Không nổi giận khi dạy con – không chỉ là giáo dục mà còn là sự tu dưỡng

Dạy con vốn là bài toán nan giải. Có lẽ người mẹ nào cũng từng trải qua những khoảnh khắc vừa muốn gào khóc sụp đổ, vừa hối hận vì đã nổi giận với đứa con mình yêu thương.
Hẳn nhiều người mẹ sẽ thấy mình từng rơi vào những tình huống quen thuộc như: Chỉ còn 10 phút nữa là đến giờ đi học mà con vẫn chần chừ chưa chịu đánh răng; vài dòng bài tập mà loay hoay suốt buổi tối, tẩy đến thủng cả vở, cục gôm thì lỗ chỗ vết đâm bút chì; hoặc con mè nheo vô cớ, khóc mãi không nín, dỗ kiểu gì cũng không được…
Cuối cùng, mọi chuyện chỉ có thể kết thúc bằng một trận quát tháo. Rắc rối trước mắt tạm thời được giải quyết, con cũng im lặng vì sợ.
Nhưng sau đó, nhìn con ngoan ngoãn nghe lời, lòng tôi lại thấy xót xa hơn bao giờ hết, hối hận vì sao lúc đó mình không cố nhịn thêm một chút.
Sau khi bùng nổ hết lần này đến lần khác, tôi bắt đầu suy ngẫm và tự hỏi rốt cuộc điều gì khiến mình hay nổi giận như vậy?
Dưới góc nhìn của khoa học thần kinh, thì khi ta cảm thấy bị đe dọa, não bộ sẽ tự động kích hoạt phản ứng căng thẳng, khiến ta mất kiểm soát -chẳng hạn như thốt ra những lời làm tổn thương người khác mà không hề suy nghĩ.
Đằng sau việc mất kiểm soát cảm xúc chính là nỗi sợ và sự lo lắng
Tại sao hành vi của trẻ lại khiến chúng ta cảm thấy bị đe dọa?
Khi nhớ lại trạng thái của mình lúc tức giận, tôi nhận ra rằng hành vi của con chỉ là một ngòi nổ. Điều thực sự khiến chúng ta bùng nổ là những nỗi sợ và sự lo âu bị dồn nén trong lòng.

Trong lúc giận dữ lên đến đỉnh điểm, trong đầu chúng ta thường có những cuộc đối thoại nội tâm như thế này:
“Tại sao con nhà người ta làm được mà con mình thì không? Nếu con cứ như thế này thì sau này sẽ thành người thế nào? Có phải mình là một người mẹ thất bại không? Mình cũng cần được yêu thương và chăm sóc nữa mà…”
Khi bị cơn giận cuốn theo, chúng ta rơi vào chế độ chiến đấu – không thể sử dụng phần lý trí trong não để đưa ra quyết định tỉnh táo. Thậm chí, chúng ta còn khinh thường những lý thuyết nuôi dạy con mà ngày thường vẫn hào hứng chia sẻ.
Thật ra, đó là biểu hiện của sự hoảng loạn khi ta cảm thấy mình đang mất kiểm soát cuộc sống. Và trong những lúc ấy, con trẻ – ở một mức độ nào đó – chỉ là “người gánh tội thay” cho những cảm xúc tiêu cực của chúng ta.
Chỉ khi chúng ta dám nhìn thẳng vào mặt tối và sự thật xấu xí trong bản tính con người, và thừa nhận rằng nó tồn tại, thì ta mới có thể đối diện với chính mình một cách trung thực.
Từ đó, ta mới có thể điều chỉnh cảm xúc từ gốc rễ, học cách chăm sóc bản thân, và hành xử một cách thực sự có lợi cho sự trưởng thành của con trẻ.
Hậu quả của việc nổi giận với trẻ
Khi chúng ta nổi giận, điều gì đang diễn ra trong não bộ của trẻ? Mạng lưới an toàn trong lòng trẻ – vốn được xây dựng bằng tình yêu thương và sự tin tưởng – đang dần sụp đổ. Trong khoảnh khắc đó, trẻ có thể nghĩ: “Mẹ đang nổi giận thật đáng sợ… con sợ lắm.”
Từ ánh mắt lạnh lùng của mẹ, trẻ cảm nhận được nỗi sợ bị bỏ rơi. Và rồi, trẻ dần trở nên rụt rè, cẩn trọng, bắt đầu che giấu những mong muốn thật sự của bản thân, luôn cố gắng đoán xem người lớn đang nghĩ gì – chỉ để làm mẹ vui lòng.
Những đứa trẻ này phải mang trên mình một gánh nặng cảm xúc từ khi còn nhỏ. Các em vừa khao khát được yêu thương, lại vừa sợ bị tổn thương nên từ chối đón nhận tình yêu, dần dần chúng trở nên lạnh lùng với nội tâm méo mó.
Trẻ lớn lên với những nhận thức sai lệch về chính mình, trong ánh mắt thất vọng của cha mẹ, các em lặng lẽ nuốt lấy mọi tủi thân mà không dám nói ra. Theo thời gian, đứa trẻ không còn nhìn thấy hình ảnh chân thật của bản thân, và đau lòng hơn cả là, chúng thậm chí còn “liên minh” với cha mẹ để tự phán xét và chối bỏ bản thân.
Khi thiếu vắng sự nâng đỡ tình cảm từ cha mẹ, trẻ chẳng khác nào một linh hồn cô độc, buộc phải tự gánh lấy trách nhiệm nuôi dưỡng bản thân – một điều vô cùng rủi ro.
Trẻ dần trở thành một “chú nhím nhỏ”, luôn xù lông để phòng vệ, và học theo kiểu ứng xử đầy bạo lực. Trẻ dần tin rằng: nổi nóng là cách duy nhất để giải quyết vấn đề. Vì vậy, trẻ cũng dễ trở nên bất ổn về cảm xúc, khi gặp chuyện thì la hét, thậm chí đánh người, đập phá để phản kháng.
Sau khi trưởng thành, những hành vi ấy sẽ trở thành cơ chế phản ứng tự vệ ăn sâu trong tiềm thức và âm thầm ảnh hưởng đến các mối quan hệ cũng như chất lượng cuộc sống của trẻ.
Làm thế nào để không tức giận?
Lúc này, điều ta cần nhất là kịp thời nhấn nút “tạm dừng” cho chính mình.
Ví dụ, khi thấy con không nghiêm túc làm bài và bản thân đang sắp bùng nổ, ta có thể dùng lời lẽ bình tĩnh nói với con: “Mẹ đang rất tức giận và sợ sẽ nói ra những điều làm con tổn thương. Mẹ cần vài phút để bình tĩnh lại.”
Sau đó, hãy bước vào nhà vệ sinh, đứng trước gương, hít một hơi thật sâu, và thầm nhủ: “Chuyện này là bình thường.”

