Người càng có nhiều của cải vật chất thì lại càng nhận ra nó không hề mang đến hạnh phúc, mà lại phụ thuộc vào chính những tài sản vô hình.
Nội dung chính
Tài sản vô hình quan trọng hơn tài sản hữu hình
Ai cũng từng nghe câu nói “tiền không mua được hạnh phúc”, nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy không có mấy ai tin vào điều đó. Ngoại trừ những người giàu có cho rằng gia tăng tài sản sẽ không có thêm niềm vui; còn lại đa số mọi người đều nói rằng nếu số tiền của họ tăng lên 10% hay 20% thì sẽ khiến họ sống vui vẻ hơn.
Các giáo sư tâm lý học xã hội đã nhận thấy rằng những kỳ vọng như vậy là sai. Một khi con người có đủ lương thực thực phẩm, quần áo, nhà cửa và các nhu cầu cơ bản khác, thì nguồn gốc của hạnh phúc sẽ nằm ở các yếu tố khác chứ không có liên quan đến tiền.
Một cuộc khảo sát của trường Đại học Michigan cho thấy, tài sản vô hình còn quan trọng hơn là tài sản hữu hình. Vị giáo sư nói: “Hạnh phúc không phải là có nhiều hơn mà là biết cách tận hưởng những gì mình đã có”. Vì vậy, tiền bạc, tuổi tác, giới tính, chủng tộc, học vấn không phải là chìa khóa của hạnh phúc.
Dưới đây là các phương pháp có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn:
Hài lòng với bản thân
Nghiên cứu cho thấy, những người càng biết đủ thì càng có khả năng chịu đựng được những thất bại và khó khăn không thể tránh khỏi trong cuộc sống.
Một cuộc khảo do Đại Học Michigan thực hiện cho thấy: Cảm giác thỏa mãn lớn nhất của đời người, không phải là cuộc sống gia đình, bạn bè, hoặc thu nhập đầy đủ; mà là biết hài lòng với bản thân mình.
Đối với hầu hết mọi người thì luôn có một khoảng cách giữa nguyện vọng và thực tế; và khoảng cách này thường gây ra sự chán nản. Chỉ cần để cho nguyện vọng phù hợp hơn với thực tế, như vậy là có thể hài lòng được rồi.
Ngoài ra, cũng nên tránh so sánh với người khác về ngoại hình, thu nhập, thành tích công việc. Bởi vì càng so sánh sẽ càng khiến bạn bị tổn thương nhiều hơn. Bạn nên hiểu rằng mỗi người đều có một vị trí không thể thay thế trong cuộc sống này; mỗi người là một mảnh ghép còn thiếu cho một bức tranh cuộc sống hoàn chỉnh. Nếu ai cũng như ai thì chẳng phải sẽ rất nhàm chán hay sao?
Tràn đầy hy vọng vào cuộc sống
Vị giáo sư nói: “Một cuộc sống hạnh phúc tràn đầy hy vọng. Bất luận là trong hoàn cảnh nào thì đều giữ được thái độ tích cực”. Nói chung người tích cực sẽ càng khỏe mạnh hơn, càng ít bệnh hơn. Người lạc quan vui vẻ thì cho dù có bệnh tật cũng sẽ nhanh chóng hồi phục.
Nghịch cảnh là điều khó tránh khỏi, nhưng thái độ lại do bạn quyết định. Nếu bạn lạc quan thì chỉ cần đứng dậy bước tiếp và lại thấy ánh sáng phía trước; nếu bạn thất vọng chán chường thì nghịch cảnh vẫn nằm ở đó, và trước mắt bạn chỉ là một màu u tối.
Giả vờ hạnh phúc
Các thí nghiệm đã chứng minh rằng, giả vờ hạnh phúc thường phát huy hiệu quả. Ban đầu bạn sẽ cảm thấy đó là giả, nhưng nếu bạn luyện tập nhiều thì cảm giác giả tạo sẽ tự nhiên biến mất.
Vị giáo sư cho rằng, bạn không thể ngồi đó và chờ cảm giác hạnh phúc xuất hiện mà ngược lại, bạn nên đứng dậy và bắt đầu học các động tác, cách trò chuyện của những người hạnh phúc. Ông nói: “Giả vờ hạnh phúc không thể biến một người hướng nội thành một người hướng ngoại trong 30 ngày; nhưng đó là bước đi đầu tiên đúng hướng”.
Vì vậy hãy cười nhiều hơn, dù trong lòng có đang như thế nào. Tướng tùy tâm sinh và ngược lại, bạn cải biến hoàn cảnh bên ngoài thì từ từ cũng khiến tâm trạng vui lên.
Ngủ đủ giấc
Theo Hội đồng Cải thiện Giấc ngủ Hoa Kỳ, cứ 5 người Mỹ thì có 1 người không ngủ đủ giấc. Những người bị mất ngủ không phải là những người hạnh phúc. Chỉ có ngủ đủ giấc mới có lợi cho sức khỏe, tăng năng suất làm việc, giảm thiểu tai nạn.
Sống điều độ và kỷ luật hơn với bản thân sẽ giúp bạn có một cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc hơn.
Chú ý đến các mối quan hệ
Một mối quan hệ tốt rất có lợi cho sức khỏe. Tình bạn tốt giúp giãi bày nỗi đau nội tâm. Nếu không có bạn thân thì thật là khá gay go. Một cuộc khảo sát ở Phần Lan cho thấy, những người mất vợ hoặc chồng có tỉ lệ tử vong tăng cao rõ rệt.
Những mối quan hệ thân thiết cũng có thể làm tăng mức độ hạnh phúc. Khảo sát cho thấy những người cô độc thường cảm thấy cuộc sống vô nghĩa.
Kết hôn
Những người đã kết hôn hạnh phúc hơn những người độc thân. Vị giáo sư nói: “Một cuộc hôn nhân hạnh phúc có thể thiết lập một mối quan hệ lâu dài và gắn bó; và mối quan hệ này có thể tạo ra cảm giác hạnh phúc”.
Hạnh phúc dẫn đến hôn nhân hay hôn nhân dẫn đến hạnh phúc? Vị giáo sư cho rằng, nó có sự tác động qua lại lẫn nhau. Những người hạnh phúc sẽ có lực hấp dẫn hơn là những nguời hay ưu sầu, bởi vậy sẽ có nhiều khả năng để kết hôn hơn.
Con người dành cả đời tích cóp tài sản hữu hình để rồi nhận ra thứ mang lại hạnh phúc cho mình lại là tài sản vô hình, là thứ mà bản thân luôn có thể nắm giữ.
Theo Epoch Times
Xem thêm video: