối xử không tốt thì tự tử, hoặc hở chút là lấy cái chết ra để hăm dọa con cái.

Về phía con cái, khi thấy cha mẹ già yếu quá mà bản thân không có điều kiện, không đủ kiên nhẫn và tình thương để chăm sóc, lại chẳng cho rằng người già yếu thì nên chủ động chết đi?”

Tôi thấy lời em nói không phải không có lý.

Đọc lại tiểu sử về Quỳnh Dao, chúng ta thấy rằng bà đã từng tự tử không thành khi còn rất trẻ. Vốn là một cô nương đa sầu đa cảm, khi còn đi học bà đã sớm có tình cảm với thầy giáo hơn mình 25 tuổi, chểnh mảng chuyện học hành, bị gia đình phát hiện và ngăn cấm, bà nông nổi tìm tới cái chết, và rồi được cứu kịp thời. 

Quỳnh Dao, dám yêu dám hận dám từ bỏ sinh mệnh có phải là mạnh mẽ?
Quỳnh Dao thời trẻ (ảnh: Weibo)

Đến khi 20 tuổi, gia đình tìm người mai mối cho bà kết hôn nhưng với tính khí ngang bướng, không thích sự sắp đặt của cha mẹ, bà tự ý cưới một người bà yêu mà không màng đến sự ngăn cản của cả hai bên gia đình. Nhưng rồi cuộc hôn nhân cũng chỉ kéo dài được 5 năm sau khi cuốn tiểu thuyết đầu tiên ra đời. Lý do là tập tiểu thuyết có tên Song Ngoại ấy kể về mối tình trái luân thường đạo lý của bà và người thầy giáo năm xưa khiến cho chồng bà không thể nào chấp nhận nổi.

Sau ly hôn, bà cho ra đời nhiều tác phẩm hơn với tư tưởng hiện đại, lấy phụ nữ làm trung tâm. Bà ủng hộ nữ quyền và tinh thần yêu đương tự do phóng khoáng. Ta rất dễ thấy điều này qua các nhân vật chính như nàng Tiểu Yến Tử trong Hoàn Châu Cách Cách hay cô gái Y Bình trong Tân Dòng Sông Ly Biệt. 

Bỏ qua các tác phẩm khác, tôi chỉ đơn cử hai tác phẩm đã được chuyển thể thành hai bộ phim thành công và nổi tiếng nhất với khán giả mà tôi biết để phân tích một chút.

Về Hoàn Châu Cách Cách thì khỏi phải nói, thoại thì hay (tuy có hơi sến) mà diễn viên thì đẹp, tình yêu thì khắc cốt ghi tâm mà tình tiết thì lôi cuốn hấp dẫn: hài hước, bi thương, kịch tính,… đều có cả… nhưng rồi sao? Cả một nhóm nam thanh nữ tú chưa cưới chưa hỏi suốt ngày chơi bời uống rượu hát ca yêu đương mặn nồng và cuối cùng vì quá tự do phóng khoáng nên không chịu sống theo khuôn phép trong cung, bị mấy bà Thái hậu, Hoàng hậu gai tinh con mắt tìm đủ cách hại. 

Hoàn Châu Cách Cách là bộ phim chuyển thể từ bộ tiểu thuyết cùng tên của nữ tác giả Quỳnh Dao (ảnh: Youtube)

Tử Vy bình tĩnh lý trí và biết nhẫn nhịn hơn nhưng cuối cùng không thắng nổi tính lì lợm ngang bướng của Tiểu Yến Tử. Xem phim ta thấy Tiểu Yến Tử nhiều lần cứu Tử Vy, nhưng sự thật Tiểu Yến Tử chính là điểm yếu chết người của Tử Vy. Những kẻ hung ác kia nắm thóp Tiểu Yến Tử để bắt tội Tử Vy, vì Tử Vy mới là công chúa thật và nàng thì lại vô cùng hoàn mỹ, nàng mới xứng bị ghen ghét. 

Cuối cùng cả nhóm trai thanh gái lịch con cái hoàng gia và quan quyền trốn nhà đi bụi với nhau. Ây da, chắc người đời nhà Thanh hồi đó tư tưởng còn trong sạch nên họ đi chung với nhau bao nhiêu ngày tháng như vậy mà vẫn rất giữ gìn lễ nghĩa, chứ nếu là đời nay thì… các bậc phụ huynh nghĩ sao?

Trong Tân Dòng Sông Ly Biệt, nhân vật chính là cô gái Y Bình cũng là người mạnh mẽ quật cường, quyết liệt, ngoan cố,… đối với người mẹ đáng thương của mình cô rất hiếu thảo, mà đối với người cha bỏ rơi mẹ mình cô rất hận. Trong các mối quan hệ cô tỏ ra một người sòng phẳng có qua có lại rõ ràng: ai tử tế với cô thì cô sẽ đối tốt lại, ai không tốt với cô thì cô cũng đối xử lại không tốt, như lúc đầu cô muốn trả thù bà mẹ kế mà tính chuyện cướp đi chàng rể quý trong mắt bà là Thư Hoàn; hay khi Mộng Bình, cô em gái đanh đá cùng cha khác mẹ hay bắt nạt cô bị bọn xấu ức hiếp, Thư Hoàn định ra tay giúp đỡ, cô ngăn cản và ra điều kiện: “Nếu anh chọn em thì mặc kệ nó, nó là người của ‘nhà bên đó’”, thế là đêm đó cô em này đã bị xâm hại và sau phải đi phá thai. Còn Thư Hoàn phải chịu sự cắn rứt của lương tâm.

