Một người trong tâm chứa gì thì sẽ biểu hiện ra bên ngoài như thế; vì vậy phải rất cẩn thận với những thứ tiếp xúc hàng ngày, bởi nó sẽ tác động rất nhiều đến tư tưởng của chúng ta. Ngày nay là thời kỳ bùng nổ thông tin, nên ngành truyền thông đã trở thành một thế lực vô cùng lớn. Nếu không chú ý, con người sẽ bị lèo lái đi lúc nào không hay.
Nội dung chính
Người xưa “làm truyền thông” như thế nào?
Nam quốc sơn hà
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
(Bản dịch của Trần Trọng Kim)
Hồi nhỏ khi học 4 câu thơ này tôi có một cảm giác thần thánh lắm; cứ như rằng nước Việt này trong Thiên thư đã định phận là của người Việt rồi; không ai có thể xâm phạm nổi nữa đâu. Và khi cái tuổi còn ngây thơ mà được học bài thơ như vậy nó khiến cho tôi cũng vững lòng vững dạ.
Lớn lên mới biết, hóa ra chẳng có thiên thư nào viết như thế cả; đó chỉ là một cách mà Lý Thường Kiệt làm “truyền thông” thôi. Quân Tống lúc đó có ý định xâm lược, Lý Thường Kiệt đem quân chặn ở bờ sông Như Nguyệt (sông Cầu); thấy quân Tống đánh hăng quá, ông sợ tướng sĩ ngã lòng mà cố tình viết bài thơ như thế; rồi đang đêm, Lý Thường Kiệt cho người vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát, ở phía Nam bờ sông, giả làm Thần đọc vang bài thơ trên. Nhờ thế tinh thần binh sĩ lên rất cao.
Thời sau Nguyễn Trãi lấy mỡ viết lên lá cây “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” để cho kiến đục lá ăn theo mùi mỡ mà thành chữ. Khi lá rụng, dân chúng thấy lạ lượm lên coi rồi tin rằng Trời đã có điềm báo trước Lê Lợi nhất định là có chân mệnh làm vua; và quân Minh chắc chắn sẽ thua nên hùa theo giúp sức cho Lê Lợi.
Vì sao nói ngành truyền thông đã trở thành một thế lực vô cùng lớn?
Ngày xa xưa ấy, khi chưa có báo chí, tivi, internet, facebook, youtube…người ta đã nghĩ ra những cách làm truyền thông như thế; đưa ra những thông tin nào đó để có thể thúc đẩy, lèo lái suy nghĩ, tâm lý, thái độ… của đại đa số quần chúng theo chiều hướng có lợi cho mình. Mục đích tối hậu là khiến họ tin và sẽ ảnh hưởng tới hành động sau đó của họ. Như vậy, rõ ràng ngành truyền thông là một thứ vũ khí vô cùng lợi hại mà bất cứ tổ chức nào cũng cần tới.
Theo số liệu khảo sát nghiên cứu của YouGov – một công ty nghiên cứu thị trường của Anh cho biết, người Việt Nam sử dụng mạng xã hội để cập nhật tin tức và các sự kiện đang diễn ra là 63% và để tìm những nội dung thú vị hấp dẫn là 53%.
Omnibus Jake Gammon, người đứng đầu của YouGov đã nhận xét rằng: “Người Việt Nam yêu thích mạng xã hội. Mạng xã hội hiện đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Việt Nam; khi trung bình họ dành trên 1/4 thời gian mỗi ngày cho các nền tảng mạng xã hội”.
Chúng ta tiêu tốn bao nhiêu thời gian cho mạng xã hội?
1/4 thời gian một ngày sẽ là 6 giờ. Vậy trừ trung bình 8 tiếng để ngủ, 8 tiếng đi làm; còn lại 8 tiếng cho các hoạt động di chuyển, ăn uống, vệ sinh cá nhân, đọc sách, chơi đùa… Vậy mà trong 8 tiếng để làm những việc này người ta đã tranh thủ được 6 tiếng cho mạng xã hội; tức chỉ còn lại khoảng 2 tiếng cho các việc kia. Mà người ta tranh thủ được cũng là nhờ điện thoại thông minh nhỏ gọn ra đời; họ có thể trong lúc đang ăn, nấu cơm, hoặc khi đã nằm trên giường rồi mà vẫn có thể lướt mạng.
