Một gia đình cần có thời gian dài để tích lũy thịnh vượng, nhưng sự suy bại thì đôi khi chỉ xảy ra trong khoảnh khắc. Nếu trong gia đình xuất hiện ba dấu hiệu sau, sự suy bại có lẽ đã gần kề.
Sách “Mạnh Tử” viết: “Gia tất tự hủy, nhi hậu nhân hủy chi”. Tức là nhà mình tự hủy hoại mình trước, rồi sau người khác mới hủy hoại mình. Rất nhiều lần, chính bởi sự xem nhẹ từ các thành viên trong gia đình mà mâu thuẫn âm thầm lớn dần; rồi đẩy tình trạng đến mức không thể kiểm soát, khiến gia đình suy sụp.
Nội dung chính
3 dấu hiệu của một gia đình bắt đầu suy bại
1. Khắc khẩu hay tranh cãi
Có câu: “Vợ chồng hòa thuận, gia đạo mới bền.” Chỉ khi vợ chồng sống trong hòa thuận, cùng nhau vun đắp thì gia đình mới có thể phát đạt và thịnh vượng.
Cổ nhân cũng dạy: “Anh em hòa thuận thì nhà không tan, chị em dâu hòa thuận thì gia đình êm ấm, nhà có vợ hiền thì giàu có không xa, con cái hiếu thuận thì cha mẹ không phải bận tâm“. Nếu gia đình nào vợ chồng thường xuyên tranh cãi, thậm chí đến mức nặng nề hơn là bạo lực; không chỉ làm tổn thương tình cảm đôi bên mà còn tác động tiêu cực đến giáo dục thế hệ sau. Khi con cái chứng kiến cảnh cha mẹ mâu thuẫn, xung đột, thật khó để chúng lớn lên trở thành người có phẩm hạnh. Nếu trong gia đình mà cha mẹ, anh em, con cái cãi cọ nhau thì sự tan rã chỉ là chuyện sớm muộn.
“Gia hòa vạn sự hưng” có lẽ là chân lý mà nhiều người từng nghe. Nhưng đứng trước những bất hòa, làm thế nào để giữ lòng bình tĩnh? Đặt mình vào vị trí người khác để suy nghĩ; hoặc thậm chí bao dung đối phương – điều này không phải ai cũng làm được. Chỉ khi các thành viên trong gia đình cùng hòa hợp, vui vẻ; họ mới có thể “đồng tâm hiệp lực” và “đồng cam cộng khổ”. Khi tâm cùng hướng về một mục tiêu, sức mạnh mới có thể tạo ra.
Muốn giữ hòa khí trong gia đình, mỗi người trước tiên cần biết “tu khẩu”; khi đối diện mâu thuẫn, “lùi một bước” sẽ giúp mọi điều chuyển biến tốt đẹp hơn.
2. Lười lao động, ham hưởng thụ
Danh thần triều Thanh, Tăng Quốc Phiên, rất coi trọng giáo dục con cái về tính tiết kiệm và cần cù, không xa hoa hay ham mê hưởng thụ. Dù nhà ông có người giúp việc, ông vẫn yêu cầu con cái tự giặt giũ, tự phục vụ, thậm chí tự trồng rau. Ông lo ngại rằng nếu các thành viên quá đắm chìm trong sự nhàn nhã sẽ dễ dàng dẫn đến tai họa.
Một gia đình dù nghèo khó đến đâu, chỉ cần chăm chỉ lao động và tiết kiệm; ngày thịnh vượng cũng sẽ đến. Nhưng nếu gia đình giàu có mà bắt đầu sa vào xa hoa hưởng thụ; suy sụp sẽ tới nhanh chóng. Đúng như cổ nhân đã dạy: “Từ cần kiệm đi đến xa xỉ thì dễ, từ xa xỉ trở về cần kiệm thì khó.”
Gia đình muốn trường tồn thì phải tránh xa những ham mê bất lương; đặc biệt là cờ bạc và chất gây nghiện. Một khi gia đình có người dính vào những thứ này, sự suy sụp sẽ chỉ trong chốc lát.
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, giàu hay nghèo, mỗi người đều phải tự nhắc nhở mình luôn cần kiệm và kiềm chế; phóng túng quá độ chẳng khác nào gieo mầm tai họa cho chính mình và người thân.
3. Con cái vô lễ, quá độ cưng chiều
Cổ ngữ nói: “Con trẻ được chiều chuộng quá mức thì khó thành nhân”. Dù là con trai hay con gái, trẻ nhỏ đều cần được dạy dỗ nghiêm khắc, lễ phép và cẩn trọng, không thể quá nuông chiều.
Đứa trẻ được nuông chiều quá mức, dần sẽ hình thành tính cách vô ơn, chẳng biết kiêng nể. Đôi khi, chính sự nuông chiều mù quáng làm cho trẻ dễ dãi đến mức tổn thương đạo đức, trái lẽ trời. Hậu quả không chỉ phá hủy tương lai của trẻ mà còn đẩy gia đình vào cảnh suy sụp.
Nuông chiều con cái tưởng là tốt, nhưng thực ra lại là hại. Trong cuộc đời, chẳng có cực khổ nào là vô nghĩa. Nếu hiện tại cha mẹ không để con cái tự chịu khổ thì sau này chúng sẽ phải chịu nhiều vất vả hơn. Cuộc đời chẳng ai có thể trọn vẹn như ý; cha mẹ cũng không thể mãi mãi bảo vệ con cái; chỉ khi trẻ biết chịu khổ thì mới có đủ sức mạnh để vượt qua thử thách.