Quỳnh Dao, dám yêu dám hận dám từ bỏ sinh mệnh có phải là mạnh mẽ?
Bốn diễn viên chính của “Tân dòng sông ly biệt” gồm Lâm Tâm Như, Tô Hữu Bằng, Triệu Vy và Cổ Cự Cơ (ảnh: Youtube)

Trong chuyện tình cảm với Thư Hoàn cô “dám yêu dám hận”, nhưng rốt cuộc chính bản thân cô lại là người chỉ mạnh mẽ bên ngoài mà tâm hồn lại yếu đuối và lụy tình, khi Thư Hoàn phát hiện ra cuốn nhật ký cô viết lý do yêu anh là chỉ để trả thù “ nhà bên đó”, thì anh vì tổn thương sâu sắc mà quay về bên Như Bình. Trong lễ đính hôn của người yêu và em gái cùng cha khác mẹ, cô là khách không mời mà đến, rồi không kiềm chế nổi xúc động, đã khiến cho lễ đính hôn không thành, chú rể chạy theo cô vì biết rằng với tính cách đó của cô thì cô sẽ dễ đi tìm cái chết, và quả đúng như anh dự đoán, cô mất hết lý trí, trèo lên cầu rồi trượt chân rớt xuống sông thật.

Văn chương của Quỳnh Dao, những câu chuyện trong tiểu thuyết của bà phản ánh gần đúng bản thân bà. Không phải không có những nhân vật nữ dịu dàng đằm thắm, lý trí, có học thức, có gia giáo, có tấm lòng bao dung,… như Hạ Tử Vy hay Như Bình, những nhân vật này là một phần trong con người bà, nhưng các nàng ấy lại không phải nhân vật trung tâm. Điều này nói lên rằng, trong con người Quỳnh Dao, phần con người bản năng, con người của cảm xúc, của tình cảm mạnh mẽ hơn, có phần lấn át hơn, y như cách cư xử và những lựa chọn của bà trong cuộc sống.

Trong thời gian làm việc cùng với tổng biên tập Bình Hâm Đào, người đã giúp đỡ bà rất nhiều trong công việc xuất bản tiểu thuyết, hai người phát sinh tình cảm và bà trở thành nhân tình của ông trong lúc ông là người đã có vợ con. Bà vẫn nhất quyết duy trì mối quan hệ bất chính này, bất chấp nó đem lại đau khổ cho một gia đình khác, bất chấp điều tiếng thị phi, bất chấp cả sự ngăn cản của chính gia đình bà. Đến khi chạm ngưỡng tuổi 40 bà mới chấp nhận từ bỏ đoạn tình cảm sai trái này và đính hôn với một người khác do gia đình sắp xếp, tuy nhiên, khi ông Bình Hâm Đào ly hôn vợ và tới tìm bà thì bà lại hủy hôn với người ta để kết hôn với ông.

Quỳnh Dao và chồng thứ hai Bình Hâm Đào (ảnh: Weibo)

Nếu chúng ta là phụ huynh, có một cô con gái muốn gì làm nấy cho bằng được, bất chấp sự khuyên ngăn của chúng ta hết lần này đến lần khác, gây ra đủ thứ tai tiếng cho bản thân và gia đình, gây ra bất hạnh cho nhiều người khác,… thì dư vị ấy hẳn không dễ chịu chút nào.

Không ở đâu mà ta thấy cái câu “dám yêu dám hận” nhiều bằng ở trong phim Trung Quốc, và nhất là trong phim của bà, các nữ chính đa số đều là những cô gái “dám yêu dám hận” và từ lúc nào câu nói này như một sự khẳng định rằng người nào “dám yêu dám hận” là một người mạnh mẽ can đảm có cá tính. 

Thật ra, yêu và hận nó là cái tâm tình bình thường của con người mà thôi, tất cả chúng ta đều như vậy, nó là thứ cảm xúc thông thường nhất, có gì đâu mà dám với không dám. Ai tốt với ta ta sẽ tốt lại với họ, ai ghét bỏ ta ta cũng đâu yêu thương lại được. Chẳng qua là trong tình cảm nam nữ, chữ yêu hận này được biểu hiện ra ở mức độ cao nhất. Hai người dưng xa lạ, khác giới tính, lại yêu nhau, lại quan tâm lẫn nhau, đó là một sự thu hút đặc biệt, cảm giác đặc biệt, và khi cho nhau thưởng thức cảm giác đặc biệt như vậy thì yêu nhau nồng thắm. Đang nồng thắm thế mà một kẻ quay lưng phản bội thì bảo sao không hận? Vậy người thực sự mạnh mẽ can đảm và có cá tính phải là người “không hận” mới đúng.

Đứng trước sự cám dỗ của ái tình mà “không yêu”, trước sự phản bội mà “không hận”, và hơn hết, trong cuộc hành trình Tạo Hóa đã ban cho sinh mệnh, trước lão- bệnh- tử thản nhiên đối diện, không chọn từ bỏ sinh mệnh mới là người mạnh mẽ can đảm thực sự, mới là người tài giỏi đáng được ca ngợi. 

(ảnh: Weibo)

Tiễn biệt bà, có lẽ khán giả mãi mãi vẫn sẽ yêu thích những tiểu thuyết và phim ảnh của bà, bởi nó hợp với cái tình thường của con người, vui có buồn có, yêu có hận có, xem phim bà thì lúc cười lúc khóc như kẻ điên. Mặc dù vậy, nếu quá ngưỡng mộ và xem các nhân vật chính của bà hay chính bà là một tấm gương để noi theo thì e là… sẽ chiêu mời lắm nỗi nhiêu khê.

x