Vậy trong khoảng 6 giờ đó người ta đọc tin tức; xem các chương trình hoặc tán gẫu với những người quen cũng như người lạ trên mạng. Nhu cầu đó thật là khủng khiếp, nó gần bằng với nhu cầu ngủ mỗi ngày của con người. Vì vậy, những gì mà ngành truyền thông truyền bá trên mạng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến bản thân chúng ta.
Các thông tin lan truyền trên mạng xã hội thì nhiều vô kể; nếu chúng ta không tỉnh táo phân định ra cái nào có lợi, cái nào có hại thì có thể sẽ bị ngấm độc từ truyền thông từng chút từng chút mỗi ngày mà không hề hay biết.
Ngành truyền thông đang kiểm soát tư tưởng của chúng ta
Những sự kiện gần đây nhất mà ai cũng thấy được sức mạnh khủng khiếp của ngành truyền thông là sức ảnh hưởng của nó lên cuộc tranh cử tổng thống Mỹ vào cuối năm 2020. Rất nhiều tờ báo mà người ta vẫn cho là công tâm thì vào lúc then chốt lại chỉ đưa tin có lợi cho một bên nào đó; rõ ràng là muốn điều hướng dư luận, chứ không phải đưa tin về sự thật – một tiêu chí cốt lõi cần phải có của báo chí. Nước Mỹ trong quá khứ và nước Mỹ hiện tại là minh chứng hùng hồn sống động nhất về sức tàn phá của ngành truyền thông mà cả thế giới không ai không thấy.
Lâu rồi tôi có đọc một bài báo về lời khuyên của một bà mẹ cho con gái khi lần đầu đến nhà bạn trai ăn cơm là “con không được rửa chén”. Ý rằng con gái là cành vàng lá ngọc của cha mẹ; không phải đi làm cái việc của kẻ ăn người ở cho ai cả; dù là ngày đầu hay là những ngày trong tương lai (nếu có) khi gia đình bạn trai trở thành nhà chồng của mình.
Bài báo truyền bá tính ích kỷ đó cho phụ nữ chỉ trong vài ngày đã được chia sẻ rầm rộ; rất nhiều người đã cho rằng đó là một bài học cần ghi nhớ để học theo; người có con gái đọc được thì nhớ để học theo bà mẹ mà dặn con mình; người con gái đọc được thì nhớ để sau này bản thân có ngày đó thì đem ra áp dụng. Thật đáng sợ!
Phân biệt rõ tốt xấu
Dưới bài viết ấy có hàng trăm hàng ngàn bình luận, đồng tình có, phản đối có; mà phản đối từ cánh phụ nữ thì ít lắm. Sự ích kỷ chính là chất độc hủy hoại một con người từ bên trong và phá hủy gia đình người đó. Cũng vì những bài báo như thế này mà không biết sẽ có bao nhiêu cặp chia tay nhau; bao nhiêu gia đình bất hạnh. Gia đình là tế bào của xã hội; nếu nhiều “tế bào” tan vỡ thì xã hội đó sớm muộn cũng vỡ tan.
Vậy để khỏi ngấm những tư tưởng độc hại thì ta phải học cách phân loại những thứ ấy ra; cái nào giúp ta trở thành tốt và cái nào biến ta trở thành xấu. Cái gì cổ súy cho sự thật, lòng thành thực, lòng thương người; và có sự nhường nhịn, biết nghĩ cho lợi ích người khác trước thì đó chính là truyền thông giúp ta thành người tốt; và hiển nhiên những gì ngược lại thì là truyền thông xấu.
Nếu bạn hỏi làm người tốt thời nay phỏng được gì? Thì tôi cũng không biết chính xác bạn sẽ được gì về mặt vật chất; nhưng tôi biết chắc chắn rằng nếu làm người tốt thì gặp ai, đi đâu người ta cũng quý mến bạn cả.
Tóm lại, chúng ta nên cẩn thận với những gì mình tiếp xúc trên mạng xã hội trong 1/4 thời gian của phần đời còn lại.