Nhân sinh cảm ngộ

Thế nào là người thực sự lợi hại?

20/01/22, 08:24
Thế nào là người lợi hại?
Người lợi hại là người như nước, ở đâu cũng chảy được, cũng khó ai biết được độ nông sâu (ảnh: Pexels).

Người thực sự lợi hại là người như thế nào? Đại đa số, đó là người trầm mặc ít nói, không phô trương. Ngược lại, người nông cạn lại thích dùng lời nói để phô trương thanh thế.

Người lợi hại không cần tranh đua

Có câu rằng: “Sơn ngoại thanh sơn lâu ngoại lâu, cường trung tự hữu cường trung thủ”, có nghĩa là bên ngoài núi cao còn có núi cao hơn, người mạnh còn có người mạnh hơn.

Làm người hãy như nước: Hỏi lòng không hổ thẹn, thanh đạm trong sạch
Người lợi hại không cần cạnh tranh (ảnh: pixabay)

Một người kiến thức càng hữu hạn, càng dễ thấy tự mãn. Vào thời Tống có một vị danh sĩ. Ông ta tự cho rằng mình học thức uyên bác. Ông nghe nói nhà thơ Dương Vạn Lý có học vấn cao hơn mình nên không khâm phục và viết thư nói muốn thi thơ.

Khi nhận thư, Dương Vạn Lý không giữ hận trong lòng, chỉ trả lời: “Nghe nói quê ông có món “Phối diêm u thục” rất nổi tiếng. Nhờ ông khi tới hãy mang cho tôi một chút”. Vị danh sĩ đọc xong thư thì ngẩn cả người. Ông ta chưa nghe thấy món ăn này. Cuối cùng ông tay không tới gặp nhà thơ nọ.

Sau khi hai người gặp mặt, ông ta ngại ngùng hỏi: “Món ăn mà ông đề cập là món gì vậy?”. Nhà thơ nghe xong, lặng lẽ lấy cuốn sách “Vận lược” ra tìm tên món ăn. Ở đó viết: “Chao đậu tương ngâm muối”.

Vị danh sĩ bừng tỉnh, hóa ra đây chỉ là món chao đậu bình thường. Ông ta xấu hổ đến mức muốn độn thổ cho xong.

Tục ngữ xưa có câu: “Không thấy núi cao, không hiện được bình địa; không thấy biển rộng, không biết được sông suối”. Núi cao không tự nói, cũng không giảm được sự hùng vĩ của núi; nước chảy không ganh đua, cũng không ẩn dấu được sự sâu thẳm của nước. 

Người lợi hại không tự đi tranh luận

Chuyện rằng một ngày nọ, Trình Khứ – nhà nho học thời Bắc Tống tới thăm tể tướng Phạm Thuần Nhân đã từ chức. Họ vừa uống trà, vừa nói chuyện. Khi nói về những việc đã qua; Trình Khứ thẳng thắn không kiêng kỵ phê bình: “Năm đó, nhiều việc ông xử lý có rất nhiều thiếu sót”.

Phạm Thuần Nhân không biết nhà nho đang đề cập tới chuyện gì, liền nói: “Ông không ngại có thể nói thẳng giúp”.

Trình Khứ nói: “Năm thứ hai khi ông nhận chức tể tướng; tại khu vực Tô Châu xảy ra việc bọn cường bạo cướp lương thực của dân. Khi đó, nhẽ ra ông nên thẳng thắn nói lý trước mặt hoàng thượng. Tuy nhiên ông lại chẳng nói năng gì, dẫn tới nhiều người dân vô tội phải chịu tổn thất”.

Phạm Thuần Nhân vội vàng cúi đầu xin lỗi: “Đúng vậy, lúc đó tôi nên thay bách tính lên tiếng”.

Trình Khứ nói tiếp: “Năm thứ ba sau khi ông nhận chức tể tướng; vùng Giang Tô và Chiết Giang xảy ra thiên tai, người dân ở đây chỉ có thể ăn vỏ cây lót dạ cho đỡ đói. Quan viên địa phương bẩm báo nhiều lần, nhưng ông mặc kệ không để ý”.

Phạm Thuần Nhân vô cùng hổ thẹn nói: “Đây thực sự là tôi không làm tròn bổn phận”. Sau đó, Trình Khứ còn trách cứ ông một số việc nữa, ông đều thẳng thắn nhận sai lầm.

Người thực sự trưởng thành không đi giải thích một cách vô vị

Có câu cổ ngữ rằng: “Thượng thủy vô ngôn, bất ngữ đại đức”. Người thực sự trưởng thành, cũng giống như nước, khi bị phỉ báng và hiểu lầm; không đi giải thích một cách vô vị, cũng không phí sức đi cãi lại.

Thế nào là người lợi hại?
Người lợi hại sẽ suy nghĩ tích cực trong mọi hoàn cảnh (ảnh: Adobestock)

Nhiều năm sau, hoàng đế triệu kiến Trình Khứ tới hỏi chuyện chính sự.

Trình Khứ say sưa đề xuất với hoàng đế về sách lược an bang  trị quốc. Sau khi nghe xong, Hoàng đế cảm khái nói: “Phong độ của khanh rất giống với Phạm Thuần Nhân khi xưa”.

Trình Khứ không nhịn được hỏi: “Lẽ nào Phạm Thuần Nhân từng thẳng thắn đề đạt ý kiến với hoàng thượng?”

