Không thể không thừa nhận đau khổ là một phần của cuộc sống. Đó là “vị” mà làm người ai cũng sẽ nếm qua. Vậy, hãy để những đứa trẻ của bạn trải nghiệm sớm hơn một chút, trước khi quá muộn.
Để đại bàng con học bay, đại bàng mẹ cắp nó đến vách đá, rồi thả ra để đại bàng con rơi xuống vực sâu. Để sinh tồn, đại bàng con chỉ có thể vỗ cánh trong tuyệt vọng, và cuối cùng bay lên cao chỉ một giây trước khi rơi xuống đáy vực.
Đối với con người cũng vậy, một đứa trẻ sống trong sự cung phụng, nếu không thể tự đối mặt với thử thách thì sau này tung cánh, cũng khó có thể bay xa. Dù thương xót con đến đâu, bạn cũng nên để con chịu đựng 6 loại “khổ” này. Tin chắc rằng trong tương lai chúng sẽ cảm ơn bạn.
1– Nỗi khổ trong học hành
Cuộc sống của người có học hành và người không học là hoàn toàn khác nhau. Những đứa trẻ không thích học thì khi đến trường rất thoải mái, trong khi những đứa trẻ khác lắng nghe thì nó lại sao nhãng, trong khi trẻ khác vất vả học tập thì nó chỉ mải lo rong chơi.
Nhưng sau khi trưởng thành, bởi không có tri thức nên họ chẳng biết gì. Họ chỉ có thể làm những công việc mệt mỏi nhất và sống một cuộc đời khó khăn nhất.
Họ đã “bỏ lỡ” nửa đầu cuộc đời trong sự lười biếng, và tuyệt vọng trả giá trong nửa đời sau của mình. Dẫu học hành là vất vả nhưng không học hành thì cuộc sống càng khó nhọc hơn.
Nhà thơ Lâm Phúc thời Bắc Tống đã từng nói: “Trẻ không siêng năng, về già vất vả, trẻ nghe theo người nhà, về già sẽ an vui”. Cái khổ trong học hành bắt đầu từ chịu khổ những việc nhỏ, đừng sợ khổ, hãy chủ động chịu khổ, chịu khổ càng nhiều thì tương lai càng rộng mở.
2- Nỗi khổ trong lao động
Lao động là điều vinh quang nhất, cũng là điều khó khăn nhất và mệt mỏi nhất. Những người yêu thích lao động và sẵn sàng đổ mồ hôi, hầu hết cuộc sống của họ ngày càng tốt hơn. Người không lao động thì họ sẽ bị chính sự lười biếng của mình trừng phạt.
Có một câu nói rằng: “Bạn càng ít muốn sai khiến bọn trẻ, bọn trẻ càng trở nên vô dụng.”
Cha mẹ hãy khuyến khích con cái làm việc nhà, có thể làm nhiều hơn một chút trong khả năng, không chỉ để chia sẻ trách nhiệm trong gia đình mà còn để con cái hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của lao động.
Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ em càng yêu lao động thì tương lai tỷ lệ thành đạt sẽ càng cao, và càng hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Đây là điều mà trẻ không yêu lao động không thể có được.
Khi còn nhỏ, hầu hết trẻ rất thích những ngày ăn sung mặc sướng, nếu vẫn cứ như vậy cho đến lớn, thì trẻ thậm chí không thể giặt giũ và nấu ăn đơn giản, vô tình đã trở thành một “đứa trẻ khổng lồ”.
Thực sự yêu thương một đứa trẻ không phải là đặt trẻ vào một hũ mật ong, mà là biết sử dụng sức lao động của trẻ một cách hợp lý, cho trẻ có cơ hội được học hỏi, để sau này chúng biết quý trọng thời gian và thành quả sức lao động.
3- Chịu khổ từ những lời chỉ trích
Có một câu nói phổ biến: “Sinh con thì dễ nhưng nuôi con mới khó; nuôi con thì dễ nhưng dạy con mới khó.”
Nếu cha mẹ không muốn phê bình và kỷ luật con cái của họ, thì chính là họ đang nuông chiều, dung túng và làm hư con mình. Khiến con cái của họ ngày càng không hiểu chuyện và ương bướng.
Sự chỉ trích chắc chắn làm cho trẻ khó chịu, nhưng chính vì sự khó chịu mà trẻ biết rằng mình làm chưa tốt.
