Nhân sinh cảm ngộ

Một người có giáo dưỡng sẽ thể hiện trong 8 chi tiết này

04/10/23, 17:13
Một người có giáo dưỡng sẽ thể hiện trong 9 chi tiết này
(ảnh minh họa Tuytra)

Sự giáo dưỡng của một người không phải thể hiện ở địa vị, tài sản hay danh tiếng, mà là từ những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày.

Lễ là quy phạm lễ nghi cơ bản để đối xử với mọi người, đồng thời nó cũng là thể hiện sự tu dưỡng đạo đức của một người. Người thực sự hiểu biết sẽ biết quan tâm đến cảm xúc của người khác và cư xử lịch sự, nhã nhặn. Khi bạn đối xử tử tế, hòa nhã với người khác thì thế giới cũng sẽ đối xử tử tế, hòa nhã với bạn.

Nói chuyện có chừng mực 

Người xưa có câu: “Quân tử ước ngôn, tiểu nhân tiên ngôn”. Nghĩa là quân tử thường thận trọng với lời nói của mình, còn tiểu nhân thì nói năng một cách vô trách nhiệm. Một người có giáo dưỡng thường sẽ biết cẩn trọng, chú ý trong lời nói để giữ sự tôn trọng đối với người khác, đồng thời cũng là tôn trọng chính bản thân mình.

Một người có giáo dưỡng sẽ thể hiện trong 9 chi tiết này
Một người có giáo dưỡng sẽ cẩn trọng lời nói để tránh làm tổn thương người khác (ảnh minh họa Istockphoto)

Khi chúng ta có thể giữ lời nói có chừng mực, lưu lại cho đối phương đường lui, đồng thời hành vi cử chỉ có hạn độ thì mối quan hệ với người khác tự nhiên cũng sẽ trở nên thoải mái, bình hòa và thân thiện.

Kiên nhẫn lắng nghe 

Có câu nói rằng: “Im lặng lắng nghe có thể làm cảm động lòng người hơn ngàn lời nói”. Một người có thể im lặng, kiên nhẫn lắng nghe người khác thì chính là thể hiện sự đồng cảm, quan tâm đến cảm nhận và suy nghĩ của đối phương. Cho dù người đó không nói ra bất cứ điều gì nhưng đối phương vẫn cảm nhận được sự chân thành và ấm áp từ trái tim của họ. 

Vì vậy, trong giao tiếp với người khác, điều quan trọng không phải là truyền đạt ý kiến bản thân mà là thông qua việc giao tiếp để thấu hiểu và chia sẻ với nhau. Do đó, việc kiên nhẫn lắng nghe người khác là vô cùng quan trọng. Đặc biệt khi bạn muốn đánh giá hoặc góp ý cho một người nào đó, bạn cần phải thực sự thấu hiểu và biết được họ là người như thế nào, đang gặp vấn đề gì.

Như vậy, chỉ khi lắng nghe người khác một cách chân thành bạn mới có thể cảm nhận được cảm xúc và nội tâm của người đó. Khi đó, bạn mới thực sự có thể đưa ra những phản hồi tích cực và phù hợp, để giúp mối quan hệ của cả hai trở nên thân thiết và gần gũi hơn.

Tôn trọng người khác

Có một câu chuyện như vậy: Một người phụ nữ dẫn đứa con trai của mình đến trường. Khi nhìn thấy cô lao công đang quét dọn bên đường, người phụ nữ liền chỉ tay và nói với con: “Con phải cố gắng học hành, nếu không sau này chỉ có đi hốt rác như vậy thôi”. Một người mẹ khác cũng đang dắt con gái đến trường nhìn thấy điều này, liền cúi người nói với con gái: “Con phải nỗ lực học tập, sau này giúp xã hội phát triển hơn, những người lao động cũng sẽ không vất vả như vậy”. 

Có lẽ những chuyện như vậy xảy ra hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta. Kỳ thực trong cuộc sống, bất kỳ ai cũng cần được tôn trọng. Đây là sự giáo dưỡng cơ bản của một người, nếu muốn nhận được sự tôn trọng của người khác, trước tiên bạn phải học cách tôn trọng người khác. 

Khi trở thành người biết tôn trọng người khác thì gia đình mới có thể hòa thuận, tình bạn mới có thể bền lâu, cuộc sống mới có thể tràn ngập ánh nắng. 

Trân quý đồ ăn

Có câu nói: “Nhất chúc nhất phạn, đương tư lai chi bất dịch”. Nghĩa là: Một bát cháo, một hạt cơm, phải biết rằng có được không dễ dàng. Khi cuộc sống ngày càng đầy đủ, chúng ta thường cảm thấy những điều mình đang có là đương nhiên. Nhưng quả thực những thứ đơn giản như bữa cơm hàng ngày đều là thành quả và nỗ lực của rất nhiều người. Do đó, dù cuộc sống no đủ đến đâu, hãy giữ tấm lòng trân trọng đối với đồ ăn mình nhận được.

Khi ăn người Nhật sẽ thường nói “itadakimasu” (cảm ơn vì bữa ăn) (ảnh minh họa Japanwondertravel)

Từ chối lãng phí và trân trọng từng bữa ăn không chỉ là tôn trọng sức lao động của người khác, mà còn là sự giáo dưỡng cần thiết của một con người. 

Ăn mặc phù hợp

Mọi người thường nói: “Ăn cho mình, mặc cho người”. Thông qua cách ăn vận của một người, chúng ta có thể thấy được người đó có tôn trọng bản thân mình và người khác hay không. Một người ăn mặc gọn gàng, chỉnh tề thì chính là tấm danh thiếp tốt nhất của người đó. 

Bạn không nhất định phải có quần áo đắt tiền hay bề ngoài nổi bật, chỉ cần bạn ăn mặc chỉnh tề, gọn gàng, phù hợp và có cử chỉ thái độ lịch sự, nhã nhặn, thì cũng đủ khiến mọi người cảm thấy thiện cảm và quý mến.

Đúng hẹn

Đến cuộc hẹn đúng giờ chính là thể hiện sự thành tín của một người. Cho dù gặp mặt bạn bè hay tham gia cuộc họp thì bạn cũng nên tuân thủ thời gian và đến đúng giờ. Đây không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm, mà còn thể hiện sự giáo dưỡng của một người.

Lời hứa dù nhỏ cũng phải giữ lời, khi bạn chân thành báo đáp người khác thì người khác mới báo đáp bạn bằng sự chân thành. 

Đặt mình vào vị trí của người khác

Hãy đối xử với người khác như cách bạn muốn người khác đối xử với mình. Khi đối mặt với mọi người trong những tình huống khác nhau, bạn nên suy nghĩ vấn đề từ quan điểm của người khác, quan tâm đến cảm xúc và đặt mình vào vị trí của họ. Khi đó, giữa người với người sẽ có ít hiểu lầm hơn và có nhiều sự bao dung hơn, bớt đi sự thờ ơ và tăng thêm sự ấm áp. 

Một người có giáo dưỡng sẽ thể hiện trong 9 chi tiết này
Hãy đối xử với người khác như cách bạn muốn người khác đối xử với mình (ảnh minh họa Everypixel)

Tri ân báo đáp

Tục ngữ có câu: “Tích thủy chi ân, đương dĩ dũng tuyền tương báo”, có nghĩa là cho dù bạn nhận được ơn chỉ bằng giọt nước, cũng cần đền đáp bằng cả dòng suối. Khi nhận được sự giúp đỡ từ người khác, chúng ta nên bày tỏ lòng biết ơn từ tận đáy lòng và giữ lòng tốt này trong lòng cho đến một ngày chúng ta có thể hồi đáp bằng hành động. 

Chỉ có người hiểu được cảm ân và biết cách báo ân mới có thể lan tỏa hơi ấm cho người khác và làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Theo Sound of hope

x