Hoàng thượng sai người mang tới một cái hòm, chỉ vào đó và nói: “Trong này tất cả đều là tấu chương của Phạm Thuần Nhân”.

Trình Khứ bán tín bán nghi mở những tấu chương này ra; phát hiện những sự việc khi trước mình chỉ trích, Phạm Thuần Nhân sớm đã bẩm báo lên hoàng thượng. Chỉ vì một nguyên nhân nào đó, nên hoàng thượng không giải quyết mà thôi. 

Người lợi hại không tranh không cãi

Trong “Đạo Đức Kinh” Lão Tử giảng: “Người lương thiện không tranh không cãi; người tranh cãi không phải người lương thiện”.

Trong cuộc sống, bị người khác hiểu lầm là điều khó tránh khỏi. Có nhiều lúc, bạn càng giải thích càng giống như che giấu; càng nóng lòng muốn làm sáng tỏ ngược lại càng nói không được rõ ràng. Cố gắng dùng lời nói để biện minh, không bằng giữ im lặng không nói.

Thế nào là người lợi hại
Người lợi hại thường chăm chỉ làm việc, chỉ cần không thẹn với lương tâm, thanh bạch rõ ràng là đủ

Có những sự hiểu lầm, khi thời gian qua đi, sự thật sẽ được phơi bày; dù chê trách ra sao, khi chân tướng được hiển lộ, tự nhiên sẽ không cần biện minh. Làm người hay làm việc, chỉ cần không thẹn với lương tâm, thanh bạch rõ ràng là đủ. Những người có thể nhẫn nhịn không tranh biện thông thường đều là những người miệt mài làm việc. Họ nhất định là mang trong mình một tâm không tranh với đời.

Trái lại, những người hay tranh biện thật ra không phải là những người thực sự lợi hại. Người chân chính, thiện lương sẽ không cần dùng lời hoa mỹ và khôn khéo để được người khác khen ngợi. Người nói suông mà không thật sự hành động thì cũng chỉ là người không làm được tích sự gì.

Trong tu khẩu, điều đầu tiên phải chú trọng chính là tránh không nói những lời khoa trương, khoác lác, không tùy tiện bình phẩm người khác, chân thành đối đãi với mọi người, giúp mọi người làm việc tốt, gặp ma nạn thì nhẫn nhịn không tranh biện. Đây là những điều mà bậc chính nhân quân tử làm.

Người chín chắn không khoe mình lợi hại ra sao

Câu này ý nói nước dù sâu tới đâu, nước cũng không để lộ, đều để con người tự khám phá; người làm việc chín chắn, không khoe khoang mình lợi hại ra sao. Người thích khoe khoang, sẽ dễ tự chuốc lấy những phiền phức và tai họa không cần thiết.

Phùng Dị là danh tướng nổi tiếng thời Đông Hán, năm đó khi hỗ trợ Quang Vũ Đế Lưu Tú xây dựng Đông Hán, vinh quang hiển hách. Mặc dù quyền cao, nhưng ông lại hết sức khiêm tốn. Trong sinh hoạt hàng ngày, khi gặp các tướng lĩnh, dù họ chức vụ cao hay thấp, ông đều sai lính đánh xe ngựa của mình tránh sang bên đường, đợi họ đi khuất mới tiếp tục lên đường.

Thế nào là người lợi hại?
Người lợi hại có thể sống trong mọi hoàn cảnh (ảnh minh họa Adobestock)

Mỗi lần đánh trận về, quan quân tự luận về chiến công của mình, khoe khoang thành tích, để cầu xin Lưu Tú ban thưởng. Riêng Phùng Dị ngồi dưới gốc cây hóng gió, suy ngẫm lại những được mất trong trận chiến, không đề cập tới những công lao đã phó xuất.

Sau đó, có đại thần vì đố kỵ ông nên nhiều lần tố cáo nói xấu ông với Quang Vũ Đế. Dù vậy, Lưu Tú không hề hoài nghi ông, ngược lại vì ông thường ngày luôn khiêm tốn, nên càng tin tưởng ông hơn.

Trong “Thái Căn Đàm” có câu: “Xử thế bất tất yêu công, vô quá tiện thị công”, ý nói: Bất cứ sự việc gì chỉ cần làm cẩn thận có đầu có cuối, tận hết sức lực, không cần đi kể công, yêu cầu thưởng. Không tranh công, mới chính là công lao lớn nhất. Người thực sự thông minh thường không khoe khoang, phô trương. 

Đức hạnh của nước, tu hành của con người

Làm người hãy ôn nhu như nước. Nước luôn chảy xuôi và đọng lại ở chỗ trũng nhất, thấp nhất. Hồ càng sâu sẽ càng không có sóng. Không đi cạnh tranh cao thấp, là biểu hiện phong độ, phẩm chất của người lợi hại. Không tranh luận đúng sai, không kể công, càng là một loại thanh tỉnh khó có. Khi nhận thức càng thâm sâu, tâm hồn càng khoan dung độ lượng; những điều có thể khuấy động tới tâm bạn, tự nhiên sẽ càng ít. 

Người lợi hại như nước vậy, đem lại lợi ích cho vạn vật mà không tranh giành, bất kể hoàn cảnh nào cũng có thể bao dung vạn vật nhưng bản thân lại vô cùng thuần tĩnh.

Theo Vision times

x