Chúng ta cần hiểu rõ cảm xúc và giới hạn của mình. Hãy hồi tưởng lại: rốt cuộc cảm xúc lúc đó là gì? Nó có thể là sốt ruột, lo lắng, tức giận, mong con tập trung hơn, và hy vọng con là người sống nghiêm túc và có kỷ luật.
Vậy thì, điều ta đang suy diễn trong đầu là gì? Có lẽ là: “Nó cẩu thả thế này, sau này thi cử thì sao? Rồi sẽ tụt lại phía sau mất thôi. Học hành thế này là có vấn đề rồi…”
Còn giới hạn của cha mẹ là gì? Là đứa nhỏ nhất định phải hoàn thành bài tập về nhà.
Thay vì chỉ trích, chúng ta chỉ cần nêu sự thật và biểu đạt cảm xúc là đủ. Ví dụ: “Mình đã giao ước là dành 20 phút để làm bài tập, nhưng bây giờ đã 30 phút rồi mà con mới làm được một nửa. Vậy chúng ta sẽ phải điều chỉnh lại thời gian cho việc khác. Mẹ lo nếu muộn quá thì sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của con.”
Cách nói như vậy thể hiện sự quan tâm thật sự, không trách móc, không áp đặt, và con sẽ dễ dàng lắng nghe hơn rất nhiều.
Hãy chủ động hỗ trợ con thêm một chút. Ví dụ, thay vì nói: “Con không thể nghiêm túc một chút à? Viết tí bài mà cứ dây dưa!” Ta có thể dịu dàng hỏi: “Mẹ biết con là người có yêu cầu cao với chính mình. Có phải bài này hơi khó không? Con cần mẹ hỗ trợ gì không?” Cách nói như vậy có thể sẽ có hiệu quả hơn gấp trăm lần.
Nếu đứa trẻ vẫn lề mề, chúng ta chỉ cần nhắc đơn giản: “Bài tập đã được giao thì phải hoàn thành”. Đừng nói thêm điều gì dư thừa nữa, và cũng đừng chú ý đến sự mè nheo của con.
Trong những thời khắc nuôi dạy con đầy thử thách, xin hãy dành cho chính mình nhiều hơn một chút từ bi, thêm một chút kiềm chế, bớt đi một phần nóng giận. Khi ta không còn dùng lửa giận để thiêu đốt trái tim non nớt của con, thì ánh sáng của tình yêu mới có thể dịu dàng len lỏi vào nơi ấy.
Theo Visiontimes