Người xưa có câu: “Cây non thì uốn nắn, còn trẻ thì nhất định phải quản.” Một cái cây chỉ có thể phát triển theo sự uốn nắn thì nó mới có giá trị. Những đứa trẻ lớn lên chỉ có thể tốt hơn khi chúng có kỷ luật.
4- Chịu khổ trong khi suy nghĩ
Khổng Tử đã từng nói: “Học mà không suy nghĩ là điều vô ích, suy nghĩ mà không học là điều nguy hiểm.”
Một giáo sư tại Đại học Thanh Hoa cũng chỉ ra rằng: Ở Trung Quốc, 90% trẻ em đang giả vờ học. Một số trẻ cho rằng việc học là như thế này: đến lớp đúng giờ, làm bài đúng giờ, được điểm cao là thông minh, còn bị điểm kém thì thừa nhận mình ‘dốt’.
Những đứa trẻ này đã từ bỏ việc chủ động tư duy, chúng từ chối giải quyết các vấn đề và não bộ dần rơi vào trạng thái tê liệt. Tất cả sự trì hoãn, không hoạt động, chán học, sa sút trong điểm số là do trẻ không muốn suy nghĩ nhiều.
Là bậc cha mẹ, chúng ta nên rèn cho con cái thói quen vận dụng đầu óc. Chúng cần suy nghĩ cách hoàn thành bài tập về nhà. Tương lai của chúng chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn.
5- Chịu khổ trong sự “kiên trì”
Chúng ta đều biết, khi lớn lên, người ta thường hối tiếc về điều này hay điều khác. “Tôi tiếc rằng tôi đã không học một chuyên ngành, để rồi khi lớn lên, tôi không có tài năng gì nổi bật. Tôi hối hận vì mình đã không cố gắng học hành chăm chỉ, để khi lớn lên không có được cuộc sống như mong muốn.”
Dạy trẻ tính kiên trì có nghĩa là dạy trẻ có niềm đam mê với mọi thứ, có mục đích, tầm nhìn và kiên trì cho dù chúng gặp phải khó khăn hay trở ngại nào. Trong cuộc đời luôn có những điều hối tiếc và chỉ có sự kiên trì mới có thể hóa giải được chúng.
Hạnh phúc thực sự là khi đón nhận kết quả của sự nỗ lực. Nếu bạn không trải qua nỗi đau sâu sắc, bạn không thể trải nghiệm hạnh phúc thực sự.
Trên con đường học vấn thì bọn trẻ không bao giờ được bỏ cuộc. Phụ huynh khi dạy con cũng không bỏ cuộc trước sự ương bướng hoặc khi con cái mình tiếp thu chậm. Sự kiên trì là trách nhiệm lớn nhất đối với đứa trẻ.
Trong cuộc sống luôn có những điều hối tiếc và chỉ có sự kiên trì mới có thể hóa giải.
6- Chịu vị đắng của sự ‘thất bại’
Đời người có ai chưa từng thất bại? Thậm chí thất bại là rất nhiều.
Cha mẹ với tầm nhìn hạn hẹp chỉ đổ lỗi cho con trẻ, khiến chúng vì tổn thương mà trở nên tự ti và rụt rè vì sợ bị trách mắng. Bậc cha mẹ đã từng đạt được sự thành công trong sự nghiệp, có trải nghiệm sâu sắc về cuộc đời, họ không chỉ dạy con cái họ cách thành công mà còn cả cách đối mặt với thất bại.
Con đường trưởng thành luôn có những thăng trầm, cha mẹ phải cho con cái học cách chịu đựng thất bại, vì đó là liều thuốc tốt cho sự trưởng thành. Tâm trí được ma sát với những thất bại sẽ dần trở nên mạnh mẽ hơn.
Nhà văn Âu Dương Tu nói: “Khó khăn bộc lộ tài năng, từ đó mà có được thành công.” Đời người dù không dài nhưng cũng trăm năm, tuổi trẻ chịu đựng gian khổ, phần đời về sau sẽ hưởng thành quả. Chỉ bằng cách để đứa trẻ trải qua cay đắng của thất bại, chúng mới thể nghiệm được hạnh phúc thực sự là gì.
Theo Aboluo Wang