Khổng Tử: Học không nghĩ ắt không thông, nghĩ không học tất nguy hiểm

Trong Luận Ngữ, Khổng Tử nói: “Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi.” Nghĩa là học mà không nghĩ thì không thông, nghĩ mà không học thì nguy hiểm.
Võng (罔) tức là mê mờ, vô tri.
Chữ Đãi (殆)Trong Luận ngữ có hai nghĩa. Một là nghi vấn, ngờ vực; ví như trong câu: “Đa kiến khuyết đãi” (thấy được nhiều thì ít đi chỗ nghi vấn). Hai là nguy hiểm như “Kim chi tòng chính giả đãi nhi” (làm quan thời nay chỉ nguy hiểm thôi), và “trịnh thanh dâm, nịnh nhân đãi” (âm nhạc nước Trịnh dâm loạn, kẻ nịnh hót thì nguy hiểm).
Học không nghĩ ắt không thông, nghĩ không học tất nguy hiểm
Khổng Tử là người đầu tiên bàn về “học” một cách có hệ thống. Trong toàn bộ sách Luận Ngữ, chữ học – 学 xuất hiện hơn 60 lần. Chữ tư – 思(suy nghĩ) xuất hiện hơn 30 lần. Bài này xin bàn về mối quan hệ giữa học và tư
Khổng Tử có lẽ là bậc thầy trong việc học, nhưng chính ông cũng từng nhấn mạnh rằng, chỉ suy nghĩ suông thì không đủ. Khổng Tử nói: “Ngô thường chung nhật bất thực, chung dạ bất tẩm, dĩ tư, vô ích, bất như học dã” (vệ linh công thiên), Nghĩa là: “Ta đã từng suốt ngày không ăn, suốt đêm không ngủ để suy nghĩ, nhưng vô ích, không bằng việc học.”
Khổng Tử còn nói: Nhân a, tức sử hảo nhân, tri, tín, trực, dũng, cương, đãn như quả bất hảo học, dã dung dịch xuất vấn đề. (Dương Hóa thiên: “Hảo nhân bất hảo học, kỳ tế dã ngu; hảo tri bất hảo học, kỳ tế dã đãng; hảo tín bất hảo học, kỳ tế dã tặc; hảo trực bất hảo học, kỳ tế dã giảo; hảo dũng bất hảo học, kỳ tế dã loạn; hảo cương bất hảo học, kỳ tế dã cuồng“).
Tức là: Con người, cho dù yêu thích nhân, tri, tín, trực, dũng, cương; nhưng nếu không chịu học hỏi, thì vẫn dễ mắc sai lầm.
(trong thiên Dương Hóa ông nói: “Thích nhân mà không học, tất ngu muội; muốn tri mà không học, sẽ lạc lối; thích tín mà không học, dễ gian trá; thích trực mà không học, thành nóng nảy; muốn dũng mà không học, sẽ hỗn loạn; thích cương mà không học, ắt hóa cuồng.”)

Có câu chuyện rất thú vị khi Khổng Tử lần đầu gặp Tử Lộ, ông khuyến học thì Tử Lộ nói:
“Núi Nam Sơn có cây trúc, không cần uốn mà tự nhiên thẳng; chặt xuống làm mũi tên, có thể bắn thủng da tê giác. Như thế thì cần gì phải học?”
Khổng Tử ôn tồn đáp:
“Nếu gắn thêm lông vũ vào đuôi, mài bén mũi tên, chẳng phải mũi tên sẽ đâm sâu và bay xa hơn sao?”
Nghe xong, Tử Lộ liền cúi lạy lần nữa, kính cẩn tiếp thu lời dạy. (Trích từ “Khổng Tử Gia Ngữ · Quyển 5 · Chương Tử Lộ sơ kiến”).
Trong quan điểm của Nho gia, “học” là điều cốt yếu hàng đầu của đời người, nhưng trong quá trình học tập, không thể thiếu suy tư, ngẫm nghĩ.
Trong Luận Ngữ, có rất nhiều đoạn bàn đến chữ “tư” này. Ví dụ, Khổng Tử nói: “Quân tử hữu cửu tư: Thị tư minh, thính tư thông, sắc tư ôn, mạo tư cung, ngôn tư trung, sự tư kính, nghi tư vấn, phẫn tư nan, kiến đắc tư nghĩa.”
Nghĩa là: “Người quân tử có chín điều cần nhớ nghĩ: Khi nhìn phải nghĩ cho rõ, khi nghe phải nghĩ cho thông, sắc mặt nhớ phải ôn hòa, dáng vẻ nhớ phải cung kính, lời nói phải nhớ trung thực, làm việc nhớ kính cẩn, thấy nghi nhớ hỏi, khi tức giận nhớ tới tai ương, thấy lợi phải nghĩ đến đạo nghĩa.”
Tử Hạ viết: “Bác học nhi đốc chí, thiết vấn nhi cận tư, nhân tại kỳ trung hĩ.” (Tử Trương thiên)
Nghĩa là: Học rộng mà giữ chí vững, hỏi kỹ và suy nghĩ sâu, thì nhân đức ắt sẽ nằm ở trong đó.
Trong thiên “Trung Dung” thuộc Lễ Ký, Nho gia thậm chí đã đưa ra một tiến trình học tập hoàn chỉnh, trong đó “hành” bao gồm cả “học”, “học – hành” hợp nhất (thể hiện tư tưởng học đi đôi với hành, tri thức và hành động hợp nhất):
“Bác học chi, thẩm vấn chi, thận tư chi, minh biện chi, đốc hành chi.”
Tức là: “Học rộng, hỏi kỹ, suy nghĩ thận trọng, phân biệt rõ ràng và kiên tâm thực hành.”
Học và tư phải đi đôi với nhau
Liên quan đến Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi, Trương Cư Chính đã giải thích theo quan điểm của lý học Trình – Chu (tức Trình Di, Chu Hy) rằng:
“Đạo lý trong thiên hạ trải ra trong vạn sự, nhưng đều quy tụ nơi tâm ta. Vì đạo lý trải ra trong vạn sự, nên ắt phải tăng cường mở rộng tri thức, tìm hiểu sự vật, tự thân thực hành trong thực tế, bỏ công phu rèn luyện, thì tri thức ấy mới thực sự là của chính mình – đó gọi là học.
Vì đạo lý hội tụ nơi tâm, nên ắt phải dốc sức trầm ngâm suy đi xét lại, nghiên cứu tìm tòi, ra công rèn luyện, rồi sau đó mới thấu suốt được sự tinh túy sâu xa – đó gọi là tư. Hai việc ấy không thể thiếu một.
Nếu chỉ biết học mà không suy xét đến ý nghĩa thì tâm không sáng tỏ, những gì học được chỉ là cái biết hời hợt qua loa, cuối cùng dẫn đến mê mờ, cho nên mới nói học mà không suy nghĩ thì mê mờ, không thông. Ngược lại, nếu chỉ biết suy nghĩ mà không nỗ lực học tập, thì suy nghĩ sẽ không có cơ sở, những điều suy ra chỉ là tưởng tượng mơ hồ, cuối cùng cũng rơi vào nguy lầm, cho nên mới nói nghĩ mà không học thì nguy hiểm.“
Trong giới giáo dục có câu nói đầy kinh nghiệm rằng: “Viết giáo án ba năm chưa chắc đã thành thầy tốt; nhưng nếu viết suy ngẫm về việc giảng dạy suốt ba năm, thì chắc chắn thành thầy giỏi”. Quả thực cũng là nói rằng, học và suy nghĩ phải đi đôi với nhau.
Theo Epoch Times