Văn hóa truyền thống

Truyện cười xưa: Giả vờ hiểu biết, tự hại chính mình

27/04/25, 16:43
Truyện cười xưa: Giả vờ hiểu biết, tự hại chính mình
Giả vờ hiểu biết - tự hại chính mình (ảnh minh họa: Epochtimes)

Truyện cười có lẽ ai cũng thích, nhưng liệu truyện cười xưa và nay có giống nhau không? Hãy cùng đọc một mẩu chuyện tiếu lâm của Hàm Đan Thuần thời Đông Hán nhé!

Truyện cười: Ai giết Trần Đà?

Có một nho sinh tên Giáp muốn đến thăm vị quan huyện trong vùng. Nhưng vì không dám đường đột đến gặp, nên trước tiên dò hỏi người quen để tìm hiểu sở thích của viên quan huyện.

Anh ta hỏi: “Đại nhân thường đọc sách gì vậy?” Có người mách nhỏ rằng: “Ông ấy mê nhất là Công Dương truyện. Nếu anh hiểu bộ sách đó, biết đâu lại có đường tiến thân”.

Nghe vậy Giáp sinh trong lòng hớn hở, thế là cả đêm hôm đó anh ta đọc gấp cuốn Công Dương truyện, học thuộc được vài câu kinh văn, liền tràn đầy tự tin đi gặp quan huyện.

Quan huyện cho tiếp kiến, quả nhiên sau vài câu trò chuyện quan liền hỏi: “Anh hay đọc sách gì?”

Giáp liền ưỡn ngực đáp: “Tiểu nhân thường ngày chuyên tâm nghiên cứu Công Dương truyện!”

Quan nghe thế tỏ ra rất hứng thú, liền hỏi thử: “Vậy anh nói xem, ai giết Trần Đà?”

Giáp nghe đến đó, đầu óc choáng váng đơ người không biết trả lời sao. Mặt anh tái mét, mồ hôi lạnh túa ra không ngừng. Một hồi sau, anh ta nghiêm túc đáp: “Tiểu nhân… thực sự chưa từng giết Trần Đà!”

Quan huyện nghe xong thì sững người trong chốc lát, rồi bật cười lớn, trong lòng đã hiểu rõ, liền nửa đùa nửa thật hỏi tiếp: “Anh không giết à? Vậy thì ai giết?”

Giáp nghe đến đó thì hoảng hồn khiếp vía, cứ tưởng mình đã dính vào một vụ đại án. Mặt tái xanh, mồ hôi vã như tắm, cũng chẳng dám lên tiếng, không kịp xỏ giày liền xoay người bỏ chạy.

Vừa ra khỏi nha môn anh ta cắm đầu chạy thục mạng. Một người đồng hương thấy dáng vẻ bất ổn này liền chạy theo hỏi: “Anh sao thế?”

Giáp thở hổn hển nói: “Tôi mới vào diện kiến quan huyện, vừa gặp mặt ông ấy đã hỏi tôi có giết người không. Tội chết như vậy sao tôi gánh nổi? Sau này có thế nào tôi cũng chẳng dám tới nha môn. Chỉ mong về sau gặp ngày đặc xá, tôi mới dám ló mặt ra ngoài thôi!”

chuyện cười; hài kịch; chuyện tiếu lâm
Người xưa coi trọng việc học, học đi đôi với hành, việc học không thể đi đường tắt (ảnh minh họa: Epochtimes)

Thoạt nghe phản ứng lạc đề của anh chàng thư sinh trong truyện thì chúng ta cảm thấy buồn cười, nhưng thực ra trong đó lại phản ánh một chân lý. Giáp vốn học hành dốt nát, nhưng lại vọng tưởng dùng trò mánh khóe để lấy lòng quan huyện, mong kiếm được chức tước. Nào ngờ bị một câu hỏi đơn giản làm cho bối rối, kết cục tự dọa chính mình đến mức bỏ chạy trong ê chề.

Vị quan chỉ cần hỏi một câu là đã biết ngay trong bụng Giáp chẳng có chút tri thức nào. Giữa tiếng cười đó quan huyện đã chỉ ra một bài học: Học hành cần phải thực chất, có gốc rễ thì mới vững. Còn kẻ đi đường tắt, không học mà muốn thành, thì sớm muộn gì cũng tự chuốc họa vào thân.

Giải thích điển cố “Thái Nhân giết Trần Đà”

Công Dương truyện là một trong ba bản chú giải Kinh Xuân Thu – một bộ kinh thư cổ của Trung Quốc.

Truyện này được truyền từ Tử Hạ cho Công Dương Cao, rồi lần lượt qua con cháu: Bình, Địa, Cảm, Thọ. Đến thời Hán Cảnh Đế, Thọ cùng với Hồ mẫu Tử Đô – người nước Tề – mới ghi chép lại thành sách lên thẻ tre và lụa.

Tư tưởng chủ đạo của Công Dương truyện thiên về đường lối tôn vương của Kinh Xuân Thu, từ đó mở rộng thành các học thuyết như “đại nhất thống” và “bát loạn phản chính”. Ở đoạn chép về năm thứ sáu đời Hoàn Công, việc ghi lại sự kiện “Thái Nhân giết Trần Đà” thể hiện rõ quan điểm trị quốc của Nho giáo – đặt đạo đức luân lý lên hàng đầu.

Mặc dù ghi chép rất ngắn, nhưng lại dùng chính bút pháp Kinh Xuân Thu để phê phán sâu cay hành vi thất đức của vua chúa. Do đó, vị quan huyện dẫn lại đoạn này để hỏi Giáp không đơn thuần chỉ là thử tài, mà có thể là muốn gợi mở cuộc đối thoại về chính trị – học thuật.

Nguyên văn ký sự Thái nhân giết Trần Đà được giản dịch như sau:

Người nước Thái đã giết Trần Đà. Trần Đà là ai? Ông là vua nước Trần. Nếu đã là vua, sao lại gọi thẳng tên mà không gọi là “Trần quân”? Vì ông ta coi như đã bị phế truất, không còn được công nhận là vua nữa. Tại sao lại bị phế bỏ danh hiệu vua? Vì ông ta “hèn hạ”! Ông ta đã làm những chuyện gì hèn hạ không xứng làm vua? Ông ta ở bên ngoài phóng túng dâm dật, không giữ gìn. Ông ta phóng đãng đến mức nào? Ông ta dâm loạn với người nước Thái, cuối cùng bị người nước Thái giết.

chuyện cười; hài kịch; chuyện tiếu lâm
Vua Trần Đà vì hoang dâm mà bị người dân nước Thái giết (ảnh minh họa: Youtube)

Dù đoạn ghi chép lịch sử này rất ngắn, nhưng lại là một tấm gương cảnh tỉnh sâu sắc về việc lấy đạo đức làm gốc. Nó nhấn mạnh quan điểm: “Vi quân giả, tất tu kỳ thân”- tức bậc quân vương ắt phải tu thân.

Đối với người có học, chẳng phải cũng là đạo lý ấy sao? Vị thư sinh dởm kia không chịu tu thân, không có thực học, thì làm sao có trí tuệ? Ngược lại còn tự hại chính mình, thực không còn là câu chuyện cười đơn thuần nữa!

Theo Epoch Times

x