Văn hóa truyền thống

Đêm Noel: Ngày Chúa giáng sinh, ngày sum họp gia đình

23/12/20, 11:14
Chúa giáng sinh
Các mục đồng chiêm bái Giêsu Hài Đồng, tranh vẽ của Gerard van Honthorst, năm 1622 (ảnh Wikipedia)

Gần đến Noel không khí trở nên se lạnh, như để nhắc nhở mọi người chuẩn bị cho một dịp lễ quan trọng trong năm; nhắc nhở mọi người tạm ngơi nghỉ trở về sum họp với gia đình. Ánh nến lung linh, đèn hoa lấp lánh, tiếng chuông giáo đường ngân vang, một mùa Giáng sinh an lành lại đến thế gian.

Đêm Noel 24/12

Lễ Giáng Sinh, còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh, Noel hay Christmas. Đây là một lễ hội thường niên kỉ niệm ngày sinh của Chúa Giêsu. Theo niềm tin của phần lớn các tín hữu Kitô giáo, Chúa Giêsu được sinh ra tại Bethlehem, xứ Judea, thuộc Đế quốc La Mã (nay là một thành phố của Palestine) vào khoảng giữa năm 7 TCN và năm 2.

Ngay từ thời kỳ Kitô giáo sơ khởi, dù ban đầu Giáo hội chưa cử hành lễ mừng kính sự giáng sinh của Chúa Jesus nhưng ngày 25 tháng 12 đã được coi là sinh nhật Chúa Giêsu. Trong nhiều thế kỷ, những sử gia Kitô giáo đã chấp nhận ngày 25 tháng 12 này.

Ngày lễ giáng sinh được cử hành chính thức vào ngày 25 tháng 12. Nhưng thường được mừng từ tối ngày 24 tháng 12. Bởi theo lịch Do Thái, thời điểm tính bắt đầu một ngày là lúc hoàng hôn chứ không phải nửa đêm. Lễ chính thức ngày 25 tháng 12 được gọi là “lễ chính ngày”; còn đêm 24 tháng 12 gọi là “lễ vọng” và thường thu hút nhiều người tham dự hơn. 

Hang đá và máng cỏ được trang trí Thánh đường hay các hộ gia đình
Hang đá và máng cỏ được trang trí ở Thánh đường hay các hộ gia đình (ảnh Wikipedia)

Ý nghĩa của Lễ Giáng sinh

Vào đêm 24 tháng 12, tất cả các địa điểm như thánh đường hay mỗi hộ gia đình đều trang trí hang đá với máng cỏ. Bên trong có tượng chúa Hài đồng và tượng Đức Mẹ Maria. Ở xung quanh là những chú lừa, tượng Ba Vua, một số thiên thần, thánh Giuse…

Trước đây, Noel là một ngày lễ kỷ niệm Chúa Jesus ra đời. Nhưng hiện nay, ngoài ý nghĩa theo đạo Thiên Chúa, Noel còn là một ngày lễ lớn của các gia đình; một ngày đặc biệt để tụ tập quây quần mọi người, mọi thế hệ trong gia đình.

Đồng thời, lễ Giáng sinh hay Noel cũng là một thông điệp của hoà bình. Đó là Vinh danh Thượng Đế trên cao – Bình an cho người thế gian. Đây cũng là ngày mọi người có thể dành cho nhau sự cảm thông và sẻ chia. Quan tâm, yêu thương với những người có nhiều thiệt thòi; người bị bỏ rơi; người cô đơn và những người bệnh tật, già yếu…

NOEL có gốc từ tiếng Latinh “Nātālis (diēs)” có nghĩa là “(ngày) sinh”. Cũng có ý kiến cho rằng tên gọi “Noel” xuất phát từ danh hiệu EMMANUEL. Trong tiếng Hebrew nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” – được chép trong sách Phúc âm Mátthêu.

Trong tiếng Anh, ngày lễ này được gọi phổ biến là Christmas. Chữ Christ là tước hiệu của Chúa Giêsu, còn chữ Mas nghĩa là thánh lễ. Do đó Christmas theo nghĩa chiết tự là “ngày lễ của Đức Kitô”. “Christ” mượn từ tiếng Hy Lạp “Χριστός (/Khristós/), mở đầu bằng chữ cái “Χ” nên “Christmas” còn được viết tắt là “Xmas”.

Ông già Noel

Hình ảnh ông già Noel đã gắn liền với các mùa Lễ Giáng sinh
Hình ảnh ông già Noel đã gắn liền với các mùa Lễ Giáng sinh (ảnh Wikipedia)

Santa Claus, hay Ông già Noel, Ông già Giáng sinh, Ông già Tuyết, là nhân vật đóng vai trò như là một nhân tố gắn liền với mùa Lễ Giáng Sinh; giống như cây thông Noel.

