Lời nói và hành vi của cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách và thái độ sống của con. Nếu không muốn mắc phải các lỗi giáo dục và biến con trở thành kẻ thù thì cha mẹ nên lưu ý 4 điều dưới đây.
Nội dung chính
1. Gây áp lực và kiểm soát quá mức
Cha mẹ thường nhân danh việc mong muốn những điều tốt nhất cho con mình mà kiểm soát chúng quá mức. Kiểu kiểm soát thái quá này thường tạo thành áp lực quá lớn cho trẻ, khiến trẻ dần có thái độ chống đối với cha mẹ.
Ví dụ, cha mẹ theo đuổi sự hoàn hảo và yêu cầu con mình phải vượt trội về mọi mặt; điều này khiến con cái cảm thấy áp lực và không chịu nổi những tiêu chuẩn cao như vậy.
Khi trẻ không đáp ứng được mong đợi của cha mẹ, cha mẹ có thể tỏ ra thất vọng hoặc thậm chí tức giận, điều này lại càng làm trẻ thêm căng thẳng và sợ hãi. Theo thời gian, trẻ sẽ dần cho rằng những yêu cầu của cha mẹ đối với mình là không công bằng, vô lý, thậm chí là ngược đãi, do đó dẫn đến mâu thuẫn và gây xung đột với cha mẹ.
2. Nói những lời mỉa mai, châm chọc, làm tổn thương lòng tự trọng của con
Lời nói gây thương tổn là một hiện trạng phổ biến trong gia đình. Có một số cha mẹ cũng không ý thức được lời nói và việc làm của mình đã làm tổn thương con thế nào. Những thương tổn trong lòng sẽ rất khó chữa lành và hóa giải, đứa trẻ sẽ mang theo suốt đời như những vết sẹo của tuổi thơ.
Có những bậc cha mẹ dùng những lời giễu cợt, khiêu khích, đe dọa, coi thường, mỉa mai để bày tỏ sự bất bình, không hài lòng của mình. Những lời nói mang tính sát thương này thường gây ra sự oán hận và phản kháng của trẻ.
Con cái lớn lên cần sự quan tâm, hỗ trợ của cha mẹ. Khi con cái bị tổn thương bởi lời nói của cha mẹ, lòng tự trọng của chúng sẽ bị tổn hại; chúng sẽ sinh lòng oán hận, thậm chí có ý nghĩ trả thù.
3. Cha mẹ nên lưu ý đừng thờ ơ và xem nhẹ con
Bận rộn với công việc và áp lực cuộc sống thường dẫn đến việc cha mẹ bỏ bê những nhu cầu của con cái. Sự lơ là này có thể khiến trẻ cảm thấy cô đơn và không được chăm sóc.
Chẳng hạn, cha mẹ bận rộn với công việc không có thời gian vui chơi, trò chuyện, chia sẻ cuộc sống với con cái; khiến con cái cảm thấy bị bỏ rơi, lạc lõng.
Người ta thường nói, có những khoảnh khắc cha mẹ thờ ơ với con, còn tàn nhẫn hơn cả la mắng.
Trong cuộc sống hàng ngày, nếu cha mẹ không thể giao tiếp kịp thời và quan tâm đến cảm xúc, nhu cầu của con, chúng sẽ dần mất lòng tin vào cha mẹ. Thời gian trôi qua, sự coi nhẹ, thờ ơ này sẽ dẫn đến sự oán trách của trẻ.
4. Lý giải độc đoán và cưỡng chế, áp đặt con
Nhu cầu của trẻ em khác với nhu cầu của người lớn. Nếu cha mẹ không hiểu và tôn trọng nhu cầu của con thì dễ dẫn đến mâu thuẫn, cừu hận.
Đặc biệt khi trẻ gặp khó khăn, thử thách thì sự thấu hiểu, hỗ trợ của cha mẹ là đặc biệt quan trọng.
Một số cha mẹ ôm suy nghĩ rằng :“Những gì con đang trải qua là những gì cha/mẹ đều đã trải qua. Vậy nên cha/mẹ biết con cần phải làm gì, con chỉ cần nghe lời là được”.
Cách cư xử và sự lý giải độc đoán này sẽ khiến trẻ hiểu sai và cảm thấy bị coi thường, cảm thấy bản thân không được tôn trọng và mất đi quyền lợi cá nhân. Điều này dễ dẫn đến xung đột gây chia cách giữa cha mẹ và con cái.
Thực ra, phương pháp giáo dục khắc nghiệt của nhiều bậc cha mẹ hoàn toàn không phải là cố ý. Bởi chính họ cũng lớn lên theo cách này, khuôn mẫu này được sao chép từ cha mẹ họ; một cách vô thức, họ cũng đối xử với con cái mình theo cách tương tự.
Cha mẹ nên lưu ý 4 điều này, để con được lớn lên trong tình yêu thương và phương pháp giáo dục đúng đắn; đồng thời thiết lập mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái.
Theo Visiontimes