Nhân sinh cảm ngộ

Nỗi đau là lời nhắc nhở và cũng là một liều thuốc tốt

24/11/21, 07:59
Nỗi đau là lời nhắc nhở và cũng là một liều thuốc tốt
Nỗi đau là lời nhắc nhở và cũng là một liều thuốc tốt (ảnh minh họa Adobestock)

Thông thường ai cũng sợ nỗi đau, cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng nếu không thể cảm nhận được nỗi đau thì còn đáng sợ hơn nữa.

Nỗi đau chỉ là một loại cảm giác

Nỗi đau luôn song hành với tôi, đặc biệt là sau khi phẫu thuật cắt cụt chân. Ban đầu tôi rất sợ đau, nhất là những khi thay thuốc và tập chân giả.

Cho đến một ngày tôi xem được một bộ phim, và có một đoạn trong đó khiến tôi ấn tượng sâu sắc. Khi đó võ sĩ Dư Văn Nhạc đóng vai bị thương ở tay. Trên tay anh đầy thạch cao, anh muốn đấm nhưng lại sợ đau. 

Sư phụ của anh ấy nói rằng: “Nỗi đau chỉ là một cảm giác. Chúng ta có thể đem một cảm giác nào đó và đặt tên là ‘đau đớn’; cảm thấy rằng nó là thứ không tốt. Nhưng nói cho cùng thì nó cũng chỉ là cảm giác mà thôi. Cảm giác kỳ thực là không có tốt hay xấu, nó cũng giống như mùi hương. Có người nói sầu riêng là hôi, mà cũng có người nói là thơm. Con có thể định nghĩa nó theo nhu cầu của riêng mình. Nỗi đau cũng là như vậy, nếu như con cần nó thì con cũng có thể thích cảm giác đau đớn”.

Nỗi đau là gì; Đau đớn là gì; Niềm đau
Thay vì sợ hãi thì có thể cảm thấy thích nỗi đau (ảnh minh họa Adobestock)

Sau khi xem xong, tôi nghĩ mình sẽ áp dụng nó khi tập đi chân giả. Kỳ thực đau đớn không phải là không thể chịu được. Nếu như tôi cảm thấy tôi không thể chịu được, thì thực sự là tôi sẽ không chịu được. Ngược lại, nếu như tôi nghĩ là mình có thể chịu được, vậy thì chính là có thể chịu được. Nó phụ thuộc vào việc tôi có sẵn sàng chịu đựng nó và chấp nhận nó hay không.

Không cảm nhận được sự đau đớn sẽ rất nguy hiểm

Tôi đột nhiên phát hiện ra rằng, cảm giác đau đớn đang đánh lừa người ta. Nếu bạn bị nó lừa dối, bạn sẽ phóng đại nỗi đau lên vô hạn và trở nên quá lớn để có thể chịu đựng nó. Nhưng nếu như bạn lừa nó, bạn có thể dịch chuyển nỗi đau và điều khiển nó. Giống như khi tôi đang thay thuốc, nếu như có việc gì làm mất sự tập trung của tôi, vậy thì thời gian thay thuốc cũng diễn ra rất nhanh. Còn nếu như tôi quá chú ý đến cơn đau này thì sẽ cảm thấy không thể chịu được.

Do đó, nỗi đau thực chất là một cảm giác và có thể kiểm soát được. Bạn có thể tự điều chỉnh nó, tất cả đều phụ thuộc vào suy nghĩ của chính bạn.

Cảm giác đau đớn; Những cảm giác đau đớn nhất; Điều khiển cảm xúc của chính mình
Chúng ta có thể điều khiển được cảm giác của bản thân (ảnh minh họa Adobestock)

Có lần tôi nhìn thấy bức ảnh của những bệnh nhân phong, và tôi đã lập tức bị sốc. Những bệnh nhân phong đó mất đi cảm giác đau đớn và không thể cảm nhận được nỗi đau. Thoạt nghe thì có vẻ là may mắn, nhưng thực tế, để mất cảm giác đau đớn là điều rất nguy hiểm. 

Giả sử người đó bị một cây đinh đâm vào thì dù có đi cả ngày cũng không phát hiện ra. Ngay cả khi trên cơ thể họ có chỗ nào bị thối rữa thì họ cũng không cảm nhận được. Vì vậy mới có một số người bị mất một chân, một số người mất tay, có người thì bị mất đi đôi mắt.

Nỗi đau là lời nhắc nhở

Tôi chợt nhận ra rằng, nỗi đau chính là lời nhắc nhở, nhắc nhở chúng ta phải tự bảo vệ mình. Người ta phải biết trân trọng nỗi đau, chứ không chỉ mãi ghét bỏ nó. Giống như tôi bị ngã, bởi vì tôi biết ngã rất nguy hiểm nên tôi sẽ tìm cách để tự bảo vệ mình.

Nếu bạn nhận thức được cơn đau, ý thức được sự cảnh báo của cơ thể, như vậy thì bạn sẽ có tâm cảnh giác. Bằng cách này, bạn sẽ giải quyết nó một cách nghiêm túc, và bạn có thể chịu đựng được nó trong mọi tình huống. Ngược lại, nếu bạn chưa bao giờ nghĩ đến nó trước đây và nó đột ngột xuất hiện; như vậy thì bạn sẽ khó có thể chịu đựng được. Đây là lý do tại sao khi đối mặt với bệnh tật, có người có thể hết sức bình tĩnh, có người lại không chịu nổi. Sự khác biệt nằm ở tâm thái của mỗi người.

Tâm của chúng ta cũng giống như vậy. Ví dụ trong một mối quan hệ, nếu bạn cảm thấy có điều gì đó không ổn, bạn có thể nhận thức sâu sắc nỗi đau của đối phương, nhận thức được vấn đề của hai người; vậy thì bạn sẽ cảnh giác và nghĩ ra cách nào đó để giải quyết vấn đề. Ngược lại, nếu như bạn không nhận thấy bất kỳ điều gì, bạn có thể thức dậy vào một buổi sáng nào đó và người bên cạnh bạn sẽ vĩnh viễn biến mất.

Cách điều khiển cảm xúc của bản thân; Học cách điều khiển cảm xúc; Lời nhắc nhở
Cảm nhận để yêu thương và trân quý mọi thứ xung quanh bạn (ảnh minh họa Adobestock)

Cảm nhận niềm đau để trân quý tất cả

Một người bạn đã kể cho tôi nghe một câu chuyện như vậy. Cô ấy nói rằng trước khi chia tay cô không để ý chồng mình có gì không đúng; cô cảm thấy họ rất yêu thương nhau và không có vấn đề gì cả. Tôi nghĩ đây là một dạng tê liệt về cảm xúc; tê liệt về cảm xúc và tê liệt về thể chất đều nguy hiểm như nhau. Chỉ cần bạn hơi đau một chút mà không biết, cơn đau sẽ từ từ nở ra; bỗng một ngày bạn sẽ mất đi đôi tay, đôi chân của mình và những người bạn yêu thương.

Điều này đúng ngay cả trong công việc, nếu bạn không chú ý đến phản hồi từ những người xung quanh, bạn sẽ gặp nguy hiểm. Vì vậy cảm nhận được nỗi đau cũng giống như là phép thử độ nhạy cảm của một người. Bạn càng cảm nhận được nhiều thì bạn sẽ càng trân quý hơn tất cả những thứ xung quanh bạn.

Nỗi đau cũng giống như niềm vui sướng, nó đều có thể đẩy cảm xúc của bạn lên cao, và bạn hoàn toàn có thể điều khiển được nó.

Theo Vision Times

x