Ông già Noel được cho là sinh sống tại Bắc Cực với những người lùn. Ông dành đa số thời gian để chuẩn bị quà, đồ chơi cho trẻ em với sự giúp đỡ của những chú lùn. Vào dịp Giáng Sinh, ông nhận được rất nhiều thư từ trẻ em khắp thế giới. Và mỗi đêm Giáng sinh, ông lại bắt đầu cuộc hành trình của mình với cỗ xe kéo bởi chín con tuần lộc để mang quà và đồ chơi cho các em thiếu nhi.

Hình ảnh tiêu biểu của ông già Noel là một ông già mặc bộ đồ màu đỏ viền trắng; thắt lưng màu đen; đội chiếc mũ đỏ với chòm râu dài trắng; gương mặt phúc hậu; mang túi đầy quà tặng cho trẻ em, đã tồn tại trong nhiều văn hoá; đặc biệt ở các nước phương Tây.

Hình ảnh này đã trở nên phổ biến ở Hoa Kỳ và Canada vào thế kỷ 19. Cũng là do ảnh hưởng đáng kể của bài thơ “Chuyến thăm từ Thánh Nicholas” năm 1823 của họa sĩ biếm họa và vẽ tranh biếm họa chính trị Thomas Nast. Hình ảnh này đã được duy trì và củng cố cho đến ngày nay thông qua các bài hát, đài phát thanh, truyền hình, sách thiếu nhi, phim ảnh và quảng cáo.

Cây thông Noel

Cây thông được trang trí trong dịp Lễ Giáng sinh
Cây thông được trang trí trong dịp Lễ Giáng sinh (ảnh Wikipedia)

Theo câu chuyện xưa kể lại, vào đêm Noel, một người tiều phu nghèo trên đường trở về bất ngờ gặp đứa trẻ đang lả đi vì đói. Dù hoàn cảnh bản thân cũng khó khăn, nhưng người đàn ông vẫn nhường đứa bé chút thức ăn và mang tới giấc ngủ yên lành.

Hôm sau khi tỉnh giấc, người tiều phu bất ngờ thấy một cây thông xanh tươi trước cửa nhà. Khi ấy, ông mới biết người mình giúp đỡ là Chúa cải trang và tặng ông cây thông như một món quà cho Giáng sinh.

Một câu chuyện khác kể lại về Thánh Boniface. Trên đường hành hương ngài bỗng bắt gặp những kẻ sùng đạo đang tập trung quanh cây sồi lớn; dùng một đứa bé để tế thần. Để cứu đứa trẻ, Thánh Boniface đã hạ gục cây sồi bằng nắm đấm. Tại đó mọc lên cây thông nhỏ. Vị Thánh nói với những kẻ sùng đạo, cây thông là biểu tượng cho sự sống; tượng trưng cho cuộc sống vĩnh hằng của Chúa cứu thế.

Tới thế kỷ 16, phong tục trang trí cây thông vào dịp Giáng sinh mới bắt đầu phổ biến ở Đức. Và chính Đức là quốc gia đầu tiên ở châu Âu có phong tục trang trí cây thông trong dịp Noel.

Lễ giáng sinh ở Việt Nam

Ngày nay, ở Việt Nam, dù không phải là ngày nghỉ chính thức nhưng Giáng sinh dần dần được coi như một ngày lễ chung; thường được tổ chức vào tối 24 và sang ngày 25/12. Một số công ty, tổ chức tư nhân có thể cho nhân viên nghỉ trong ngày Giáng sinh.

Trong những ngày này, cây thông Noel được trang trí ở nhiều nơi. Có thể là cây nhân tạo làm bằng nhựa; hoặc cây thật thường là thông ba lá hoặc thông đuôi ngựa. Trong khi ở các nước phương Tây dùng đa dạng các loài thông, vân sam, lãnh sam. 

Trên cây người ta thường treo nhiều đồ trang trí khác nhau. Nhưng thường là có những cặp chuông, dây giả tuyết; những chiếc ủng, các gói quà tượng trưng và đèn trang trí giống như các nước phương Tây.

Lễ Giáng sinh ở Việt Nam là một dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Trong đêm Giáng sinh, những đôi tình nhân âu yếm tặng quà cho nhau; trẻ em háo hức chờ sự xuất hiện của ông già Noel; gia đình bè bạn rủ nhau hội hè, yến tiệc, hát karaoke… Và đặc biệt là những người Công giáo thì chuẩn bị tham dự thánh lễ tại thánh đường giáo xứ hoặc giáo họ của mình.

x