Nhân sinh cảm ngộ

Nghèo không trách cha, khổ không đổ lỗi cho vợ

14/01/23, 06:50
Nghèo không trách cha, khổ không đổ lỗi cho vợ

Người có tu dưỡng thì nghèo không trách cha, không tỏ ra hiếu thuận cha mẹ hơn anh chị em, khổ không trách vợ, không trút giận lên các con.

Tính cách của một người thể hiện qua thái độ của người đó đối với những người thân yêu của họ. Trong cuộc đời, chúng ta gặp gỡ và quen biết vô số người, nhưng không có nhiều người thực sự quan trọng.

Cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái mới là những người có mối liên hệ mật thiết đến chúng ta nhất, và cũng là những người cần đến sự có mặt và tình yêu thương của chúng ta nhất.

Họ là những người sống thật nhất với chúng ta và là những người đáng tin cậy nhất trong cuộc đời này. Bởi vậy, càng sống và trải nghiệm, chúng ta càng thấu hiểu bốn chân lý: nghèo không trách cha, không tỏ ra hiếu thuận cha mẹ hơn anh chị em, khổ không trách người chung chăn gối và không trút giận lên các con.

Nghèo không trách cha

Cha mẹ là người sinh ra ta, cho ta cuộc sống, nuôi dưỡng ta khôn lớn, giáo dục ta nên người. Phận làm con, chúng ta phải biết ơn về điều đó. Đừng vội vô ơn mà trách cha mẹ nghèo, không kiếm được nhiều tiền, để cho bạn một cuộc sống sung túc hơn, bởi đôi khi cuộc đời không như ý muốn. Họ cũng đã rất nỗ lực, chẳng phải bạn cũng biết điều đó hay sao?

Nghèo không trách cha, khổ không đổ lỗi cho vợ, không trút giận lên con cái
Người trong gia đình là những người luôn yêu thương ta nhất (ảnh: Aboluowang)

Cha mẹ cho ta hình hài, nếu muốn một cuộc sống tốt hơn, chúng ta hãy nỗ lực bằng khả năng của chính mình. Bạn chọn sống như thế nào và tương lai của bạn ra sao phụ thuộc vào việc bạn có vâng lời cha mẹ chăm chỉ học tập và làm việc tận tâm hay không. Chứ không phải bạn bất lực trước hoàn cảnh của mình và quay ra phàn nàn rằng cha mẹ của bạn không thể cho bạn những gì bạn muốn.

Một người nếu luôn giữ được lòng hiếu thuận, tôn kính cha mẹ, không trách cha mẹ nghèo thì tương lai sẽ có cơ hội gặp nhiều may mắn.

Hiếu thảo không hơn thua anh chị em

Việc chúng ta đối xử tốt với cha mẹ xuất phát từ tấm lòng biết ơn cha mẹ. Đừng so sánh mình với anh chị em; mỗi người một hoàn cảnh nên sẽ có các cách khác nhau để báo hiếu với cha mẹ. Lòng hiếu thảo không ai hơn ai cả, tất cả phụ thuộc vào ý thức của bản thân.

Nhất là khi bố mẹ ốm đau nằm viện, bạn nên tự lo liệu, lo ăn uống, không nên có ý kiến ​​gì với anh chị em khác. Hiếu thảo với cha mẹ lại so đo, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến mâu thuẫn và khiến cha mẹ càng thêm buồn bã, thất vọng. Tận tâm làm tròn bổn phận của một người con đối với cha mẹ là việc mà một người con nên làm. Nếu so sánh chữ hiếu thì đó chẳng phải là giả tạo sao?

Khổ không trách vợ 

Vợ chồng là người cùng ta chung sống, cùng nhau già đi, cùng trải qua những vui buồn, thăng trầm của cuộc sống, cùng ta hết lòng nuôi dạy con cái. Vậy nên phải thương và trân trọng lẫn nhau. Thế nhưng vẫn có một số người đàn ông, khi lâm vào cảnh túng thiếu sẽ đổ hết lỗi lên đầu người vợ; họ cho rằng chính vợ là người cản trở sự nghiệp, mang lại xui xẻo cho cuộc đời mình.

Nghèo không trách cha, khổ không đổ lỗi cho vợ, không trút giận lên con cái
Tình nghĩa vợ chồng là không thể cô phụ (ảnh: Nguyenuoc)

Kỳ thực, một người đàn ông có năng lực sẽ không bao giờ đổ lỗi cho người khác. Họ luôn tìm ra nguyên nhân từ chính những thiếu sót của mình, thay vì trốn tránh trách nhiệm và đổ lỗi cho vợ. Một khi trách móc, tất yếu sẽ nảy sinh mâu thuẫn, ảnh hưởng đến hòa khí gia đình và làm tổn thương tình cảm vợ chồng.

Không trút giận vào con cái

Có nhiều người nổi giận với con cái khi họ bị đối xử tệ bạc trong công tác hoặc chịu quá nhiều áp lực trong cuộc sống; tâm trạng của họ không tốt và họ không có nơi nào để trút giận.

Trong suy nghĩ của họ, đứa trẻ do chính họ sinh ra, họ đang phải lao động vất vả để nuôi chúng, cho nên họ dữ dằn một chút cũng là lẽ đương nhiên. Trên thực tế, đối với trẻ em, không khí trong gia đình có tác động lớn đến tâm lý của chúng. Bạn từng nghe câu nói này chứ: Người hạnh phúc dùng tuổi thơ để hàn gắn cuộc đời, còn người bất hạnh dùng cả cuộc đời để khâu vá vết thương tuổi ấu thơ. 

Con của bạn tuy còn nhỏ nhưng chúng có nhận thức và có lòng tự trọng, việc chà đạp lên lòng tự trọng bằng sự mắng nhiếc hay những trận đòn vô cớ sẽ khiến trẻ bị tổn thương và dần trở nên chai sạn cảm xúc, lúc này chúng sẽ trở nên lãnh cảm và ngày càng khó dạy dỗ hơn.

Nghèo không trách cha, khổ không đổ lỗi cho vợ, không trút giận lên con cái
Bạo lực dù là ngôn ngữ hay thể xác đều sẽ khiến trẻ tổn thương nghiêm trọng (ảnh: Suckhoehangngay)

Áp lực của bạn không thể mang ra để con cái phải chịu đựng; chẳng phải bạn cũng mệt mỏi với áp lực, sự chỉ trích và những khó khăn ngoài cuộc sống rồi hay sao? Hãy dùng tình thương và sự kiên nhẫn để giáo dục chúng. Sự nhẫn nại, bao dung của bạn có thể gây dựng cho con suy nghĩ tích cực và niềm tin về một thế giới tươi đẹp.

Tính cách của một người có thể được nhìn thấy từ thái độ của người đó đối với những người thân của mình. Người có đức tính tốt, biết tu dưỡng bản thân thì không trách cha nghèo, không so sánh chữ hiếu với anh chị em, không oán trách bạn đời và không trút giận lên con cái. Người nào làm được bốn điểm này thì gia đình êm ấm, cuộc sống ngày càng tốt đẹp.

Theo AboluoWang

x